Quyết định 1506/QĐ-UBND năm 2024 về Đề án “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025”

Số hiệu 1506/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/08/2024
Ngày có hiệu lực 06/08/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Nguyễn Hồng Thanh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1506/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 06 tháng 8 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN QUAN HỆ LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2025”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 20 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Công đoàn ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Quyết định số 416/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 100/TTr-SLĐTBXH ngày 02 tháng 7 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025”.

Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo quy định hiện hành; phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh lựa chọn, hướng dẫn, hỗ trợ các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp thực hiện nội dung, nhiệm vụ, giải pháp được phân công trong Đề án; định kỳ hàng năm, trước ngày 15 tháng 11 tổng hợp kết quả triển khai, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Bộ LĐ-TB&XH;
- TT: TU, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các cơ quan: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh,
Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài PT&TH Tây Ninh, Báo Tây Ninh;
- LĐVP;
- Phòng KGVX;
- Lưu: VT, VP UBND tỉnh. Trình

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Thanh

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN QUAN HỆ LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Quyết định số 1506/QĐ-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ VÀ PHẠM VI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Ban Bí thư về sự tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới (sau đây gọi là Chỉ thị số 37-CT/TW). Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành của tỉnh đã quan tâm triển khai một số giải pháp nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định: Nhận thức của các cấp, các ngành và của người lao động, người sử dụng lao động về quan hệ lao động từng bước được nâng lên; hoạt động của tổ chức Công đoàn từng bước phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; số lượng các cuộc đình công trong thời gian gần đây đã có xu hướng giảm; quan hệ lao động tập thể duy trì được sự ổn định nhất định; đời sống vật chất và tinh thần của người lao động từng bước được cải thiện. Những kết quả này góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự xã hội và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào địa bàn tỉnh.

Song song với những kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian qua, cùng với sự tăng trưởng và phát triển nhanh của nền kinh tế xã hội, của thị trường lao động dẫn đến quá trình triển khai, thực hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, cụ thể: Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng các cơ chế, thiết chế hỗ trợ phát triển quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định; vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động của tổ chức Công đoàn cơ sở trong quan hệ lao động còn hạn chế; thực hiện quy định về đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chưa hiệu quả, chưa thực chất; thỏa ước lao động tập thể tại một số doanh nghiệp chưa thực sự là kết quả của quá trình thương lượng; lao động trong một số doanh nghiệp không ổn định; tình trạng đình công không đúng trình tự thủ tục pháp luật còn diễn ra và tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; thiết chế giải quyết tranh chấp lao động như Hội đồng Trọng tài lao động chưa thể phát huy trong thực tiễn, nhất là đối với tranh chấp lao động tập thể. Nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đòi hỏi sự cần thiết phải ban hành Đề án.

Bộ luật Lao động năm 2019 được ban hành tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và đặt ra nhiều yêu cầu mới, cao hơn về quan hệ lao động. Theo đó, một trong những nội dung mới đó là sự thành lập và hoạt động của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể xảy ra, đòi hỏi việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan, tổ chức nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý quá trình hình thành và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp luôn ổn định và đạt hiệu quả.

Do đó, tỉnh cần thiết có Đề án “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025” theo đúng tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ được xây dựng sẽ là cơ sở cho việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động. Qua đó, tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh ổn định, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới.

Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

[...]