TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ TỈNH
AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số:1595/2004/QĐ-CTUB ngày 16 tháng 8 năm 2004
của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
Ban Hội nhập Kinh tế Quốc tế tỉnh An Giang được
thành lập theo Quyết định số 2434/2003/QĐ.UB ngày 08/12/2004 của Ủy ban nhân
dân tỉnh An Giang.
Để tăng cường hiệu quả hoạt động và chủ động hội
nhập kinh tế quốc tế nhằm mở rộng thị trường hàng hóa, thu hút vốn đầu tư, tiếp
cận khoa học công nghệ, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, thực hiện thắng
lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành
Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Hội nhập Kinh tế Quốc tế với những nội
dung cụ thể như sau:
Chương I
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA
BAN HỘI NHẬP
Điều 1. Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh An Giang (gọi tắt là Ban
Hội nhập) được tổ chức dưới hình thức là một bộ phận tư vấn, tham mưu cho UBND
tỉnh, hoạt động theo cơ chế bán chuyên trách nhằm đảm bảo việc kiểm tra, giám
sát và đôn đốc các Sở, Ban ngành, địa phương và doanh nghiệp có liên quan trong
quá trình thực hiện Chương trình hành động hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.
Điều 2. Ban Hội nhập có nhiệm vụ và quyền hạn được xác định tại
Điều 2 Quyết định số 2434/2003/QĐ-UB ngày 08/12/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh An
Giang, như sau:
2.1. Phối hợp hoạt động của các cơ quan chuyên môn
thuộc UBND tỉnh trong việc tham gia các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế.
2.2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực hội nhập kinh tế
quốc tế cho các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
2.3. Tư vấn, tham mưu và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh
về tình hình kinh tế quốc tế, khu vực và trong nước những vấn đề nảy sinh; đề
ra những giải pháp nâng cao hiệu quả của việc triển khai nhiệm vụ hội nhập kinh
tế quốc tế của tỉnh.
2.4. Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện
các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực hội nhập kinh tế
quốc tế, thực hiện các kế hoạch triển khai cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của
tỉnh.
2.5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND
tỉnh giao trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế.
Chương II
TỐ CHỨC, PHÂN CÔNG TRÁCH
NHIỆM TỪNG THÀNH VIÊN BAN HỘI NHẬP
Điều 3: Cơ cấu tổ chức của Ban Hội nhập.
3.1. Trưởng ban, Phó ban và các Ủy viên.
3.2. Cơ quan thường trực và tổ chuyên viên của Ban
hội nhập.
Điều 4: Trưởng ban - Phó Trưởng ban:
4.1. Trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Chịu
trách nhiệm chỉ đạo thực hiện và điều hành chung các hoạt động của Ban.
4.2. Phó Trưởng ban là Giám đốc Sở Thương mại &
Du lịch: chịu trách nhiệm chỉ đạo hoạt động của Ban theo sự ban phân công hoặc
ủy quyền của Trưởng ban.
Trưởng Ban, Phó Ban Hội nhập giải quyết các công
việc sau đây:
a) Điều hòa, phối hợp hoạt động của Ban; chỉ đạo
hoạt động của cơ quan thường trực Ban Hội nhập.
b) Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên của Ban
Hội nhập và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ đã giao.
c) Ban hành kế hoạch hoạt động của Ban Hội nhập
hàng năm và các kết luận khác của Ban.
d) Duyệt kế hoạch sử dụng kinh phí hàng năm ngân
sách đã cấp cho Ban Hội nhập; quyết định và phân bổ sử dụng kinh phí từ các
nguồn khác để hỗ trợ công tác phổ biến tuyên truyền các thông tin trong lĩnh
vực hội nhập.
e) Định kỳ báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện kế
hoạch hoạt động của Ban Hội nhập; quyết định khen thưởng các tập thể, cá nhân
có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực hoạt động hội nhập kinh tế theo đề nghị
của các ngành, các cấp, cơ quan thường trực có thành viên Ban Hội nhập.
f) Giải quyết các công việc khác thuộc nhiệm vụ,
quyền hạn của Ban Hội nhập.
Điều 5: Các Ủy viên.
