Quyết định 1591/QĐ-LĐTBXH năm 2009 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 1591/QĐ-LĐTBXH
Ngày ban hành 26/11/2009
Ngày có hiệu lực 26/11/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Đàm Hữu Đắc
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

Số: 1591/QĐ-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ vể quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Xét Tờ trình số 85/TTr-CĐNKTCN ngày 08/7/2009 của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ về việc đề nghị phê duyệt quy hoạch phát triển Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ (kèm theo hồ sơ có liên quan);
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính; Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ; Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 với các nội dung như sau:

1. Mục tiêu

Phát triển Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ thành trường trọng điểm ở khu vực miền Bắc, từng bước tiếp cận, hội nhập trình độ đào tạo nghề tiên tiến khu vực châu Á và thế giới; cung cấp lao động kỹ thuật có chất lượng cao góp phần đáp ứng yêu cầu cho phát triển thị trường lao động trong nước và nước ngoài.

2. Yêu cầu

- Phù hợp với định hướng phát triển dạy nghề, định hướng chung của ngành và hệ thống đào tạo nghề của Việt Nam.

- Phát triển toàn diện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ, tư vấn, chuyên gia công nghệ gắn với quá trình phát triển công nghệ và sản xuất trong nước, quốc tế.

- Chuẩn hóa chương trình, giáo trình, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, trang thiết bị theo chuẩn quốc gia, tiến tới đạt chuẩn quốc tế. Tiếp cận và ứng dụng các phương pháp, kỹ thuật công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý, giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

- Tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của Trường; đảm bảo tính khả thi, có bước đi phù hợp, đồng bộ và hiệu quả.

3. Định hướng phát triển

- Tăng quy mô đào tạo, trong đó tập trung cho đào tạo cao đẳng nghề đảm bảo cơ cấu đào tạo phù hợp với một trường cao đẳng nghề; phấn đấu đến năm 2020 quy mô có mặt thường xuyên ở các cấp trình độ đạt tối thiểu 10.000 học sinh, sinh viên/năm, chia làm ba giai đoạn như sau:

+ Giai đoạn 1 (đến năm 2010): Tối thiểu 3.500 học sinh, sinh viên/năm, trong đó hệ cao đẳng là 2.600 sinh viên/năm.

+ Giai đoạn 2 (từ năm 2011 đến năm 2015): Tối thiểu 6.000 học sinh, sinh viên/năm, trong đó hệ cao đẳng là 4.000 sinh viên/năm.

+ Giai đoạn 3 (từ năm 2016 đến hết năm 2020): Tối thiểu 10.000 học sinh, sinh viên/năm, trong đó hệ cao đẳng là 6.500 sinh viên/năm.  

- Phát triển đào tạo đa cấp trình độ, đa lĩnh vực, đa ngành nghề (bao gồm cả đào tạo lao động xuất khẩu) và tập trung phát triển một số ngành, nghề trọng điểm (Công nghệ ô tô, Cắt gọt kim loại, hàn) để đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật cao ở trong nước và quốc tế.

- Nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng theo yêu cầu của thị trường lao động.

- Phát triển nghiên cứu khoa học, tư vấn, dịch vụ nhằm tăng cường hoạt động thực tiễn cho giáo viên, học sinh, sinh viên, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, hoạt động sản xuất.

- Liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ, tư vấn với các Trường dạy nghề, trường đại học, Viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các đơn vị sản xuất kinh doanh.  

4. Nhiệm vụ và giải pháp

a. Đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học theo chuẩn hóa, hiện đại hóa:

- Quy hoạch xây dựng các cơ sở đảm bảo phân khu chức năng đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập của nhà trường (khu hiệu bộ, khu học tập, thực hành, giáo dục thể chất, ký túc xá, v.v.).

- Liên kết đào tạo tại chỗ và từng bước phát triển các cơ sở vệ tinh của Trường.

- Đổi mới phương pháp, ứng dụng tin học vào giảng dạy, học tập, quản lý và nghiên cứu khoa học; phát triển thư viện, thư viện điện tử; đầu tư trang thiết bị phục vụ thực hành, thực tập, văn hóa, thể dục thể thao.

- Phát triển các đơn vị sự nghiệp thuộc trường đáp ứng yêu cầu dạy và học của nhà trường.

[...]