Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 166/1999/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 166/1999/QĐ-TTg
Ngày ban hành 10/08/1999
Ngày có hiệu lực 25/08/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 166/1999/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 166/1999/QĐ-TTG NGÀY 10 THÁNG 8 NĂM 1999 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ HUẾ ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại công văn số 831/TT/UB-BXD ngày 10 tháng 5 năm 1999,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu:

Xác định vị trí, vai trò quan trọng của thành phố Huế trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung và trong Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị toàn quốc với ý nghĩa là một trong 5 đô thị trung tâm cấp Quốc gia; kết hợp tốt giữa xây dựng phát triển với bảo vệ và tôn tạo, nhằm xây dựng cố đô Huế trở thành một thành phố mang đặc tính dân tộc, hiện đại, đậm đà bản sắc và truyền thống; trở thành một trung tâm văn hoá - du lịch của cả nước, trung tâm giáo dục đào tạo và trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Phạm vi Quy hoạch và định hướng phát triển không gian:

Cơ cấu quy hoạch không gian bao gồm thành phố Huế và các đô thị vệ tinh thuộc các huyện Phú Vang, Hương Trà, Hương Thuỷ với bán kính ảnh hưởng từ 13 đến 15 km.

Hướng phát triển lâu dài của thành phố Huế chủ yếu về phía Bắc sông Hương (phía Bắc và phía Tây kinh thành Huế) tại khu vực Hương Sơ và An Hoà; về phía Nam sông Hương tại khu vực Vĩ Dạ - Ngự Bình, Thuỷ An, Trường An; phát triển không gian đô thị để bảo vệ, tôn tạo và khai thác tiềm năng khu vực di tích văn hoá - lịch sử thuộc các xã: Thuỷ Bằng (huyện Hương Thuỷ), Hương Hồ, Hương Vinh (huyện Hương Trà), Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu (huyện Phú Vang).

3. Tính chất thành phố Huế:

- Cố đô Huế là di sản văn hoá thế giới, là trung tâm văn hoá, du lịch của cả nước và có ý nghĩa quốc tế;

- Là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật của tỉnh Thừa Thiên Huế; là trung tâm y tế chuyên sâu, là một trong những trung tâm đào tạo đại học đa ngành và dạy nghề chất lượng cao của khu vực;

- Là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hoá trong vùng và trong trục hành lang thương mại quốc tế.

4. Quy mô dân số:

Đến năm 2020, dân số thành phố Huế và các đô thị trong phạm vi nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung khoảng 710.000 người, trong đó quy mô dân số thành phố Huế khoảng 410.000 người và quy mô dân số các đô thị vệ tinh khoảng 300.000 người.

5. Quy hoạch sử dụng đất đai và kiến trúc cảnh quan đô thị:

a) Về chỉ tiêu sử dụng đất:

Chỉ tiêu sử dụng đất đô thị bình quân đối với thành phố Huế là 144 m2/người, chỉ tiêu sử dụng đất đối với các đô thị vệ tinh là 120 m2/người vào năm 2020.

b) Về phân khu chức năng:

- Các khu dân cư bao gồm:

+ Khu vực bảo tồn có 3 khu: khu I bao gồm 4 phường trong kinh thành Huế, được quản lý cải tạo, xây dựng theo Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh và theo Công ước quốc tế về bảo vệ Di sản Văn hoá Thế giới của UNESCO; khu II là khu phố cổ Bao Vinh; khu III là khu làng nghề truyền thống Kim Long, Vĩ Dạ;

+ Khu vực hạn chế phát triển nằm trong vành đai 2 (khu phố cũ, các khu dân cư nằm dọc sông An Cựu, khu Bãi Dâu, khu Kiểm Huệ): khống chế quy mô dân số khoảng 120.000 người;

+ Khu vực phát triển mở rộng (gồm các khu Phú Thượng - huyện Phú Vang; Hương Sơ, Thuỷ An - huyện Hương Thủy): phát triển hợp lý các khu nhà ở cao tầng và các công trình có quy mô lớn của thành phố Huế trong tương lai, nối kết thành phố Huế với các đô thị vệ tinh.

- Các khu công nghiệp tập trung được bố trí tại các đô thị vệ tinh, gồm: các khu công nghiệp Phú Bài (300 ha), Tứ Hạ (100 - 150 ha), Thuận An (50 ha); các cụm công nghiệp trong thành phố Huế: phía Tây (8,5 ha), phía Đông Bắc (11,5 ha) và phía Tây Bắc (20 ha).

- Hệ thống các trung tâm công cộng, bao gồm trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh và của thành phố được xác định tại vị trí hiện nay trên bờ Nam sông Hương; các công trình công cộng phục vụ không thường xuyên (cấp tỉnh, cấp thành phố) được bố trí phân tán gắn với hệ thống trung tâm của các khu thành phố; các trung tâm phục vụ định kỳ bố trí gắn với các khu thành phố; các công trình công cộng phục vụ hàng ngày gắn với các đơn vị ở.

- Các trung tâm chuyên ngành gồm:

[...]