BỘ
TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1482/QĐ-BTC
|
Hà
Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
TRÁCH NHIỆM VÀ XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU, CẤP PHÓ CỦA NGƯỜI ĐỨNG
ĐẦU VÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CỦA CÁC TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ THUỘC BỘ TÀI CHÍNH
TRONG VIỆC THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG VÀ LUẬT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM,
CHỐNG LÃNG PHÍ
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Pháp lệnh về Cán bộ, công chức;
Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29/11/2005 và Luật
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính
Phủ quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi
để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách;
Căn cứ Nghị định số 84/2006/NĐ-CP ngày 18/8/2006 của Chính
phủ quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính
trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Về trách nhiệm và
xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và cán bộ,
công chức, viên chức của các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong việc thực
hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Vụ trưởng
Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị
thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ;
- VP Đảng uỷ, Công đoàn Bộ
- Lưu: VT, TCCB
|
BỘ TRƯỞNG
Vũ Văn Ninh
|
QUY ĐỊNH
VỀ TRÁCH NHIỆM VÀ XỬ LÝ
TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU, CẤP PHÓ CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU VÀ CÁN BỘ, CÔNG
CHỨC, VIÊN CHỨC CỦA CÁC TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ THUỘC BỘ TÀI CHÍNH TRONG VIỆC THỰC HIỆN
LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG VÀ LUẬT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1482/QĐ-BTC ngày 17 tháng 4 năm 2007 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính)
Chương I
NHỮNG
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Văn bản này quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng
đầu, cấp phó của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức của các tổ chức,
đơn vị (sau đây gọi chung là các đơn vị) thuộc Bộ Tài chính trong
việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ Tài chính,
gồm cả các đơn vị ngành dọc thuộc Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà
nước, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Dự trữ quốc gia, Vụ, Cục và đơn vị sự
nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ (sau đây gọi chung là người đứng đầu, cấp
phó của người đứng đầu đơn vị).
2. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo hợp đồng lao động
trong các đơn vị thuộc Bộ (trừ người lao động trong doanh nghiệp thuộc Bộ).
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. ''Cấp phó của người đứng đầu đơn vị'' quy định tại văn bản này là người
được phân công giúp người đứng đầu đơn vị quản lý, phụ trách một lĩnh vực công
tác nhất định trong đơn vị;
2. ''Trách nhiệm trực tiếp'' là trách nhiệm của người đứng đầu hoặc cấp
phó của người đứng đầu đơn vị đối với hành vi tham nhũng, lãng phí do bản thân mình
gây ra hoặc do người mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ hoặc xẩy ra trong
lĩnh vực công tác, trong đơn vị do mình trực tiếp quản lý, phụ trách;
3. ''Trách nhiệm liên đới'' là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đối
với hành vị tham nhũng, lãng phí xẩy ra trong lĩnh vực công tác, trong đơn vị
do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách; của người đứng đầu hoặc cấp phó của
người đứng đầu đơn vị liên quan có người vi phạm trong trường hợp vụ, việc tham
nhũng, lãng phí xẩy ra liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Chương II
TRÁCH
NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU, CẤP PHÓ CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU VÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN
CHỨC TRONG ĐƠN VỊ
Điều 4. Trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong
việc phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí trong lĩnh vực được giao quản lý và trong đơn vi; đồng thời, gương mẫu
phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
2. Xây dựng quy chế, quy định nội bộ để bảo đảm việc thực hiện quyền
giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng của công dân, cơ
quan tổ chức theo quy đinh của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật
Phòng, chống tham nhũng;
3. Duy trì thường xuyên công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao
tinh thần thái độ, ý thức phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực
thi công vụ, nhiệm vụ, trước hết là những người có quan hệ trực tiếp với cá
nhân, doanh nghiệp và tổ chức; chỉ đạo và tổ chức tốt việc phổ biến, nghiên cứu
tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng
phí và các văn bản có liên quan;
4. Tăng cường các biện pháp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong
đơn vị theo đúng Pháp lệnh cán bộ, công chức và các văn bản của Nhà nước về quản
