ĐỀ ÁN
KIỆN TOÀN TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ
CƠ QUAN TƯ PHÁP CẤP HUYỆN VÀ CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND ngày 03 tháng 3 năm 2011 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Phần I
SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN
Ngày 28 tháng 4 năm 2009, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ ban hành
Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư
pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân
cấp xã. Thông tư liên tịch này thay thế Thông tư liên tịch số
04/2005/TTLT-TP-NV ngày 05 tháng 5 năm 2005 của liên Bộ Tư pháp và Nội vụ hướng
dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn giúp
Ủy ban nhân dân quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương.
So với Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-TP-NV, chức năng
nhiệm vụ của Phòng Tư pháp quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV
được mở rộng, tăng thêm, trong đó có một số nhiệm vụ mới và phức tạp, do đó đòi
hỏi phải có một đội ngũ cán bộ chuyên sâu để thực hiện.
Ngoài một số nhiệm vụ mới như trên, ở một số lĩnh vực khác
cũng đã mở rộng thêm thẩm quyền cho Phòng Tư pháp cấp huyện và tư pháp cấp xã
một số lượng đáng kể công việc về chứng thực, đăng ký và quản lý hộ tịch.
Hơn nữa, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội của
đất nước, mật độ dân số và tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng
nhanh, điều này dẫn đến nhu cầu giải quyết các công việc liên quan đến lĩnh vực
tư pháp ngày càng nhiều. Ngoài ra, trong đời sống xã hội còn nảy sinh thêm rất
nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh bằng các văn bản pháp luật, do vậy số lượng
công việc của các cơ quan tư pháp cấp huyện, cấp xã tăng lên rất nhiều so với
trước đây.
Trên thực tế, bộ máy cán bộ công chức của các cơ quan tư
pháp cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh chưa ngang tầng với yêu cầu, nhiệm
vụ đặt ra.
Tại Công văn số 60-CV/BCS ngày 10 tháng 6 năm 2009 và Công
văn số 74-CV/BCSĐ ngày 19 tháng 7 năm 2010 của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp gửi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về
việc đề nghị quan tâm kiện toàn củng cố cơ quan tư pháp địa phương cũng có nêu
rõ nội dung phải xây dựng và chỉ đạo việc tổ chức thực hiện đề án kiện toàn chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, biên chế của Sở Tư pháp, tổ chức
pháp chế, Phòng Tư pháp và tư pháp cấp xã. Cụ thể là phải sắp xếp bổ sung đội
ngũ cán bộ tư pháp địa phương từ tỉnh đến cơ sở, nhất là cán bộ tư pháp - hộ
tịch cấp xã, kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế cho Phòng Tư pháp thực
hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong các lĩnh vực xây dựng, thi
hành và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ
giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; tạo điều kiện để ổn định, chuyên nghiệp hóa đội
ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã. . .
Do vậy, việc xây dựng đề án kiện toàn tổ chức, biên chế
của cơ quan tư pháp cấp huyện và cấp xã nhằm hoàn thiện hơn về tổ chức, bộ máy
cơ quan tư pháp cấp huyện và cấp xã, để các cơ quan này thực hiện được đầy đủ
các chức năng, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới là cần thiết.
PHẦN II
MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Xây dựng hoàn thiện thể chế và các điều kiện cần thiết
để kiện toàn về tổ chức, biên chế cơ quan tư pháp cấp huyện và tư pháp cấp xã của
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
2. Xác định rõ chức năng nhiệm vụ của Phòng Tư pháp cấp
huyện và tư pháp cấp xã.
3. Hoàn thiện về tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp cấp
huyện và cấp xã để các cơ quan này thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
PHẦN III
CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
ngày 26 tháng 11 năm 2003.
- Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008
của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện,
quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
- Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009
của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ,
công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp
xã.
- Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28 tháng
4 năm 2009 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp
thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-TP-NV.
- Thông tư Liên tịch số 03/2010/TT-BNV-BTC-BLĐTB&XH
ngày 27 tháng 5 năm 200 của liên Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm
2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với
cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên
trách ở cấp xã.
- Quyết định số 19/2008/QĐ-UBND ngày 11 tháng 4 năm 2008
của Ủy ban nhân dân tinh Bà Rịa - Vũng Tàu quy định về tổ chức các cơ quan chuyên
môn của Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 08 tháng 3 năm 2010
của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc giao số lượng cán bộ, công
chức ở xã, phường, thị trấn.
PHẦN IV
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA PHÒNG TƯ PHÁP
I. Vị trí, chức năng
1. Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân
dân cấp huyện; tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng
quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật;
kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi
hành án dân sự; chứng thực; hộ tịch; trợ giúp pháp lý; hoà giải ở cơ sở và công
tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Phòng Tư pháp có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản
riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban
nhân dân cấp huyện; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên
môn nghiệp vụ của Sở Tư pháp.
II. Nhiệm vụ và quyền hạn.
1. Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện các văn bản hướng dẫn
về công tác tư pháp và tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn theo quy định.
2. Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định,
chỉ thị, kế hoạch 5 năm, hàng năm về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Phòng;
chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải
cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về các lĩnh vực thuộc
phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước được giao.
3. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện dự thảo các
văn bản về lĩnh vực tư pháp thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp huyện.
4. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy
hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc phạm vi quản lý của
phòng.
5. Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật:
a) Phối hợp xây dựng quyết định, chỉ thị thuộc thẩm quyền
ban hành của Ủy ban nhân dân cấp huyện do các cơ quan chuyên môn khác thuộc Ủy
ban nhân dân cấp huyện chủ trì xây dựng.
b) Thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do
Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành theo quy định của pháp luật; góp ý dự thảo văn
bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp huyện (đối với những địa phương
có tổ chức Hội đồng nhân dân) theo quy định của pháp luật.
c) Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật, pháp
lệnh theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện và hướng dẫn của Sở Tư pháp.
6. Về thi hành văn bản quy phạm pháp luật:
a) Theo dõi chung tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp
luật trên địa bàn;
b) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về theo dõi thi hành
pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý đối với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân
dân cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã;
c) Tổng hợp, báo cáo tình hình thi hành văn bản quy phạm
pháp luật và kiến nghị các biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong
thi hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn với Ủy ban nhân dân cấp huyện
và Sở Tư pháp.
7. Về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật:
a) Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện tự kiểm tra văn bản do
Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành; hướng dẫn công chức chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân cấp xã thực hiện tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân
dân cấp xã ban hành;
b) Thực hiện kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội
đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật; trình Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định các biện pháp xử lý văn bản trái pháp
luật theo quy định của pháp luật.
8. Rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật do
Hội đồng nhân dân (đối với những địa phương có tổ chức Hội đồng nhân dân) và Ủy
ban nhân dân cấp huyện ban hành; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác rà
soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đối với Ủy ban nhân dân cấp xã, các
cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
9. Về phổ biến, giáo dục pháp luật:
a) Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phổ biến giáo
dục pháp luật sau khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt;
b) Làm Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật ở cấp huyện;
c) Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, quản lý và khai thác
tủ sách pháp luật ở cấp xã và ở các cơ quan, đơn vị khác theo quy định của pháp
luật.
10. Thẩm định dự thảo hương ước, quy ước của thôn, tổ dân
phố trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
11. Về chứng thực:
a) Hướng dẫn, kiểm tra, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức
chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng
thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký;
b) Thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ,
văn bản bằng tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy
tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng
nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài;
c) Thực hiện chứng thực một số việc khác theo quy định
của pháp luật.
12. Về quản lý và đăng ký hộ tịch:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức, thực hiện
công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ
quản lý và đăng ký hộ tịch cho cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã;
b) Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết việc thay
đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc,
xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch cho mọi trường hợp,
không phân biệt độ tuổi, cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch theo quy định
của pháp luật;
c) Quản lý các sổ sách, biểu mẫu về hộ tịch; lưu trữ sổ
hộ tịch, giấy tờ hộ tịch theo quy định pháp luật;
d) Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc thu
hồi, hủy bỏ những giấy tờ hộ tịch do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trái với quy
định của pháp luật (trừ việc đăng ký kết hôn vi phạm về điều kiện đăng ký kết
hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình).
13. Hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý:
- Tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật
về hoà giải ở cơ sở; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo sự chỉ
đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện và hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên;
- Thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của
pháp luật.
14. Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong công tác thi hành án dân sự trên địa
bàn theo quy định của pháp luật.
15. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ về
công tác tư pháp cấp xã.
16. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra,
thanh tra việc thi hành pháp luật về hoạt động tư pháp trên địa bàn; giải quyết
khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí
trong hoạt động tư pháp trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp
của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
17. Quản lý biên chế, thực hiện chế độ, chính sách, chế
độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ
đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc Phòng theo quy định của pháp
luật và theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
18. Quản lý tài chính, tài sản của Phòng theo quy định
của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
19. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ và đột
xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của Ủy ban nhân
dân cấp huyện và Sở Tư pháp.
20. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.
III. Cơ cấu tổ chức và biên chế:
1. Cơ cấu tổ chức:
- Phòng Tư pháp có Trưởng phòng; không quá 02 Phó Trưởng
phòng và các công chức khác.
- Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và trước pháp luật về việc thực hiện chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn được giao và toàn bộ hoạt động của Phòng.
- Các Phó Trưởng phòng là người giúp Trưởng phòng; chịu
trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
Khi Trưởng phòng vắng mặt, một Phó Trưởng phòng được Trưởng phòng ủy nhiệm điều
hành các hoạt động của Phòng.
- Việc bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng do Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và theo quy định của pháp luật.
- Việc điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, miễn
nhiệm, từ chức, thực hiện chế độ, chính sách đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng
phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định theo quy định của pháp
luật.
2. Biên chế, nhân sự:
Biên chế của Phòng Tư pháp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp huyện quyết định trong tổng biên chế hành chính của huyện được Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh giao hàng năm. Cơ cấu công chức gồm Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng
và một số cán bộ nghiệp vụ, có trình độ cử nhân luật. Căn cứ khối lượng, tính
chất và nhu cầu công việc thực tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết
định số lượng biên chế của Phòng Tư pháp đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được
giao.
