Thứ 4, Ngày 06/11/2024

Quyết định 1490/QĐ-NHNN năm 2014 về Chiến lược giám sát hệ thống thanh toán tại Việt Nam giai đoạn 2014-2020 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 1490/QĐ-NHNN
Ngày ban hành 29/07/2014
Ngày có hiệu lực 29/07/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Nguyễn Toàn Thắng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Bộ máy hành chính

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1490/QĐ-NHNN

Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC GIÁM SÁT CÁC HỆ THỐNG THANH TOÁN TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh toán,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán tại Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- BLĐ NHNNVN;
- UBCKNN (để phối hợp);
- TT Lưu ký Chứng khoán VN (để phối hợp);
- Công ty CP Chuyển mạch Tài chính Quốc gia VN;
- Công ty CP Dịch vụ thẻ Smartlink;
- Lưu: VP, VTT.

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Nguyễn Toàn Thắng

 

CHIẾN LƯỢC

GIÁM SÁT CÁC HỆ THỐNG THANH TOÁN TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1490/QĐ-NHNN ngày 29/7/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ THỰC TRẠNG GIÁM SÁT CÁC HỆ THỐNG THANH TOÁN

I. Khái quát các hệ thống thanh toán ở Việt Nam

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong quá trình hiện đại hóa hệ thống thanh toán cũng như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực thanh toán, qua đó vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong quản lý, vận hành và giám sát hệ thống thanh toán quốc gia ngày càng được nâng cao.

Hiện nay, các hệ thống thanh toán quan trọng đang được vận hành ở Việt Nam bao gồm: (i) Hệ thống thanh toán liên ngân hàng; (ii) Hệ thống thanh toán ngoại tệ; (iii) Hệ thống thanh toán bán lẻ; (iv) Hệ thống thanh toán chứng khoán.

1. Hệ thống thanh toán liên ngân hàng

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng - IBPS là Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trực tuyến của NHNN. Năm 2002, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Hệ thống đã khai trương và đi vào hoạt động tại Trụ sở chính và Chi nhánh của NHNN tại địa bàn 5 trung tâm chính (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ). Năm 2008, NHNN đã hoàn tất giai đoạn 2 của Dự án Hiện đại hóa Ngân hàng và Hệ thống thanh toán, nâng cao khả năng xử lý và mở rộng phạm vi hoạt động của Hệ thống IBPS ra toàn quốc. Việc hoàn thành và đưa vào vận hành Hệ thống IBPS giai đoạn 2 đánh dấu bước phát triển mới của hệ thống thanh toán ngân hàng với những thay đổi cơ bản về kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiệu năng xử lý và quy trình nghiệp vụ hiện đại theo thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu thanh quyết toán tức thời và số lượng giao dịch thanh toán ngày càng cao của nền kinh tế.

Hệ thống IBPS được vận hành với 01 Trung tâm Thanh toán Quốc gia (NPSC) và 06 Trung tâm xử lý khu vực (RPC). Hệ thống IBPS bao gồm 02 tiểu hệ thống: Tiểu hệ thống thanh toán giá trị cao thực hiện quyết toán tổng tức thời (Real Time Gross Settlement - RTGS) các khoản thanh toán giá trị cao (từ 500 triệu đồng trở lên), các khoản thanh toán khẩn và Tiểu hệ thống thanh toán giá trị thấp thực hiện quyết toán ròng theo phiên (Deferred Net Settlement - DNS) để xử lý bù trừ các khoản thanh toán giá trị thấp (dưới 500 triệu đồng). Năm 2013, không tính những ngày giao dịch chuyển tiêu đầu năm của NHNN, tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống IBPS đạt gần 36 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch trên 29 triệu tỷ đồng, bình quân trên 140 nghìn giao dịch/ngày với giá trị giao dịch trên 115 nghìn tỷ đồng/ngày.

Ngoài ra, các khoản thanh toán liên ngân hàng còn thực hiện thông qua 63 Trung tâm thanh toán bù trừ do các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố quản lý, xử lý các lệnh thanh toán bằng chứng từ giấy hoặc điện tử của các ngân hàng thành viên trong phạm vi tỉnh, thành phố. Năm 2013, các chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đã thực hiện vai trò là Trung tâm thanh toán bù trừ tại 58 tỉnh, thành phố và đã xử lý 4,3 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch trên 1,2 triệu tỷ đồng. Nhìn chung, số lượng và giá trị giao dịch thông qua Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử đang có xu hướng giảm dần do có sự mở rộng của Hệ thống IBPS trên toàn quốc. Bên cạnh đó, 04 chi nhánh cấp tỉnh của NHNN tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ vẫn duy trì các hoạt động thanh toán bù trừ giấy. Năm 2013, tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống bù trừ giấy đạt 560 nghìn giao dịch với giá trị giao dịch là 485 nghìn tỷ đồng.

2. Hệ thống thanh toán ngoại tệ

Ở Việt Nam, thanh toán ngoại tệ liên ngân hàng chủ yếu được thực hiện thông qua Hệ thống VCB-Money và Hệ thống SWIFT.

Hệ thống VCB-Money do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tổ chức, vận hành là hệ thống thanh toán điện tử VND/ngoại tệ, thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử thông qua kết nối Internet. Hệ thống VCB-Money cho phép khách hàng thực hiện chuyển tiền trong nước, nước ngoài; mua bán ngoại tệ; thanh toán lương; nhờ thu tự động. Thanh toán giao dịch ngoại hối tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam được tiến hành theo phương thức “thanh toán đối thanh toán” (Payment Versus Payment - PVP). Khi việc thanh toán cả hai nhánh (chuyển giao hai đồng tiền VND và ngoại tệ) của một giao dịch ngoại hối được diễn ra thông qua các tài khoản tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, hai nhánh thanh toán cần sự đồng bộ và giao dịch sẽ không được quyết toán nếu thiếu hụt vốn tại một nhánh bất kỳ. Trường hợp ngân hàng của người mua hoặc người bán không có tài khoản tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, nhánh nội tệ của giao dịch sẽ được gửi đi thanh toán qua Hệ thống IBPS. Trong trường hợp này, việc thanh toán không diễn ra theo phương thức PVP. Năm 2013, Hệ thống VCB-Money xử lý giao dịch ngoại tệ bình quân trên 1.200 giao dịch/ngày với giá trị giao dịch quy đổi trên 22.300 tỷ đồng/ngày.

[...]