Quyết định 1414/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020

Số hiệu 1414/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/07/2013
Ngày có hiệu lực 26/07/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Xuân Tiến
Lĩnh vực Thương mại,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1414/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 26 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CUNG ỨNG XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP, ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

Căn cứ Quyết định số 2412/QĐ-BCT ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối xăng dầu giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến 2025;

Căn cứ Quyết định số 1491/QĐ-UBND ngày 23/7/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt đề cương và kinh phí lập quy hoạch Quy hoạch phát triển hệ thống cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 156/TTr-KHĐT-TH ngày 18 tháng 7 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

- Quy hoạch phát triển hệ thống cung ứng xăng dầu phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu về xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

- Phát triển hệ thống cung ứng xăng dầu phải đảm bảo tính kế thừa, thống nhất, chú trọng phân bố hợp lý theo địa bàn và xem xét mở rộng quy mô đối với các cửa hàng hiện có.

- Hiện đại hóa các cửa hàng, kho xăng dầu; tăng cường các biện pháp an toàn về phòng cháy chữa cháy, phòng chống ô nhiễm môi trường.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu chung: thiết lập mạng lưới cung ứng xăng dầu thuận lợi, khang trang, hiện đại và an toàn nhằm đáp ứng nhu cầu về xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tiêu thụ xăng dầu tăng bình quân 12,8%/năm.

- Đầu tư và sắp xếp lại hệ thống các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, đến năm 2020 bán kính phục vụ trung bình của một cửa hàng xăng dầu giảm còn 2,9km; sản lượng tiêu thụ bình quân của mỗi cửa hàng đạt tối thiểu 4.000 - 4.500 lít/ngày, tăng gấp 1,7 - 1,8 lần so với năm 2010.

- Đến năm 2015, các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh phải đạt tiêu chuẩn về diện tích, thiết bị và an toàn xăng dầu theo quy định hiện hành đối với từng loại cửa hàng. Các cửa hàng xây dựng mới phải đầu tư trụ bơm điện tử có khả năng nối mạng, thanh toán bằng thẻ,…

3. Định hướng phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu đến năm 2020:

- Phân bố số lượng cửa hàng xăng dầu xây dựng mới hợp lý theo từng địa bàn, kết hợp mở rộng quy mô và điều chỉnh vị trí của các cửa hàng hiện có để đáp ứng quy định về an toàn xăng dầu và an toàn giao thông, thuận lợi cho người tiêu dùng. Ưu tiên phát triển cửa hàng xăng dầu trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã mới mở; tại các xã chưa có cửa hàng; hạn chế phát triển thêm các cửa hàng trong khu vực nội thị thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc; không phát triển cửa hàng mới ở những thôn, ấp, xóm đã có cửa hàng xăng dầu.

- Xây dựng và nâng cấp các cửa hàng xăng dầu đạt chuẩn về diện tích, thiết kế xây dựng, trang thiết bị và an toàn cháy nổ, bảo vệ môi trường. Đa dạng hóa phương thức phục vụ; kết hợp kinh doanh các mặt hàng xăng dầu với các dịch vụ phục vụ; đến năm 2020 các cửa hàng tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn loại 3, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 cửa hàng xăng dầu đạt chuẩn loại 2.

- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và phát triển ổn định thị trường xăng dầu.

4. Dự báo khối lượng xăng dầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng:

- Tốc độ tiêu thụ xăng dầu tăng bình quân 13,2%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 và 12,5%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2015 tổng nhu cầu xăng dầu của toàn tỉnh đạt 324.115m3, trong đó: xăng các loại 166.919m3, dầu 156.223m3, năm 2020 đạt 584.065m3, trong đó: xăng các loại 309.555m3, dầu 273.284m3.

- Cơ cấu xăng dầu tiêu thụ đến năm 2020 phân theo các địa phương như sau: thành phố Đà Lạt chiếm 15%; thành phố Bảo Lộc 17%; huyện Đức Trọng 19%; huyện Di Linh 15%; huyện Bảo Lâm 12%; huyện Đơn Dương 7%; huyện Lâm Hà 6%; các huyện khác chiếm từ 0,5 đến 3%.

[...]