lý sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện công tác kiểm tra, thanh
tra, giám sát thường xuyên các hoạt động của đơn vị, khắc phục tình trạng khép
kín, thiếu công khai minh bạch thủ tục hành chính dễ phát sinh tiêu cực trong
giải quyết các công việc cho người dân và doanh nghiệp;
5. Có biện pháp và lựa chọn hình thức công khai thích hợp việc tổ chức
thực hiện chính sách, pháp luật và mọi hoạt động của đơn vị mình, trừ nội dung
thuộc bí mật nhà nước và những nội dung khác theo quy định tại: Quyết định số
237/QĐ-TTg ngày 13/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước
độ tuyệt mật và tối mật trong ngành Tài chính, Quyết định số 940/2003/QĐ-BCA
(A11) ngày 28/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước của
ngành Tài chính, Quyết định số 196/2003/QĐ-BTC ngày 02/12/2003 của Bộ trưởng Bộ
Tài chính về việc ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của ngành Tài chính
và các quy định khác có liên quan;
6. Tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị phải đặt hòm thư góp ý. Phải
thực hiện niêm yết công khai tại các điểm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, nơi làm việc
với người dân, doanh nghiệp; công khai trên các phương tiện thông tin đại
chúng, trang thông tin điện tử, phát hành ấn phẩm về các nội dung:
a/ Toàn bộ quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết công việc của người
dân và doanh nghiệp; họ tên, chức vụ của những cán bộ, công chức, viên chức có
thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc;
b/ Quyền, nghĩa vụ của công dân, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến
nội dung thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị tổ chức đó;
7. Công bố công khai các số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư
điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức mình để tiếp nhận các ý kiến hỏi về chính
sách, chế độ, quy trình, thủ tục; tiếp nhận các thông tin của cá nhân, tổ chức
đối với những việc làm sai trái, sách nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ,
công chức, viên chức. Phân công trách nhiệm cụ thể trong việc theo dõi, ghi nhận
đầy đủ các thông tin, góp ý; xây dựng quy chế thẩm tra, xác minh xử lý kịp thời
và.công bố công khai kết quả xử lý;
8. Thường xuyên tổng hợp, thu nhận thông tin phản ảnh về tình hình, dấu
hiệu tham nhũng, lãng phí trong đơn vị. Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin
phản ánh về dấu hiệu, hành vi tham nhũng, lãng phí, thì trong thời gian 05 ngày
làm việc phải kịp thời tổ chức thẩm tra, xác minh và kết luận; xác định rõ
trách nhiệm của tập thể, các cá nhân liên quan; xử lý theo thẩm quyền hoặc báo
cáo cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, xử lý
theo quy định của pháp luật;
9. Kiên quyết xử lý nghiêm theo thẩm quyền, đúng pháp luật đối với các
hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà về thủ tục hành chính trong giải quyết
công việc của người dân và doanh nghiệp, các hành vi lãng phí, đặc biệt là các
trường hợp tái phạm, có tổ chức, có tình tiết nghiêm trọng. Đồng thời, thực hiện
công khai việc xử lý các hành vi vi phạm trong đơn vị;
10. Báo cáo tình hình phòng chống tham nhũng, lãng phí và các vụ tham
nhũng, lãng phí (nếu có) của đơn vị lên cấp trên trực tiếp theo định kỳ (báo
cáo quý vào ngày 20 của tháng cuối quý, báo 6 tháng vào ngày 20/6, báo cáo năm
vào ngày 15/9 hàng năm), trong đó ghi rõ các công việc đã thực hiện, các
công việc chưa thực hiện, mức độ công khai, nguyên nhân, các biện pháp khắc phục.
Điều 5. Trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của
người đứng đầu đơn vị trong việc để xảy ra tham nhũng, lãng phí
1. Người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới về
việc để xảy ra hành vi tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực công tác và trong
đơn vị do mình quản lý, phụ trách hoặc để xẩy ra việc cán bộ, công chức, viên
chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền
hà, tham nhũng trong việc giải quyết các công việc liên quan đến người dân và
doanh nghiệp, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục cấp các loại giấy phép,
đăng ký tài sản, đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, quản lý, cấp phát, thanh
toán vốn đầu tư, kinh phí hỗ trợ lao động dôi dư từ ngân sách nhà nước, tuyển dụng
công chức viên chức và thi tuyển sinh viên, học viên tại các sơ sở đào tạo; có
hành vi lãng phí trong thực thi công vụ;
2. Cấp phó của người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về
việc để xảy ra hành vi tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực công tác và trong
đơn vị do mình được phân công trực tiếp phụ trách;
3. Trường hợp vụ, việc tham nhũng, lãng phí liên quan đến nhiều cơ quan,
tổ chức, đơn vị thì ngoài cơ quan, tổ chức, đơn vi xẩy ra vụ, việc người đứng đứng
đầu đơn vị liên quan có người vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm liên đới theo
quy định của pháp luật;
4. Khi hành vi tham nhũng, lãng phí đã được xác định thì người đứng đầu
và cấp phó có liên quan của người đứng đầu đơn vị phải giải trình, kiểm điểm,
làm rõ trách nhiệm cá nhân.
