Thứ 5, Ngày 31/10/2024

Quyết định 1548/1999/QĐ-TU về Quy chế đánh giá cán bộ do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành

Số hiệu 1548/1999/QĐ-TU
Ngày ban hành 10/08/1999
Ngày có hiệu lực 10/08/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Trương Quang Được
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
THÀNH ỦY ĐÀ NẴNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1548/1999/QĐ-TU

Đà Nẵng, ngày 10 tháng 08 năm 1999 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ

BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY ĐÀ NẴNG

Căn cứ Quyết định số 50-QĐ/TW ngày 03-5-1999 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế đánh giá cán bộ.
Xét đề nghị của Ban Tổ chức Thành ủy.

QUYẾT ĐỊNH:

1- Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế đánh giá cán bộ.

2- Ban Tổ chức Thành ủy có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện và theo dõi việc thực hiện Quyết định này.

Các ban của Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, quận ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, Ban Thường vụ Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện quyết định này; quy định cụ thể việc thực hiện đối với cán bộ thuộc phạm vi phụ trách.

3- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

 


Nơi nhận:

- Các quận, huyện ủy
- Các ban đảng, BCS đảng,
đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc
Thành ủy, Ban Thường vụ Thành Đoàn
- Các đ/c Thành ủy viên
- Lưu VT

TM. BAN THƯỜNG VỤ
BÍ THƯ

 


Trương Quang Được



 

 

 

 

QUY CHẾ

ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1548-QĐ/TU ngày 10/8/1999 của Ban Thường vụ Thành ủy)

Chương 1:

NHŨNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Đánh giá cán bộ để:

1- Không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực và hiệu quả công tác của cán bộ.

2- Làm căn cứ tuyển chọn, xây dựng quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Điều 2: Yêu cầu đánh giá cán bộ:

1- Phải làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực và hiệu quả công tác, chiều hướng phát triển của cán bộ.

2- Phải đảm bảo tính khách quan, toàn diện, tính lịch sử - cụ thể

3- Phải trên cơ sở thực hiện tự phê bình và phê bình; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thảo luận dân chủ, kết luận theo đa số, công khai đối với cán bộ được đánh giá.

Điều 3: Thẩm quyền, trách nhiệm đánh giá cán bộ:

1- Bản thân cán bộ tự đánh giá (bằng văn bản).

2- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ.

3- Cấp ủy, tổ chức đảng nơi cán bộ sinh hoạt, công tác.

4- Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cán bộ, cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với cán bộ.

5- Bản thân cán bộ, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo nói trên phải chịu trách nhiệm về nội dung đánh giá cán bộ của mình.

Điều 4: Thời hạn đánh giá cán bộ:

1- Đánh giá cán bộ theo định kỳ hàng năm.

2- Đánh giá cán bộ trước khi hết nhiệm kỳ

3- Đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, luân chuyển công tác, khen thưởng, kỷ luật.

Điều 5: Đối tượng áp dụng:

Quy chế đánh giá cán bộ áp dụng đối với cán bộ, công chức nói chung trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, Đoàn thể chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp; doanh nghiệp nhà nước.

 Chương 2:

CĂN CỨ, NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI CÁN BỘ THEO MỨC ĐỘ HOÀN THÀNH CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ

Điều 6: Căn cứ đánh giá:

1- Tiêu chuẩn cán bộ (tiêu chuẩn chung của cán bộ được xác định trong Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh cán bộ).

2- Nghĩa vụ của cán bộ, công chức theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức.

3- Chức trách, nhiệm vụ của cán bộ.

4- Môi trường và điều kiện cán bộ thực hiện nhiệm vụ trong thời hạn đánh giá cán bộ.

Điều 7: Nội dung đánh giá:

1- Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao: khối lượng, chất lượng, hiệu quả công việc trong từng vị trí, từng thời gian.

2- Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống:

- Nhận thức, tư tưởng chính trị; việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Tinh thần học tập nâng cao trình độ; tính trung thực, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác; tinh thần tự phê bình và phê bình.

- Việc gìn giữ đạo đức và lối sống lành mạnh; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực khác.

- Đoàn kết, quan hệ trong công tác; tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân.

3- Chiều hướng và khả năng phát triển.

