Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 14/2010/QĐ-UBND ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 14/2010/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/04/2010
Ngày có hiệu lực 26/04/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Đào Văn Bình
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: 14/2010/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGHĨA TRANG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang;
Căn cứ Nghị định số 16/2007/NĐ-CP ngày 26/01/2007 của Chính phủ quy định về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, quản lý mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ;
Căn cứ Nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12/9/2001 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần;
Căn cứ Thông tư số 02/2009/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 26/5/2009 hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng;
Căn cứ Quyết định số 51/2008/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 16/12/2008 về việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2010;
Xét đề nghị của Sở Lao động thương binh và xã hội tại Tờ trình số 91/TTr-LĐTBXH ngày 20/01/2010,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố; Giám đốc các Sở, Ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Các Bộ: XD, LĐTBXH, YT (để b/c);
- Cục KTVB QPPL - Bộ TP (để b/c);
- Cổng TTĐT Chính phủ (để b/c);
- Thường trực Thành ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND TP (để b/c);
- Đoàn đại biểu QH TPHN (để b/c);
- Đ/c Chủ tịch UBND TP (để b/c);
- Các Đ/c PCT HĐNDTP;
- Ban VHXH HĐNDTP;
- Công báo HN; Các báo HNM, KTĐT CN TTXVN HN; Đài PTTH HN;
- Các đ/c PVP;
- LĐCSXH, KT, XD, TH;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Văn Bình

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGHĨA TRANG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2010/QĐ-UBND ngày 16 tháng 04 năm 2010 của UBND thành phố Hà Nội)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định về việc quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các loại nghĩa trang trên địa bàn thành phố bao gồm: nghĩa trang nhân dân, nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang quốc gia và nghĩa trang người nước ngoài.

2. Đối tượng áp dụng: Quy chế này được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến việc quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn thành phố.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nghĩa trang là nơi táng người chết tập trung theo các hình thức táng khác nhau, thuộc các đối tượng khác nhau và được UBND các cấp xác định vị trí, ranh giới.

2. Nghĩa trang nhân dân các cấp là nơi táng người dân thuộc ranh giới hành chính các cấp, được phân thành các loại: nghĩa trang cấp thành phố; nghĩa trang cấp quận, huyện, thị xã (gọi chung là cấp huyện); nghĩa trang cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã); nghĩa trang thôn, làng, dòng họ, gia đình và nghĩa trang do tổ chức, cá nhân quản lý.

3. Nghĩa trang liệt sĩ là nơi chôn cất phần mộ đồng thời là nơi tưởng niệm, ghi công các liệt sĩ đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Theo cấp quản lý, nghĩa trang liệt sĩ được phân thành các loại: nghĩa trang liệt sĩ cấp thành phố, nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, nghĩa trang liệt sĩ cấp xã.

4. Nghĩa trang quốc gia là nơi chôn cất phần mộ đồng thời là nơi tưởng niệm, ghi công các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các danh nhân văn hóa, các nhà khoa học … có công với đất nước.

5. Nghĩa trang người nước ngoài là nơi dành riêng cho chôn cất các phần mộ người nước ngoài. Theo cấp quản lý, nghĩa trang người nước ngoài được phân thành các loại: nghĩa trang người nước ngoài cấp thành phố và nghĩa trang người nước ngoài cấp huyện.

6. Nghĩa trang đã đóng cửa là nghĩa trang không cho phép tiếp tục thực hiện các hoạt động táng trong nghĩa trang.

7. Phần mộ cá nhân là nơi táng thi hài, hài cốt của một người.

[...]