Quyết định 142-TCQĐ năm 1991 ban hành Quy tắc và biểu phí bảo hiểm hoả hoạn và các rủi ro đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 142-TCQĐ
Ngày ban hành 02/05/1991
Ngày có hiệu lực 02/05/1991
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Bảo hiểm

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 142-TCQĐ

Hà Nội , ngày 02 tháng 5 năm 1991

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TẮC VÀ BIỂU PHÍ BẢO HIỂM HOẢ HOẠN VÀ CÁC RỦI RO ĐẶC BIỆT

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Quyết định số 155-HĐBT ngày 15-10-1988 của Hội đồng Bộ trưởng về việc quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 179-CP ngày 17-12-1964 của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Công ty Bảo hiểm Việt Nam;
Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành theo Quyết định này Quy tắc và biểu phí bảo hiểm hoả hoạn và các rủi ro đặc biệt thay cho Quy tắc và biểu phí bảo hiểm hoả hoạn ban hành theo Quyết định số 06/TCQĐ ngày 17-1-1989 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và áp dụng đối với những đơn bảo hiểm (giấy chứng nhận bảo hiểm) cấp sau ngày Quyết định này có hiệu lực.

Điều 3. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam, Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, đặc khu, Chánh văn phòng Bộ Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phạm Văn Trọng

(Đã Ký)

 

QUY TẮC

BẢO HIỂM HOẢ HOẠN VÀ CÁC RỦI RO ĐẶC BIỆT
(Ban hành theo Quyết định số 142-TCQĐ ngày 2-5-1991 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Trong quy tắc này, các cụm từ và từ dưới đây được hiểu như sau:

- Cháy là phản ứng hoá học có toả nhiệt và phát ra ánh sáng.

- Hoả hoạn: Là cháy xảy ra không kiểm soát được ngoài nguồn lửa chuyên dùng và gây thiệt hại cho tài sản và người xung quanh.

- Đơn vị rủi ro: Là nhóm tài sản tách biệt khỏi nhóm tài sản khác với khoảng cách không cho phép lửa từ nhóm này lan sang nhóm khác, tuy nhiên khoảng cách gần nhất không dưới 12m.

Số tiền bảo hiểm: Là giá trị tài sản được BAOVIET chấp nhận bảo hiểm ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm. Trong mọi trường hợp, đó là giới hạn trách nhiệm tối đa của BAOVIET đối với tài sản được bảo hiểm bị thiệt hại .

- Tổn thất toàn bộ:

a. Tổn thất toàn bộ thực tế: Tài sản được bảo hiểm bị phá huỷ hoàn toàn hoặc hư hỏng nghiêm trọng đến mức không thể phục hồi lại trạng thái ban đầu.

b. Tổn thất toàn bộ ước tính: Tài sản được bảo hiểm bị phá huỷ hoặc hư hỏng đến mức nếu sửa chữa, phục hồi thì chi phí sửa chữa, phục hồi bằng hoặc lớn hơn số tiền bảo hiểm.

Chương 2:

PHẠM VI BẢO HIỂM

Điều 2. Trên cơ sở các điều kiện quy định trong Quy tắc bảo hiểm này, BAOVIET có nghĩa vụ bồi thường cho người được bảo hiểm:

- Những thiệt hại do những rủi ro được bảo hiểm gây ra cho tài sản được bảo hiểm ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm (hoặc danh mục kèm theo giấy chứng nhận bảo hiểm) nếu người được bảo hiểm đã nộp phí bảo hiểm và những thiệt hại ấy xảy ra trước lúc 4 giờ chiều ngày cuối cùng của thời hạn bảo hiểm ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm.

- Chi phí cần thiết và hợp lý nhằm hạn chế tổn thất tài sản được bảo hiểm trong và sau khi cháy.

[...]