Điều 8: Phân loại theo mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ:

Căn cứ vào kết quả đánh giá theo những nội dung tại điều 6 và điều 7, phân thành 3 mức như sau:

a- Hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ.

b- Hoàn thành chức trách, nhiệm vụ.

c- Chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ.

Chương 3:

QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ

Điều 9: Đánh giá cán bộ hàng năm

1- Đánh giá cán bộ hàng năm được tiến hành vào dịp cuối năm ở các đơn vị cơ sở (ở các cơ quan thành phố, quận huyện là phòng, ban…;ở các đơn vị sự nghiệp là khoa, phòng, trung tâm…;ở các doanh nghiệp là phòng, ban, phân xưởng…). Việc đánh giá cán bộ hàng năm được tiến hành như sau:

1.1- Đối với cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ:

- Cán bộ tự nhận xét, đánh giá (bằng văn bảng), theo nội dung điều 7 và điều 8 của Quy chế này.

- Tập thể cán bộ cùng làm việc trong đơn vị cơ sở tham gia ý kiến.

- Thủ trưởng trực tiếp của cán bộ nhận xét, đánh giá.

1.2- Đối với cán bộ lãnh đạo đơn vị cơ sở:

- Cán bộ tự nhận xét, đánh giá (bằng văn bản), theo nội dung điều 7 và điều 8 của Quy chế này.

-Tập thể cán bộ cùng làm việc trong đơn vị cơ sở tham gia ý kiến;

-Thủ trưởng cấp trên trực tiếp nhận xét, đánh giá.

2- Đánh giá cán bộ là thành viên lãnh đạo của cơ quan, đơn vị:

- Cán bộ tự nhận xét, đánh giá (bằng văn bản), theo nội dung điều 7 và điều 8 của Quy chế này.

- Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị tham gia ý kiến

- Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của cán bộ nhận xét, đánh giá.

Điều 10: Đánh giá cán bộ đảm nhiệm chức vụ do bầu cử trước khi hết nhiệm kỳ:

1- Cán bộ tự nhận xét, đánh giá (bằng văn bản), theo nội dung điều 7 và điều 8 của Quy chế này.

2- Các thành viên của tổ chức được bầu tham gia ý kiến.

3- Người đứng đầu tổ chức được bầu nhận xét, đánh giá, tập thể lãnh đạo (ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn…) thảo luận thông qua.

4- Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp đối với cán bộ nhận xét, đánh giá.

Điều 11: Đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử:

1- Người đứng đầu cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, cơ quan, đơn vị nhận xét, đánh giá.

2- Lấy ý kiến của đại diện cấp ủy hoặc chính quyền cơ sở nơi cán bộ cư trú về tư cách công dân của bản thân và gia đình cán bộ.

3- Tập thể cấp ủy hoặc ban thường vụ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thảo luận và thống nhất nhận xét, đánh giá.

Điều 12: Thông báo và báo cáo nội dung nhận xét, đánh giá cán bộ:

1- Đại diện cấp ủy, tổ chức đảng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị thông báo đến cán bộ ý kiến của người đứng đầu, của cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn về nhận xét, đánh giá đối với từng cán bộ.

2- Đối với cán bộ thuộc diện cấp trên trực tiếp quyết định, cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị báo cáo bằng văn bản về nội dung nhận xét, đánh giá lên cấp trên.

Điều 13:

1- Cán bộ có quyền được trình bày ý kiến, bảo lưu và báo cáo lên cấp trên những vấn đề không tán thành về nhận xét, đánh giá đối với bản thân mình, nhưng phải chấp hành ý kiến kết luận của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

2- Khi có khiếu nại về đánh giá cán bộ thì người đứng đầu cùng tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ có trách nhiệm xem xét, kết luận và thông báo (bằng văn bản) đến người khiếu nại.

Điều 14: Bản nhận xét, đánh giá cán bộ của cấp ủy, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, của người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ phải có chữ ký của người đứng đầu hoặc của một thành viên lãnh đạo và đóng dấu của cơ quan, đơn vị đó: được lưu vào hồ sơ cán bộ theo chế độ tài liệu mật.

Điều 15: Các văn bản, tài liệu về nhận xét, đánh giá cán bộ: bản tự nhận xét, đánh giá của cán bộ; đánh giá của thủ trưởng cơ quan, của cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn…, kết luận của cơ quan kiểm tra, thanh tra (nếu có) phải gửi cho cơ quan quản lý cán bộ để lưu hồ sơ theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.