Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 14/2019/QĐ-TTg
Ngày ban hành 13/03/2019
Ngày có hiệu lực 01/05/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2019/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 3 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, KHAI THÁC TỦ SÁCH PHÁP LUẬT

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012; Căn cứ Luật tiếp cận thông tin ngày 06 tháng 4 năm 2016;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia; Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã thuộc các huyện nghèo (sau đây gọi chung là xã đặc biệt khó khăn) và Tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Quyết định này.

3. Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Tủ sách pháp luật là nơi lưu giữ, quản lý sách, báo, tài liệu pháp luật để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu chính sách, pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp cận thông tin pháp luật, hòa giải ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia là Tủ sách pháp luật có sách, tài liệu pháp luật được lưu giữ, quản lý dưới dạng số và được khai thác thông qua truy cập máy tính, các thiết bị điện tử và mạng viễn thông để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc.

3. Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn là Tủ sách pháp luật có các bộ phận sách, tài liệu pháp luật được lưu giữ, quản lý dưới dạng giấy và các vật mang tin khác để phục vụ cán bộ, công chức xã, những người làm việc trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức tự quản tại cơ sở và Nhân dân trên địa bàn.

4. Tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân là Tủ sách pháp luật có các bộ phận sách, tài liệu pháp luật được lưu giữ, quản lý dưới dạng giấy và các vật mang tin khác để phục vụ cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người lao động trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Điều 3. Nguyên tắc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật

1. Xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật phải phù hợp với yêu cầu của từng địa bàn, cơ quan, đơn vị và nhu cầu khai thác sách, tài liệu pháp luật của người sử dụng.

2. Xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia phải gắn với mục tiêu, lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử; bảo đảm duy trì, khai thác sách, tài liệu pháp luật tập trung, liên tục, lâu dài; khai thác, sử dụng tối đa hạ tầng công nghệ thông tin hiện có; liên kết, trích xuất với các cơ sở dữ liệu về pháp luật, thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật.

3. Củng cố, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn để phục vụ rộng rãi nhu cầu tra cứu, khai thác thông tin, sách, tài liệu pháp luật tại cơ sở; thống nhất quản lý, khai thác sách, tài liệu của Tủ sách pháp luật và sách, tài liệu pháp luật của Thư viện xã, điểm Bưu điện - Văn hóa xã, Trung tâm học tập cộng đồng hiện có trên địa bàn.

4. Nhà nước ưu tiên cấp phát, trang bị sách, tài liệu pháp luật cho Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn nhằm bảo đảm thực hiện quyền của công dân trong tiếp cận thông tin pháp luật.

Điều 4. Kinh phí xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật

1. Kinh phí xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên được giao hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có). Việc lập dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Kinh phí xây dựng, vận hành Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định. Kinh phí xây dựng, vận hành Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia được lồng ghép với kinh phí duy trì hoạt động của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện có và kinh phí thực hiện các chương trình, đề án có nội dung ứng dụng công nghệ thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật. Nội dung chi, mức chi cho Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

3. Định mức kinh phí tối thiểu hằng năm cho mỗi Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn, cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân là 03 triệu đồng (ba triệu đồng) và được thực hiện như sau:

a) Kinh phí xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn do ngân sách địa phương bảo đảm; khuyến khích ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện hỗ trợ xây dựng, bổ sung sách, báo, tài liệu pháp luật cho Tủ sách pháp luật. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự cân đối được ngân sách thì sử dụng nguồn thu ngân sách của địa phương để chi xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật. Đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách thì ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí để chi xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật trong nguồn kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương;

b) Kinh phí xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân được dự toán trong ngân sách hằng năm của cơ quan, đơn vị quản lý Tủ sách pháp luật theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

[...]