Quyết định 1358/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án khung nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, giai đoạn 2014 - 2020 do tỉnh Vĩnh Long ban hành

Số hiệu 1358/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/08/2013
Ngày có hiệu lực 13/08/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Nguyễn Văn Thanh
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1358/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 13 tháng 8 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHUNG CÁC NHIỆM VỤ BẢO TỒN NGUỒN GEN CẤP TỈNH, GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Thông tư số 18/2010/TT-BKHCN ngày 24/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen;

Xét đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 456/TTr-SKHCN, ngày 01/8/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, giai đoạn 2014 - 2020 (kèm theo đề án).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thanh

 

ĐỀ ÁN KHUNG

CÁC NHIỆM VỤ BẢO TỒN NGUỒN GEN CẤP TỈNH THỰC HIỆN TRONG GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1358/QĐ-UBND, ngày 13/8/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)

Tên Đề án: Bảo tồn nguồn gen (cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật,…) tại tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2014 - 2020.

I. NHU CẦU BẢO TỒN NGUỒN GEN VÀ TÍNH CẤP THIẾT:

Đa dạng sinh học là sự phong phú của các sinh vật và các phức hợp sinh thái mà sinh vật đó là một thành phần, bao gồm sự đa dạng trong nội bộ loài (đa dạng gen), đa dạng giữa các loài và các hệ sinh thái. Đa dạng sinh học có vai trò rất quan trọng để duy trì các chu trình tự nhiên và cân bằng sinh thái. Đó là cơ sở của sự sống còn, sự thịnh vượng của loài người và sự bền vững của thiên nhiên trên trái đất. Theo ước tính, giá trị của tài nguyên đa dạng sinh học toàn cầu cung cấp cho con người khoảng 33 ngàn tỷ đôla mỗi năm, đối với Việt Nam, nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản hàng năm cung cấp cho đất nước khoảng 2 tỷ đôla.

Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có điều kiện địa lý, địa hình đặc biệt tạo nên hệ động thực vật, vi sinh vật rất phong phú và đa dạng, là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học phong phú nhất trên thế giới. Sự đa đạng, phong phú được thể hiện không chỉ ở sự có mặt của những loài động vật, thực vật hoang dã quý hiếm với nguồn gen đặc hữu, cá biệt chỉ có thể tồn tại ở một hoặc một số khu vực địa lý xác định ở nước ta, mà còn ở nguồn gen vật nuôi, cây trồng quý hiếm có giá trị kinh tế cao, có tính dược liệu vô cùng quý, ngày càng được phổ biến và sử dụng rộng rãi. Khu vực nông nghiệp ở Việt Nam (trong đó có đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Vĩnh Long) được hình thành từ nhiều hệ sinh thái đa dạng khác nhau, góp phần hình thành nên nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của đất nước và của các địa phương. Đa dạng sinh học với những nguồn gen quý không những cung cấp cho con người lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh,…mà còn có giá trị đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trong sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, công nghệ thực phẩm, y tế, du lịch và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên,…

Theo kết quả nghiên cứu cho thấy: Tài nguyên sinh vật của tỉnh Vĩnh Long gồm 218 loài thực vật bậc cao; có 103 loài động vật có xương sống trên cạn; 163 loài thực vật phiêu sinh; 59 loài động vật phiêu sinh; 35 loài động vật đáy; một số loài thuỷ sản như tôm càng xanh, cá tra, bông lau, tai tượng, trê, lóc, cá cóc, rô đồng, ngát,...). (Đề tài điều tra cơ bản, đánh giá tổng hợp tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Long. Lê Trình, 2002).

Ngày nay, khi hệ sinh thái đang bị khai thác quá mức để cung cấp lương thực, thực phẩm và các sản phẩm dịch vụ khác cho con người do sự gia tăng dân số, phát triển đô thị và công nghiệp. Sự suy giảm về đa dạng sinh học sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh thái, mất dần các nguồn gen quý, hiếm của động thực vật, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người và sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã và đang có những ảnh hưởng lớn tới tự nhiên, xã hội và những tác động trực tiếp tới cuộc sống của con người. Biến đổi khí hậu cũng sẽ ảnh hưởng tới việc bảo tồn đa dạng sinh học, cụ thể là: Một số loài sẽ bị biến mất, một số loài chỉ còn sống sót ở một vài địa điểm nhất định; các hệ sinh thái, các sinh cảnh cần thiết cho các loài di cư hoặc các loài nguy cấp có phân bố hẹp, các loài đặc hữu sẽ bị biến mất hoặc thu hẹp; các hệ sinh thái bị biến đổi do mực nước biển dâng cao; một số khu bảo tồn cảnh quan có tầm quan trọng về kinh tế-xã hội, văn hoá và khoa học sẽ bị mất hoặc bị thu hẹp; các loài động, thực vật ngoại lai sẽ xâm nhập và phát triển do môi trường sống thay đổi,…

Hiện nay, các quy định pháp luật hiện hành của nước ta về bảo tồn nguồn gen còn khá mới và việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cụ thể trong thực tiễn còn nhiều bất cập.

Từ những lý do trên, đồng thời thực hiện Thông tư số 18/2010/TT-BKHCN ngày 24/12/2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen thì việc xây dựng Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, nhất là bảo tồn, lưu giữ nguồn gen cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật,…để khai thác, phát triển nguồn gen phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, y tế và bảo vệ môi trường đã trở nên quan trọng và cấp thiết.

II. MỤC TIÊU ĐỀ ÁN:

1. Mục tiêu tổng quát:

Nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen (cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật,…) tại tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2014 - 2020.

2. Mục tiêu cụ thể:

[...]