Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 168/QĐ-VPCP năm 2019 về phê duyệt Đề án xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 168/QĐ-VPCP
Ngày ban hành 27/02/2019
Ngày có hiệu lực 27/02/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 168/QĐ-VPCP

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG HỆ THỐNG THÔNG TIN PHỤC VỤ HỌP VÀ XỬ LÝ CÔNG VIỆC CỦA CHÍNH PHỦ

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 150/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ;

Căn cứ văn bản số 1587/VPCP-TCCB ngày 26 tháng 02 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU, PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu tổng quát

Đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hướng tới Chính phủ không giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Thành viên Chính phủ; tạo sự lan tỏa quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giảm thời gian các phiên họp Chính phủ, phấn đấu đến hết năm 2019 giảm 30% thời gian họp so với trung bình các năm trước.

b) Giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong các phiên họp Chính phủ. Phấn đấu đến hết năm 2019 đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản có nội dung bí mật nhà nước).

c) Các Thành viên Chính phủ cho ý kiến và biểu quyết trên môi trường điện tử có thực hiện ký số đối với các công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, kể cả khi vắng mặt tại cơ quan hoặc vắng mặt tại phiên họp Chính phủ. Phấn đấu hết năm 2019, 100% các nội dung xin ý kiến thành viên Chính phủ được xử lý trên môi trường mạng (trừ nội dung bí mật nhà nước).

d) Quản lý đầy đủ thành phần, nội dung, chương trình, tài liệu, biên bản, Nghị quyết từng phiên họp Chính phủ, hỗ trợ cơ chế chuẩn bị, cho ý kiến trước phiên họp nhằm tiết kiệm thời gian họp và nâng cao chất lượng cuộc họp. Các Thành viên Chính phủ có thể nhận các thông tin, nhắc việc thông qua thư điện tử, tin nhắn trên điện thoại di động.

đ) Bảo đảm kết nối, liên thông Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ với các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

3. Phạm vi của Đề án

Hệ thống được triển khai phục vụ các phiên họp Chính phủ và xử lý các công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

II. YÊU CẦU ĐỐI VỚI HỆ THỐNG THÔNG TIN PHỤC VỤ HỌP VÀ XỬ LÝ CÔNG VIỆC CỦA CHÍNH PHỦ (HỆ THỐNG)

1. Hệ thống được xây dựng để đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ trong tổ chức phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ không giấy tờ, bảo đảm đơn giản, thuận tiện; giao diện trực quan, thân thiện, dễ sử dụng.

2. Được thiết kế để hướng tới có thể triển khai nhân rộng cho các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp, có thể nâng cấp mở rộng phục vụ các cuộc họp do lãnh đạo Chính phủ chủ trì với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan vào năm 2020; thuận tiện, linh hoạt khi cần cải tiến, nâng cấp để điều chỉnh, bổ sung, tích hợp các chức năng đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ; có khả năng phân cấp truy cập đến các thành viên Chính phủ, các chủ thể tham gia hệ thống, đảm bảo đúng thẩm quyền, linh hoạt, hiệu quả.

3. Bảo đảm an ninh mạng theo quy định của Luật an ninh mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và an toàn hệ thống thông tin cấp độ 5 theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Có cơ chế bảo mật nhiều lớp, xác thực truy cập đa nhân tố, sử dụng các giải pháp mật mã và chứng thư số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp.

4. Hỗ trợ ứng dụng e-Cabinet trên máy tính để bàn và các thiết bị di động cầm tay thông dụng (máy tính bảng, điện thoại thông minh...).

[...]