Quyết định 140-HĐBT năm 1987 về triệt để tiết kiệm do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 140-HĐBT
Ngày ban hành 15/09/1987
Ngày có hiệu lực 30/09/1987
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 140-HĐBT

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 1987

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 140-HĐBT NGÀY 15-9-1987 VỀ TRIỆT ĐỂ TIẾT KIỆM

I

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dạy : "chúng ta chỉ có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống".

Đẩy mạnh sản xuất và thực hành tiết kiệm là biện pháp thiết thực nhất, tích cực nhất để tăng thêm vốn cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của mọi người.

2. Tiết kiệm là yêu cầu khách quan không thể thiếu được trong bất kỳ điều kiện nào.

Trong những năm kháng chiến gian khổ chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở đồng bào, cán bộ, đảng viên và bộ đội phải kết hợp phong trào thi đua giết giặc với phong trào tăng sản xuất và thực hành tiết kiệm.

Ngày nay, nước nhà đã được thống nhất, tự do và độc lập, cả nước đang cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đất nước ta có những thuận lợi rất cơ bản, nhưng đồng thời đứng trước nhiều khó khăn to lớn.

Từ một xã hội, mà nền kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ, chịu hậu quả của chiến tranh lâu dài, vết thương chiến tranh chưa hàn gắn xong, lại tiếp thêm sự tàn phá mới, địch hoạ, thiên tai lớn xảy ra liên tiếp; đồng thời chúng ta phải giải quyết những yêu cầu rất cơ bản và cấp bách để ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng và an ninh, làm tròn nghĩa vụ quốc tế và tích luỹ để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, bộ máy quản lý cồng kềnh, tập trung quan liêu, bao cấp, chưa chuyển sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Tệ nạn tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu trong cơ quan Nhà nước, hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển, pháp luật, kỷ cương không nghiêm.

Để giải quyết tình hình nói trên, con đường cơ bản nhất là phải nắm vững Nghị quyết Đại hội VI, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 và lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phải giải phóng sức sản xuất, không ngừng tăng năng suất lao động, đi liền với thực hành triệt để tiết kiệm.

Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm, phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. "Có nạn tham ô, lãng phí là vì bệnh quan liêu". Chính bệnh quan liêu che chở, dung túng cho nạn tham ô, lãng phí. Chúng ta cần thấy rõ tác hại to lớn của các tệ nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu và những biến tướng của nó như lừa đảo, xoay xở, chèn ép để có địa vị, có quyền, móc ngoặc với gian thương ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, vun vén cá nhân, tự tư tự lợi, ức hiếp và làm giàu trên xương máu của quần chúng, v.v... Nó chẳng những làm phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Nhà nước và nhân dân, mà còn đẩy con người vào con đường hư hỏng, phá hoại tinh thần, đạo đức của xã hội. Phải nói đó là kẻ thù của cách mạng và của nhân dân. Đó là "Kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hư hỏng công việc của ta".

Đã đến lúc chúng ta phải đồng tâm nhất trí tuyên chiến với những tệ nạn này cả về mặt chính trị, tư tưởng, cả về mặt biểu hiện trong đời sống thực tế hàng ngày. Bất cứ một sự mềm yếu nào, một sự do dự nào, một sự thương hại nào trong cuộc đấu tranh này đều là có tội với nhân dân, với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội.

