Quyết định 1517/QĐ-UBND năm 2019 sửa đổi Quyết định 850/QĐ-UBND quy định về tiêu chí và cách thức thẩm định hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 1517/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/05/2019
Ngày có hiệu lực 06/05/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Nguyễn Tiến Hoàng
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1517/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 06 tháng 5 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 850/QĐ-UBND NGÀY 20/4/2015 CỦA UBND TỈNH BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ VÀ CÁCH THỨC THẨM ĐỊNH HỒ SƠ THÀNH LẬP VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Công chứng ngày 20/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;

Căn cứ Công văn số 449/BTP-BTTP ngày 12/02/2019 của Bộ Tư pháp về việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 và Luật Công chứng năm 2014;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình tại Công văn số 498/STP-BTTP ngày 18/3/2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 tại Quyết định số 850/QĐ-UBND ngày 20/4/2015 của UBND tỉnh ban hành Quy định tiêu chí và cách thức thẩm định hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình như sau:

“Điều 2. Nguyên tắc thẩm định hồ sơ

1. Việc thẩm định hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan và đúng quy định của pháp luật.

2. Việc thẩm định, cho phép thành lập các văn phòng công chứng phải xem xét tình hình phát triển các tổ chức hành nghề công chứng và việc đáp ứng nhu cầu công chứng trên địa bàn trong toàn tỉnh. Không xem xét hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng có trụ sở đặt tại xã, phường, thị trấn thuộc đơn vị hành chính cấp huyện đã có tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động.

3. Ưu tiên, khuyến khích phát triển các Văn phòng công chứng có nhiều công chứng viên thành lập; các văn phòng công chứng thành lập ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa có điều kiện phát triển kinh tế xã hội khó khăn.

4. Mỗi công chứng viên chỉ được tham gia thành lập hoặc hành nghề tại 01 Văn phòng công chứng.

5. Tổng số điểm tối đa của các tiêu chí là 100 điểm. Chỉ cho phép thành lập Văn phòng công chứng đối với những hồ sơ qua thẩm định có số điểm đạt theo thang điểm áp dụng cho các địa bàn cấp huyện như sau:

- Thành phố Đồng Hới: Đạt từ 80 điểm trở lên.

- Thị xã Ba Đồn: Đạt từ 70 điểm trở lên.

- Các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch: Đạt từ 60 điểm trở lên.

- Các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa: Đạt từ 50 điểm trở lên.

6. Trong trường hợp có nhiều hồ sơ nộp đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên cùng 01 đơn vị cấp huyện và trong cùng một đợt thẩm định hồ sơ thì hồ sơ có số điểm cao nhất được xem xét, giải quyết. Trường hợp có nhiều hồ sơ có số điểm cao nhất bằng nhau, thì hồ sơ đề nghị xét chọn sẽ theo thứ tự ưu tiên như sau:

a) Hồ sơ có điểm về số lượng và chất lượng công chứng viên cao hơn;

b) Hồ sơ có điểm về số lượng và chất lượng nhân viên pháp lý cao hơn;

c) Hồ sơ có điểm về điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cao hơn;

Mỗi hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng được tính điểm tối đa cho 04 công chứng viên và 04 nhân viên pháp lý.

7. Những trường hợp không được tính điểm

a) Công chứng viên, nhân viên pháp lý trong quá trình công tác đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính với hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên mà chưa được xóa kỷ luật, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

b) Công chứng viên trong quá trình công tác đã bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng;

[...]