5.1. Ủy viên thường trực: giúp việc cho Trưởng Ban,
giải quyết các công việc thường xuyên, theo dõi mọi hoạt động của các đơn vị
trong công tác hội nhập; tổng hợp báo cáo kết quả công tác hội nhập theo định
kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, và cả năm.
5.2. Các ủy viên:
a) Tham gia hoạt động của Ban Hội nhập.
b) Tham dự các phiên họp của Ban; trong trường hợp
không thể tham dự phiên họp, các thành viên của Ban Hội nhập thông báo cho bộ
phận thường trực Ban hội nhập và gửi ý kiến của mình về vấn đề được thảo luận
tại phiên họp để bộ phận thường trực tổng hợp, báo cáo.
c) Thực hiện các công việc được Trưởng Ban hoặc Phó
Ban phân công.
d) Đề xuất với Ban Hội nhập các biện pháp chủ động
hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn.
e) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo việc thực
hiện chương trình hành động hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh An Giang và thường
xuyên thông tin cho bộ phận thường trực về tình hình và kết quả thực hiện nhiệm
vụ được giao.
Điều 6: Bộ phận thường trực của Ban Hội nhập là Sở Thương mại & Du
lịch có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
6.1. Phối hợp với các cơ quan, Sở ngành chuẩn bị
các dự thảo chương trình hoạt động của Ban, dự toán kinh phí hoạt động, dự kiến
huy động kinh phí từ các nguồn khác để hỗ trợ cho hoạt động của Ban Hội nhập
6.2. Theo dõi, tổng hợp tình hình phối hợp triển
khai thực hiện kế hoạch hoạt động của Ban Hội nhập, phục vụ hội nghị thường kỳ
và báo cáo UBND tỉnh.
6.3. Chuẩn bị, tổ chức các phiên họp và các hoạt
động khác của Ban Hội nhập; theo dõi việc thực hiện các kết luận của Ban và
định kỳ báo cáo với Trưởng Ban.
6.4. Thực hiện nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất do
Trưởng Ban giao.
Điều 7: Tổ Chuyên viên của Ban Hội nhập được trưng dụng bộ phận
chuyên môn của Sở, ngành: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thương mại & Du lịch,
Công an tỉnh, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công nghiệp,
Sở Tư pháp, Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Thống kê.
7.1. Tổ chuyên viên có nhiệm vụ:
a) Tham mưu, giúp việc cho Ban Hội nhập và các cơ
quan, tổ chức hữu quan đề ra nội dung, biện pháp đẩy mạnh chương trình hoạt
động của Ban để báo cáo vào kỳ họp thường kỳ.
b) Xây dựng kế hoạch phối hợp hằng quý, hằng năm tổ
chức việc biên soạn các tài liệu phổ biến, giáo dục tuyên truyền trong lĩnh vực
hội nhập kinh tế quốc tế.
c) Đề xuất ý kiến để Ban Hội nhập xem xét, quyết
định các nội dung hoạt động của Ban đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong từng
thời kỳ.
7.2. Tổ chuyên viên chịu trách nhiệm trước Ủy viên
thường trực về việc thực hiện nhiệm vụ của Tổ. Tổ trưởng phân công các chuyên
viên trong tổ theo đặc thù công việc của từng cơ quan, từng chuyên viên được
trưng dụng.
Chương III
Điều 8: Nguyên tắc hoạt động.
8.1. Ban Hội nhập làm việc theo chế độ tập thể, quyết
định các vấn đề theo nguyên tắc đa số nhất trí.
8.2. Các thành viên của Ban Hội nhập vừa tham gia
công tác của Ban vừa là đại diện của các cơ quan đã cử mình tham gia Ban Hội
nhập, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện chủ trương, chính
sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế và
thực hiện các kế hoạch triển khai Chương trình hành động hội nhập kinh tế quốc
tế của tỉnh.
8.3. Ban Hội nhập làm việc theo nguyên tắc vừa phát
huy tính chủ động của mỗi thành viên, vừa đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ thường
xuyên giữa các thành viên trong Ban Hội nhập.
Điều 9: Phương thức hoạt động.
9.1. Ban Hội nhập hoạt động theo chương trình, kế
hoạch, đề án cụ thể do Ban thông qua.