3. Tiết kiệm là một quốc sách lớn của Đảng và Nhà nước và phải trở thành hành động cách mạng của toàn thể nhân dân ta.

Một mặt, Nhà nước phải ban hành những quy định thành chính sách, chế độ, biện pháp và chỉ tiêu cụ thể, tiết kiệm trong mọi lĩnh vực xây dựng kế hoạch, xây dựng cơ bản, sản xuất, đời sống, chi tiêu về quốc phòng, an ninh và chi tiêu hành chính; phải tiết kiệm về mọi mặt tiền vốn, vật tư, năng lượng, nguyên liệu, thiết bị, máy móc, hàng tiêu dùng, lao động và thời gian; phải tiết kiệm trong tiêu dùng của xã hội và tiêu dùng của cá nhân, trong chi phí của Nhà nước, của tập thể và của nhân dân. Mặt khác, quan trọng hơn, quyết định hơn là phải dựa vào sức mạnh làm chủ tập thể của nhân dân lao động, động viên nhân dân, thực hiện quyền làm chủ của mình, làm cho mọi người hiểu rõ, mọi người tham gia. Chính sách tiết kiệm phải trở thành hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên và toàn thể đồng bào; phải huy động hàng triệu, hàng triệu công nhân, nông dân và nhân dân lao động ủng hộ một cách tự nguyện, tích cực và chủ động tham gia phong trào tiết kiệm, đồng thời kiên quyết (không rụt rè, do dự), bền bỉ, đấu tranh quyết liệt với tệ nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cùng với các loại ăn bám xã hội, bọn lưu manh, bọn phá hoại.

Từ trước đến nay, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy định về chế độ tiết kiệm của công, nghiêm cấm làm ăn phi pháp, chống tham ô, lãng phí và quan liêu nhưng sự lãnh đạo chỉ đạo lại buông trôi, nên tình hình trở nên trầm trọng, cần phải sớm chấm dứt.

II

Cùng với việc thực hiện các chủ trương, biện pháp cấp bách giải quyết những vấn đề về sản xuất, phân phối lưu thông theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng Bộ trưởng quyết định những biện pháp về triệt để thực hiện tiết kiệm sau đây:

1. Tiết kiệm trong sản xuất - kinh doanh.

Thực hiện tiết kiệm từ 5% đến 10% số vật tư - kỹ thuật ngay trong quý IV năm 1987 để giảm mức cung ứng, hoặc để tăng thêm sản lượng hàng hoá, hoặc để bù vào số không cung ứng đủ. Đơn vị nào tiết kiệm được vật tư thì được thưởng theo chế độ hiện hành.

Nghiêm cấm các cơ sở sản xuất - kinh doanh chuyển vật tư, nguyên liệu chính thành thứ liệu, phế liệu để lấy chênh lệch giá tăng thu nhập bất chính cho xí nghiệp.

Các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước, các Tổng cục, các tỉnh, thành phố, đặc khu, các cơ sở sản xuất - kinh doanh tổ chức sắp xếp lại sản xuất - kinh doanh, chấn chỉnh các mặt quản lý, áp dụng tiến bộ kỹ thuật khôi phục các định mức kinh tế kỹ thuật tiên tiến đã đạt được trước đây ... để giảm hao phí vật chất.

2. Tiết kiệm trong xây dựng cơ bản.

- Nghiêm cấm các ngành, các cấp lấy chênh lệch giá, các khoản phải nộp ngân sách, vốn tín dụng ngắn hạn chuyển sang vốn tự có để đầu tư xây dựng cơ bản.

- Đình chỉ ngay việc thi công các công trình xây dựng cơ bản ngoài kế hoạch và cả những công trình trong kế hoạch nhưng xét không có hiệu quả thực sự.

- Thực hiện đúng tổng mức đầu tư xây dựng trong năm 1987 đã được Hội đồng Bộ trưởng duyệt lại; và không để dư nợ sang năm sau.

Các tỉnh, thành phố và các ngành phải tự thu xếp lại danh mục công trình, lựa chọn công trình tiếp tục thi công cho phù hợp với số vốn được cấp; kiên quyết đình chỉ thi công các công trình tuy đã được ghi trong kế hoạch nhưng nay xét không cấp bách. Ngành nào, địa phương nào làm vượt vốn ngân sách Trung ương giao năm 1987 thì không được thanh toán.

Các ngành, các địa phương không được bố trí thêm vốn đầu tư ngoài kế hoạch và vượt quá mức khống chế của Nhà nước bằng bất cứ nguồn vốn nào (kể cả kết dư ngân sách địa phương). Phải kiên quyết làm đúng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương để tích cực chống bội chi ngân sách, chống lạm phát.

- Các cơ quan tài chính và ngân hàng các cấp, các cơ quan thi công xây lắp và cung ứng vật tư, vận tải không được cấp phát vốn đầu tư, ký hợp đồng thi công xây lắp, cung ứng vật tư cho các công trình không được ghi trong kế hoạch Nhà nước.

[...]