ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
---------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1662/QĐ-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 09 tháng 7 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT CHỌN VÀ TUYÊN DƯƠNG “HỌC SINH DANH DỰ TOÀN
TRƯỜNG” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng
ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua,
khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 91/2017/NĐ-CP
ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Thi đua, khen thưởng;
Căn cứ Thông tư số 12/TT-BNV ngày
04 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nội vụ Quy định chi tiết thi hành một số điều của
Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi
tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản có liên
quan về công tác thi đua, khen thưởng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo
dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1324/TTr-SGDĐT ngày 30 tháng 6 năm 2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xét chọn
và tuyên dương “Học sinh Danh dự toàn trường” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc
các Sở Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp
tỉnh có liên quan; Chủ tịch UBND và Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện,
thị xã, thành phố Huế; Hiệu trưởng các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh; các
tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Thi đua - Khen thưởng;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, GD.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Phan Ngọc Thọ
|
QUY CHẾ
XÉT CHỌN VÀ TUYÊN DƯƠNG HỌC SINH ĐẠT DANH HIỆU “HỌC SINH DANH DỰ TOÀN
TRƯỜNG” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Kèm theo Quyết định số: 1662/QĐ-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)
Điều 1. Đối tượng
và phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định việc xét chọn và
tuyên dương học sinh xuất sắc nhất của từng trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Đối tượng được xét chọn và tuyên
dương là học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Nguyên
tắc xét chọn
1. Việc xét chọn và tuyên dương học
sinh đạt danh hiệu “Học sinh danh dự toàn trường” đảm bảo công khai, dân chủ,
công bằng, chính xác; tạo động lực học tập và rèn luyện trong tuổi trẻ Thừa
Thiên Huế.
2. Việc tuyên dương học sinh đạt danh
hiệu “Học sinh Danh dự toàn trường” được thực hiện định kỳ hàng năm nhằm động
viên, khích lệ học sinh phấn đấu trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học
và tham gia công tác xã hội.
Điều 3. Tiêu
chuẩn xét chọn
1. Tiêu chuẩn chung
Học sinh đạt danh hiệu “Học sinh Danh
dự toàn trường” là những cá nhân ưu tú nhất được Hội đồng xét chọn của trường lựa
chọn từ các học sinh xuất sắc của tất cả các lớp trong toàn trường và được Hội
đồng xét chọn các cấp có thẩm quyền công nhận.
2. Tiêu chuẩn cụ thể
a) Đối với học sinh tiểu học
- Kết quả học tập và rèn luyện cuối
năm học được đánh giá tốt nhất về năng lực, phẩm chất.
- Có nhiều đóng góp trong công tác Đội
Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và các phong trào học sinh do cấp trường, cấp
huyện/thị xã/thành phố (gọi chung là huyện), cấp tỉnh và cấp trung ương phát động.
Ưu tiên cho những học sinh thực hiện nhiều việc làm trong phong trào “Người tốt
việc tốt”; học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc có khiếm khuyết về thể chất
nhưng biết vượt qua để học tập tốt.
- Đạt giải cao trong các cuộc giao
lưu trong học tập, về các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ do các
cấp tổ chức.
- Thực sự là tấm gương sáng về năng lực,
phẩm chất và tất cả các hoạt động để học sinh toàn trường noi theo và được Hội
đồng xét chọn của trường đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tuyên dương, khen thưởng.
b) Đối với học sinh trung học cơ sở
và trung học phổ thông
- Kết quả cuối năm học được xếp loại
Giỏi về học lực và loại Tốt về hạnh kiểm.
- Có nhiều đóng góp trong công tác Đội
Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội
Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và các phong trào học sinh do cấp trường, cấp huyện,
cấp tỉnh và cấp trung ương phát động. Ưu tiên cho những học sinh thực hiện nhiều
việc làm trong phong trào “Người tốt việc tốt”; học sinh có hoàn cảnh khó khăn
hoặc có khiếm khuyết về thể chất nhưng biết vượt qua để học tập tốt.
- Đạt giải cao trong các kỳ thi, cuộc
thi về chuyên môn, thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ cấp huyện, cấp tỉnh, cấp
quốc gia, quốc tế hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến được ứng dụng
vào thực tế mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.
- Thực sự là tấm gương sáng về năng lực,
phẩm chất và tất cả các hoạt động để học sinh toàn trường noi theo và được Hội
đồng xét chọn của trường đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh vinh danh, khen thưởng.
Điều 4. Số lượng
xét chọn
Số lượng học sinh đạt danh hiệu “Học
sinh Danh dự toàn trường” hàng năm của mỗi trường được xét chọn là 01 học sinh.
Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học thì mỗi cấp học chọn 01 học sinh.
Điều 5. Hội đồng
xét chọn
Mỗi trường phổ thông thành lập một Hội
đồng xét chọn “Học sinh Danh dự toàn trường” theo thành phần như sau:
a) Thành phần Hội đồng gồm:
- Chủ tịch Hội đồng là Hiệu trưởng, hoặc Phó Hiệu
trưởng phụ trách Trường;
- Phó Chủ tịch Hội đồng là các Phó Hiệu trưởng;
- Thành viên Hội đồng gồm: Đại diện cấp ủy, Chủ tịch
Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên hoặc Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong
Hồ Chí Minh, các tổ trưởng chuyên môn và đại diện giáo viên chủ nhiệm theo từng
khối lớp (Trường Tiểu học không quá 5 giáo viên, Trường
THCS không quá 4 giáo viên và Trường THPT không quá 3 giáo viên).