9.2. Hoạt động của Ban Hội nhập được triển khai
theo phương thức vừa bao quát, toàn diện các hoạt động phối hợp trong lĩnh vực
hội nhập kinh tế quốc tế, vừa phân công phụ trách từng mãng công việc cho các
thành viên.
Điều 10: Kết luận của Ban Hội nhập
10.1. Các kết luận của Ban Hội nhập được thông qua
tại phiên họp của Ban.
10.2. Trong trường hợp Ban Hội nhập không họp, kết
luận của Ban có thể được Trưởng ban thông qua sau khi có ý kiến bằng văn bản
của các thành viên trong Ban Hội nhập.
10.3. Kết luận của Ban Hội nhập là căn cứ để kiểm
tra, đôn đốc thực hiện việc hội nhập kinh tế quốc tế.
Điều 11: Phiên họp toàn thể của Ban Hội nhập.
Phiên họp toàn thể của Ban hội nhập được tổ chức
theo thường kỳ hoặc đột xuất do Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng Ban triệu tập và chủ
trì để giải quyết công việc được quy định tại Điều 4 của Quy chế này.
Ban Hội nhập họp phiên toàn thể 6 tháng một lần để
giải quyết các vấn đề sau:
11.1. Đề ra kế hoạch, chương trình hoạt động hàng
năm của Ban Hội nhập; thông qua chương trình hoạt động 6 tháng, kế hoạch cả năm
của Ban.
11.2. Thông qua báo cáo tổng kết hàng năm về tình
hình triển khai chương trình hoạt động của Ban và kiến nghị với UBND tỉnh về
các biện pháp đẩy mạnh công tác hội nhập.
11.3. Quyết định những vấn đề khác theo đề nghị của
Trưởng ban, Phó Trưởng Ban hoặc các thành viên trong Ban Hội nhập.
Điều 12: Tổ chuyên viên họp quý vào ngày 20 - 25 của tháng cuối quý,
để giải quyết các công việc sau:
12.1. Dự thảo xây dựng kế hoạch hoạt động trình
Trưởng Ban.
12.2. Xem xét đề nghị của các ngành, các cấp về
việc khen thưởng, xác nhận có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực hội nhập kinh
tế quốc tế trình Trưởng Ban quyết định.
12.3. Giải quyết các công việc khác theo chỉ đạo
của Trưởng ban hoặc Phó ban và Ủy viên thường trực.
Ngoài hình thức giải quyết các công việc tại phiên
họp, tổ chuyên viên có thể thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình bằng các
phương thức khác theo quyết định của Trưởng Ban.
Điều 13: Chế độ thông tin báo cáo định kỳ và đột xuất.
13.1. Khi có chủ trương, chỉ đạo mới, bộ phận thường
trực có trách nhiệm tham mưu, đề xuất và xây dựng kế hoạch, báo cáo với Trưởng ban
để triển khai.
13.2. Tổ chuyên viên tổng hợp báo cáo định kỳ về
tình hình thực hiện kế hoạch dưới sự chỉ đạo của Ủy viên thường trực.
Điều 14: Chế độ thù lao bồi dưỡng.
Đối với Trưởng ban, Phó ban, các Ủy viên của Ban
hội nhập và Tổ chuyên được hưởng thù lao theo quyết định của UBND tỉnh.
Chương IV
Điều 15: Quan hệ với Sở, Ban, ngành và cơ quan Trung ương.
15.1. Ban hội nhập phối hợp với các Sở, Ban ngành
tỉnh trong việc thực hiện chính sách kinh tế, thương mại, phù hợp với điều kiện
thực tế trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế
mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
15.2. Thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin với
các cơ quan trung ương, các tổ chức trong và ngoài nước để giúp đỡ về mặt kỹ
thuật, đào tạo huấn luyện nghiệp vụ về xử lý thông tin.
Điều 16: Quan hệ với Văn phòng Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và
UBND tỉnh:
Là quan hệ trao đổi trong việc thống nhất ý kiến
chỉ đạo, triển khai cụ thể chương trình, kế hoạch điều hành của Ủy ban Nhân dân
tỉnh.