Quyết định 151-HĐBT năm 1982 về việc các gia đình có thân nhân định cư ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa nhận tiền, nhận hàng do thân nhân gửi về do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 151-HĐBT
Ngày ban hành 31/08/1982
Ngày có hiệu lực 15/09/1982
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Quyền dân sự

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 151-HĐBT

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 1982

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 151-HĐBT NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 1982 VỀ VIỆC CÁC GIA ĐÌNH CÓ THÂN NHÂN ĐỊNH CƯ Ở CÁC NƯỚC NGOÀI HỆ THỐNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA NHẬN TIỀN, NHẬN HÀNG DO THÂN NHÂN CỦA HỌ GỬI VỀ

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Xét nguyện vọng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và gia đình của họ ở trong nước,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nhà nước hoan nghênh và khuyến khích những người Việt Nam định cư ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa (dưới đây gọi tắt là nước ngoài), gửi tiền về góp phần xây dựng đất nước. Các gia đình có thân nhân định cư ở nước ngoài được nhận tiền, nhận hàng do thân nhân của họ gửi về, trừ những người đang bị toà án truy tố hoặc kết án về tội phản cách mạng.

Việc nhận tiền, nhận hàng phải theo đúng các quy định của Nhà nước.

Nghiêm cấm việc sử dụng nguồn tiền nguồn hàng từ nước ngoài gửi về để làm phương tiện đầu cơ, gây rối loạn thị trường hoặc phá hoại an ninh quốc gia.

Điều 2. - Ngoại tệ gửi về qua Ngân hàng Nhà nước không bị hạn chế; được chuyển thành tiền Việt Nam theo tỷ giá hối đoái cộng với một tỷ lệ tiền thưởng thoả đáng do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Người nhận rút ra bằng tiền Việt Nam để chi dùng. Việc rút ra để góp phần xây dựng đất nước, góp vốn cùng Nhà nước kinh doanh hoặc góp vốn cùng những người khác thành lập hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp được khuyến khích, không hạn chế. Việc rút ra để chi dùng cho sinh hoạt thì có hạn mức; hạn mức này do Ngân hàng Nhà nước trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính quy định. Muốn rút quá hạn mức phải có lý do xác đáng, có sự xác nhận của chính quyền địa phương.

Người nhận ký gửi số ngoại tệ vượt hạn mức vào Ngân hàng Nhà nước dưới dạng ngoại tệ có lãi (bằng ngoại tệ) hoặc dưới dạng tiền Việt Nam có lãi (bằng tiền Việt Nam tuỳ theo ý muốn người nhận và thể thức đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 3. - Trong việc gửi, nhận hàng, Nhà nước khuyến khích việc gửi, nhận hàng tư liệu sản xuất theo yêu cầu của các ngành, địa phương ở trong nước. Số lần gửi và nhận trong năm và số lượng hàng gửi và nhận mỗi lần không hạn chế. Về hàng tiêu dùng, mối gia đình được nhận mỗi năm 3 lần; nếu danh mục mặt hàng và giá trị hàng hoá mỗi lần nằm trong phạm vi chế độ quà biếu do Bộ Ngoại thương quy định thì được miễn thuế. Đối với số hàng hoá vượt quá chế độ quà biếu thì người nhận phải chịu thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch. Hàng cấm thì bị tịch thu.

Hàng gửi về vượt quá số lần quy định, Nhà nước sẽ mua lại theo giá quy định.

Điều 4. - Người nhận tiền, nhận hàng, nếu lợi dụng nguồn tiền, nguồn hàng nhận được để làm phương tiện đầu cơ, gây rối thị trường hoặc phá hoại an ninh quốc gia, thì sẽ bị xem như không đủ tư cách để tiếp tục nhận tiền, nhận hàng nữa hoặc bị truy tố trước pháp luật tuỳ theo mức độ vi phạm pháp luật.

Điều 5. - Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại thương, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các ngành chức năng hữu quan cần ban hành sớm các quy định cụ thể về cách thức chứng nhận cho người đủ tư cách nhận tiền, nhận hàng; về tỷ giá hối đoái và tỷ lệ tiền thưởng, về hạn mức tiền Việt Nam được rút ra định kỳ để chi dùng cho sinh hoạt, về chế độ quà biếu, về biểu thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch... hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt việc gửi, nhận tiền và gửi, nhận hàng.

Điều 6. - Việc thi hành quyết định này sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể.

Điều 7. - Quyết định này chỉ áp dụng đối với các gia đình có thân nhân định cư ở nước ngoài; những người gọi là thân nhân định cư ở nước ngoài ở đây không bao gồm những người là cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước được cử đi công tác, học tập, thực tập, lao động, làm chuyên gia và lưu học sinh được Nhà nước gửi đi học ở nước ngoài. Đối với những đối tượng này sẽ có những quy định riêng.

Điều 8. - Các điều ghi trong quyết định số 32-CP ngày 31-1-1980 của Hội đồng Chính phủ trái với quyết định này đều bãi bỏ.

 

Tố Hữu

(Đã ký)