Điều 6. Trường hợp loại trừ trách nhiệm, giảm nhẹ
hoặc tăng hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu
1. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu chỉ được loại trừ trách
nhiệm trong trường hợp có căn cứ để xác định rằng người đó không thể biết hoặc
đã làm hết trách nhiệm và áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn
chặn hành vi tham nhũng, lãng phí;
2. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đơn vị để xẩy ra tham
nhũng, lãng phí tài sản, tiền của đơn vị do mình quản lý, phụ trách được giảm
nhẹ một mức kỷ luật nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a/ Đã có đơn xin từ chức và đã được cấp có thẩm quyền chấp nhận;
b/ Đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả
của hành vi tham nhũng, lãng phí; đã xử lý nghiêm minh, báo cáo kịp thời với cấp
có thẩm quyền về hành vi lãng phí, tham nhũng.
3. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đơn vị để xẩy ra tham
nhũng trong đơn vị do mình phụ trách, nếu không thực hiện các biện pháp cần thiết
nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng, lãng phí hoặc phát hiện
hành vi tham nhũng, lãng phí mà không xử lý nghiêm minh, không báo cáo kịp thời
với cấp có thẩm quyền thì phải tăng nặng một mức kỷ luật
Điều 7. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức
trong đơn vị
1. Mọi cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh
các quy đinh tại Điều 37 về những việc cán bộ, công chức, viên chức không được
làm; Điều 38 về nghĩa vụ báo cáo dấu hiệu tham nhũng, Điều 40 về
việc tặng quà và nhận quà tặng của Luật Phòng, chống tham nhũng, các quy định
hướng dẫn của Chính phủ; thực hiện nghiêm chỉnh các quy đinh tại Điều
9 về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện
nghiêm chỉnh quy tắc, chuẩn mực ứng xử, đạo đức nghệ nghiệp của cán bộ, công chức,
viên chức ngành Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định.
2. Khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí hoặc khi nhận được
thông tin từ người khác phản ảnh về dấu hiệu tham nhũng, lãng phí trong đơn vị
nơi mình làm việc thì cán bộ, công chức, viên chức phải báo cáo ngay với người
đứng đầu đơn vị hoặc người có trách nhiệm biết để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Chương III
XỬ
LÝ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU, CẤP PHÓ CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU ĐƠN VỊ VÀ CÁN
BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
Điều 8. Nguyên tắc xem xét xử lý trách nhiệm
1. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị có hành vi vi phạm
trách nhiệm quy định tại Điều 4 của Quy định này hoặc để xẩy ra hành vi vi phạm
pháp luật về phòng, chống tham nhũng, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
trong đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, lãng phí
nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý kỷ luật; đồng thời
phải bồi thường thiệt hại gây ra (nếu có) theo quy định của pháp luật.
2. Việc xem xét xử lý trách nhiệm cần phải căn cứ vào: .
a/ Sự phân công, phân cấp quản lý để xác định mức độ chịu trách nhiệm trực
tiếp hoặc trách nhiệm liên đới;
b/ Sự phân công công tác giữa trách nhiệm quản lý của người đứng đầu, cấp
phó của người đứng đầu liên quan đến hành vi tham nhũng, lãng phí;
c/ Nhiệm vụ giao cho cán bộ, công chức, viên chức để xác định hành vi
tham nhũng, lãng phí.
Điều 9. Hình thức và áp dụng mức độ xử lý kỷ luật
1. Hình thức xử lý kỷ luật chung
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị và cán bộ, công chức
vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng
phí thì tùy theo tỉnh chất, mức độ của vụ, việc sẽ bị xử ly kỷ luật theo các
hình thức sau:
a/ Khiển trách;
b/ Cảnh cáo;
c/ Hạ bậc lương;
d/ Hạ ngạch;
đ/ Cách chức;
e/ Buộc thôi việc.