- Việc tuyển dụng công chức phải đảm bảo tiêu chuẩn chung
của ngạch công chức hành chính ngạch chuyên viên, có trình độ cử nhân luật.
- Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ở các Phòng Tư pháp phải
đảm bảo trình độ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo phẩm chất đạo đức và
tâm huyết với nghề, khi thực hiện bổ nhiệm đảm bảo đúng thủ tục quy trình,
tránh việc tuyển dụng, bổ nhiệm người không có chuyên môn nghiệp vụ hoặc kỷ
luật từ cơ quan khác chuyển đến.
PHẦN V
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC NHÂN SỰ CỦA TƯ PHÁP
CẤP XÃ
I. Nhiệm vụ, quyền hạn:
Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà
nước về công tác tư pháp trên địa bàn, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Ban hành và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch,
quyết định, chỉ thị về công tác tư pháp ở cấp xã; theo dõi, kiểm tra tình hình
thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.
2. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật, pháp
lệnh theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan tư pháp cấp trên.
3. Tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra các quyết định, chỉ
thị do Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành; rà soát văn bản quy phạm pháp luật do
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành; chỉ đạo, hướng dẫn việc xây
dựng quy ước, hương ước, thôn, tổ dân phố phù hợp với quy định pháp luật hiện
hành.
4. Theo dõi, báo cáo tình hình thi hành văn bản quy phạm
pháp luật, phát hiện, đề xuất biện pháp giải quyết những khó khăn vướng mắc
trong thi hành văn bản quy phạm pháp luật ở cấp xã với Phòng Tư pháp cấp huyện.
5. Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo
dục pháp luật; quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật ở cấp xã.
6. Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức
và hoạt động hòa giải ở cơ sở, bỗi dưỡng, cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho tổ
viên tổ hoà giải trên địa bàn theo sự hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên.
7. Thực hiện việc đăng ký, đăng ký lại việc sinh, tử, kết
hôn, nhận nuôi con nuôi; thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi và
bổ sung hộ tịch cho mọi trường hợp không phân biệt độ tuổi; đăng ký khai sinh,
khai tử quá hạn theo quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng các loại sổ hộ
tịch, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ Tư pháp; lưu trữ sổ hộ tịch, giấy
tờ hộ tịch; cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch.
8. Thực hiện một số việc về quốc tịch thuộc thẩm quyền
theo quy định của pháp luật.
9. Thực hiện cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao
từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực chữ ký trong các giấy
tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực các việc khác theo quy định của pháp
luật.
10. Phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong thi hành
án dân sự trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
11. Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện
nhiệm vụ quản lý công tác tư pháp được giao với Ủy ban nhân dân cấp huyện và
Phòng Tư pháp.
12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân cấp
huyện giao.
II. Về biên chế:
1. Ở cấp xã có công chức tư pháp – hộ tịch tham mưu giúp
Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tại mục I. Căn
cứ vào số lượng công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch cấp xã được Ủy ban
nhân dân tỉnh giao tại Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 08 tháng 3 năm 2010
của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc giao số lượng cán bộ, công
chức ở xã, phường, thị trấn và quyết định của Sở Nội vụ về việc quy định chức
vụ, chức danh và số lượng cán bộ, công chức xã, phường thuộc Ủy ban nhân dân
cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm bố trí công chức làm
công tác tư pháp - hộ tịch đúng số lượng bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được
giao.
2. Về trình độ chuyên môn: công chức tư pháp – hộ tịch
phải có trình độ trung cấp luật hoặc cử nhân luật (ưu tiên bố trí những người có
trình độ cử nhân luật).
PHẦN VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp có trách nhiệm:
- Phối hợp với Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp huyện rà
soát, thống kê về tổ chức của cán bộ tư pháp cấp huyện và cấp xã để có kế hoạch
đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao năng lực
của đội ngũ cán bộ tư pháp địa phương.
- Thường xuyên mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ công tác
tư pháp cho tư pháp cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Nội vụ có trách nhiệm:
Phối hợp với Sở Tư pháp mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng
cao về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ
cán bộ tư pháp cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:
- Chỉ đạo Phòng Tư pháp, Phòng Nội vụ, Ủy ban nhân dân
cấp xã rà soát, đánh giá trình độ đội ngũ cán bộ tư pháp cấp huyện và cấp xã để
từng bước chuẩn hóa, hoàn thiện về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận
chính trị cho đội ngũ cán bộ tư pháp cấp huyện và cấp xã trên địa bàn.
- Phân bổ biên chế cho Phòng Tư pháp cấp huyện đủ sức hoàn
thành nhiệm vụ được giao. Từng bước bố trí, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công
chức của Phòng Tư pháp theo đề án.
- Tạo điều kiện để công chức tư pháp công tác ổn định lâu
dài, chuyên sâu về nghiệp vụ, có quy hoạch phát triển để tạo nguồn.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
- Sắp xếp, bổ sung công chức tư pháp - hộ tịch có đủ trình
độ chuyên môn đảm bảo thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao.
- Tạo điều kiện cho công chức tư pháp – hộ tịch tham dự
các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ./.