- Thư ký Hội đồng: Lựa chọn 01 người trong các
thành viên Hội đồng để làm thư ký.
b) Nhiệm vụ Hội đồng
- Xét chọn “Học sinh Danh dự toàn trường” từ danh
sách do giáo viên chủ nhiệm các lớp cung cấp, đảm bảo nguyên tắc, tiêu chuẩn,
các quy trình và thủ tục theo Quy chế này. Việc xét chọn được thực hiện bằng
hình thức thống nhất tập thể, biểu quyết bằng phiếu kín. Các thành viên dự họp
bình đẳng, độc lập trong việc thể hiện chính kiến, quan điểm và biểu quyết. Học
sinh được chọn đạt danh hiệu “Học sinh Danh dự toàn trường” là học sinh có tỷ lệ
phiếu cao nhất và đảm bảo có ít nhất 70% số phiếu của các thành viên Hội đồng dự
họp đồng ý.
- Cung cấp đầy đủ các tài liệu hồ sơ của “Học sinh
Danh dự toàn trường” theo quy định của Quy chế này và nộp về cơ quan chủ quản
(Phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo) đúng thời gian quy định.
Điều 6. Hồ sơ thủ tục
Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Học sinh Danh dự
toàn trường” của các trường bao gồm:
1. Tờ trình và biên bản họp của Hội đồng xét duyệt
của trường.
2. Sản phẩm minh chứng (kết quả học tập, rèn luyện,
các hoạt động,..).
3. 02 ảnh chân dung 4x6.
4. 02 ảnh chụp ghi lại những khoảnh khắc đẹp, đáng
nhớ của những học sinh đạt danh hiệu “Học sinh Danh dự toàn trường” liên quan đến
hoạt động học tập, rèn luyện, tham gia tình nguyện vì cộng đồng (để đăng Kỷ yếu).
Điều 7. Quy trình xét chọn
1. Hội đồng xét chọn các trường phổ thông căn cứ
vào tiêu chuẩn được nêu tại Điều 3 và số lượng nêu tại Điều 4 Quy chế này để chọn
học sinh ưu tú nhất từ các học sinh xuất sắc của tất cả các lớp trong toàn trường
và lập hồ sơ gửi cơ quan chủ quản đề nghị công nhận danh hiệu “Học sinh Danh dự
toàn trường”.
a) Đối với các trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào
tạo sau khi xét chọn, gửi hồ sơ về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp trình
UBND tỉnh theo quy định.
b) Đối với các trường trực thuộc Phòng Giáo dục và
Đào tạo cấp huyện sau khi xét chọn, gửi hồ sơ về Phòng Giáo dục và Đào tạo để tổng
hợp chung gửi Sở Giáo dục và Đào tạo để trình UBND tỉnh theo quy định.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm tra và trình
Chủ tịch UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Học sinh Danh dự toàn tỉnh”.
3. Sau khi có Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở
Giáo dục và Đào tạo thông báo danh hiệu “Học sinh Danh dự toàn tỉnh” về từng
trường; đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức vinh danh,
khen thưởng theo quy định.
Điều 8. Tuyên dương, khen thưởng
1. Tổ chức tuyên dương
a) Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị thường trực tổ
chức tuyên dương học sinh đạt danh hiệu “Học sinh Danh dự toàn tỉnh” hàng năm tại
Quốc Tử Giám Huế thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế vào dịp kết thúc năm học.
b) Việc tuyên dương phải được kết hợp với các hoạt
động giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của học sinh đạt danh hiệu “Học sinh
Danh dự toàn tỉnh” đối với cộng đồng, địa phương và đất nước.
2. Hình thức khen thưởng
a) Các học sinh đạt danh hiệu “Học sinh Danh dự
toàn tỉnh” được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng chứng nhận học sinh Danh dự và thưởng
bằng hiện vật.
b) Được ghi danh trong Sổ vàng “Học sinh Danh dự
toàn tỉnh”, Sổ vàng truyền thống được lưu giữ tại Sở Giáo dục và Đào tạo.
Điều 9. Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện tuyên dương, khen thưởng “Học
sinh Danh dự toàn tỉnh” được bố trí trong dự toán hàng năm của ngành giáo dục
và đào tạo và nguồn huy động hợp pháp khác.
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực,
phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn quy trình, thủ tục xét duyệt,
tiếp nhận, tổng hợp hồ sơ, trình UBND tỉnh cấp Bằng chứng nhận "Học sinh
Danh dự toàn tỉnh" đối với những học sinh được các trường xét chọn danh hiệu
“Học sinh Danh dự toàn trường”; xây dựng kế hoạch và tổ chức chương trình tuyên
dương tại Quốc Tử Giám.
2. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì phối
hợp với Giáo dục và Đào tạo trong việc sử dụng cơ sở Quốc Tử Giám để thực hiện
chương trình tuyên dương “Học sinh Danh dự toàn tỉnh”.
3. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh liên quan
có trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức chương
trình tuyên dương.
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức
theo dõi Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường trực thuộc tổ chức xét chọn “Học
sinh Danh dự toàn trường” của huyện, thị xã, thành phố.
Điều 11. Sửa đổi, bổ sung Quy
chế
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần sửa
đổi, bổ sung, đề nghị các đơn vị, cá nhân phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo để
tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.