2. Áp dụng mức độ xử lý kỷ luật và bồi thường thiệt hại
Việc áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật và bồi thường thiệt hại đối với
người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức
trong việc phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực
hiện theo quy đinh tại:
a/ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị đinh số 84/2006/NĐ-CP
ngày 18/8/2006 của Chính phủ, Thông tư số 98/2006/TT-BTC ngày 20/10/2006 của Bộ
Tài chính hướng dẫn việc bồi thường thiệt hại và xử lý kỷ luật đối với cán bộ,
công chức, viên chức vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí;
b/ Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày
22/9/2006 của Chính phủ Quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan,
tổ chức, đơn vị khi để xẩy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản
lý, phụ trách;
c/ Pháp lệnh Cán bộ, công chức, Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày
17/3/2005 của Chính phủ và các văn khác có liên quan do Nhà nước, Bộ Tài chính
và đơn vị quy đinh.
3. Hình thức xử lý kỷ luật bổ sung
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức
có hành vi tham nhũng hoặc lãng phí nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm
hình sự, ngoài việc bị xử lý kỷ luật và bồi thường thiệt hại theo quy định tại
khoản 2, Điều 9 của Quy định này còn phải thực hiện các hình thức xử lý bổ sung
sau:
1. Không được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo hoặc chức vụ cao hơn
trong thời hạn ít nhất một năm, kể từ khi có quyết định kỷ luật.
2. Không được xét khen thưởng trong thời gian chấp hành quyết định kỷ luật;
không được xét tặng danh hiệu vinh dự của Nhà nước trong thời gian 2 năm đối với
hình thức kỷ luật khiển trách, 3 năm đối với hình thức kỷ luật cảnh cáo và 5
năm đối với hình thức kỷ luật hạ bậc lương, hạ ngạch kể từ ngày có quyết định kỷ
luật.
Điều 10. Khen thưởng
Thủ trưởng các đơn vị triển khai thực tốt các quy định tại Quy chế này
và các quy định khác của Nhà nước, Bộ Tài chính sẽ được khen thưởng theo chế độ
quy định hiện hành.
Chương IV
THẨM
QUYỀN, THỦ TỤC XỬ LÝ KỶ LUẬT
Điều 11. Trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật.
1. Khi phát hiện có hành vi tham nhũng, lãng phí trong đơn vị, người đứng
đầu đơn vị phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền đối với người có
hành vi tham nhũng, lãng phí, đồng thời phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp để
có biện pháp ngăn chặn và xử lý.
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có kết luận chính thức của cơ quan
có thẩm quyền về vụ, việc tham nhũng, gây lãng phí hoặc từ ngày bản án về vụ
tham nhũng, gây lãng phí có hiệu lực pháp luật, cơ quan có thẩm quyền phải xem
xét, xử lý kỷ luật hoặc báo cáo để cấp có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm
đối với người đứng đầu đơn vị, cấp phó của người đứng đầu và cán bộ, công chức,
viên chức thuộc quyền để xẩy ra tham nhũng, gây lãng phí.
Điều 12. Thẩm quyền xử lý kỷ luật
Thẩm quyền quyết định xử lý về trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp
phó của người đứng đầu đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức để xẩy ra vụ việc
tham nhũng, lãng phí thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ do Bộ trưởng Bộ Tài
chính và Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về xử lý kỷ luật
cán bộ, công chức quy định.
Điều 13. Hội đồng xử lý kỷ luật
1. Khi xem xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng
đầu đơn vị và đối với cán bộ, công chức, viên chức để xẩy ra vụ việc tham
nhũng, gây lãng phí phải thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét, xử lý.
2. Hội đồng kỷ luật, quy trình, thủ tục xem xét xử lý kỷ luật thực hiện
theo quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc
xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
Chương V
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có
trách nhiệm quán triệt và tổ thực hiện nghiêm túc Quy định này trong đơn vị.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo Bộ để điều
chỉnh cho phù hợp.
Điều 15. Giao Vụ
trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Vụ Thi đua-Khen thưởng
có trách nhiệm giúp Bộ theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện Quy định này./.