ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1354/QĐ-UBND
|
Sơn La, ngày 26
tháng 07 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH SƠN LA
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày
20 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số
145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 152/TTr- SLĐTBXH ngày 17 tháng
7 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý hòa giải viên lao động trên địa
bàn tỉnh Sơn La.
Điều 2.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các hòa giải viên lao động
tỉnh Sơn La; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như Điều 2;
- Liên đoàn Lao động tỉnh;
- Liên minh Hợp tác xã tỉnh;
- Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX, Đại.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Tráng Thị Xuân
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
(Kèm theo Quyết định số: 1354/QĐ-UBND ngày 26/7/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về tiêu
chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm hòa giải viên lao động; nhiệm vụ, quyền
hạn và trách nhiệm của hòa giải viên lao động; việc cử hòa giải viên lao động
giải quyết các vụ tranh chấp lao động; phân cấp quản lý hòa giải viên lao động;
đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động.
2. Hòa giải viên lao động trên
địa bàn tỉnh; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh
và Xã hội các huyện, thành phố (gọi tắt là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
cấp huyện); các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan.
Điều 2.
Phạm vi hoạt động của hòa giải viên lao động
1. Hòa giải viên lao động do
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thành phố nào quản lý thì hoạt động
trên địa bàn đó.
2. Trường hợp cần thiết, Phòng
Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để
giới thiệu cử hòa giải viên lao động của địa phương khác hỗ trợ giải quyết
tranh chấp lao động.
Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN,
NGHĨA VỤ, CHẾ ĐỘ, ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG CỦA HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG
Điều 3. Nhiệm
vụ của hòa giải viên lao động
1. Hòa giải viên lao động thực
hiện nhiệm vụ theo quy định, bao gồm:
a) Hòa giải tranh chấp lao động,
tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề;
b) Hỗ trợ phát triển quan hệ
lao động.
2. Nhiệm vụ hỗ trợ phát triển
quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh bao gồm một số hoạt động như sau:
a) Hỗ trợ người lao động, tổ chức
đại diện người lao động, người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng tập thể;
b) Hỗ trợ tư vấn pháp luật cho
tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở;
c) Tham gia xử lý các vụ đình
công không đúng trình tự pháp luật theo phân công;
d) Tham gia thu thập thông tin
về quan hệ lao động, phối hợp xây dựng hệ thống quản lý vụ việc hòa giải tranh
chấp lao động.
e) Theo dõi, đôn đốc việc thực
hiện thỏa thuận hòa giải thành do hòa giải viên lao động trực tiếp giải quyết;
kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý hòa giải viên những vấn đề phát sinh;
g) Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc
xây dựng và hoàn thiện các công cụ quản trị theo quy định của pháp luật lao động;
h) Theo dõi, hỗ trợ phát triển
tình hình quan hệ lao động trên địa bàn, khu công nghiệp hoặc một số doanh nghiệp
có đông lao động hoặc có quan hệ lao động phức tạp theo phân công.
Điều 4. Quyền
của hòa giải viên lao động
1. Quyền yêu cầu các bên tranh
chấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ, trưng
cầu giám định, mời người làm chứng và người có liên quan.
2. Quyền hỗ trợ các bên thương
lượng, thỏa thuận và đề xuất phương án giải quyết tranh chấp lao động để các
bên thương lượng, thỏa thuận.
3. Quyền tham khảo ý kiến của
cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về lĩnh vực tranh chấp.
4. Được hưởng các chế độ, điều
kiện làm việc theo quy định.
Điều 5.
Nghĩa vụ của hòa giải viên lao động
1. Thực hiện nhiệm vụ hòa giải
tranh chấp lao động và tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển
quan hệ lao động theo quy định của pháp luật và theo sự phân công của cơ quan
quản lý hòa giải viên lao động.
2. Tuân thủ quy trình, thủ tục
bổ nhiệm, miễn nhiệm hòa giải viên lao động theo quy định của pháp luật và Quy
chế này.
3. Tuân thủ quy trình, thủ tục
giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật, Quy chế này và quy
trình tiếp nhận, yêu cầu xử lý giải quyết tranh chấp lao động của Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội.
4. Không được từ chối nhiệm vụ
khi được cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động hoặc hỗ trợ phát triển quan
hệ lao động mà không có lý do chính đáng. Trường hợp được coi là lý do chính
đáng theo quy định tại khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019.
5. Không được nhận tiền, lợi
ích từ các bên tranh chấp, chủ thể có liên quan hoặc có hành vi vi phạm pháp luật
làm phương hại đến lợi ích của các bên hoặc lợi ích của nhà nước khi thực hiện
nhiệm vụ của hòa giải viên lao động theo quy định của pháp luật và Quy chế này.
6. Thực hiện chế độ báo cáo (định
kỳ, đột xuất, vụ việc).
Điều 6. Chế
độ, điều kiện hoạt động của hòa giải viên lao động
Chế độ, điều kiện hoạt động của
hòa giải viên lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 96 Nghị định số
145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định số
145/2020/NĐ-CP).
Chương
III
TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC BỔ
NHIỆM, BỔ NHIỆM LẠI, MIỄN NHIỆM HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG
Điều 7.
Tiêu chuẩn của hòa giải viên lao động
Tiêu chuẩn của hòa giải viên
lao động thực hiện theo quy định tại Điều 92 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.
Điều 8.
Trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm hòa giải viên lao động
1. Trình tự và thủ tục bổ nhiệm,
bổ nhiệm lại hòa giải viên lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 93
Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.
2. Trình tự, thủ tục miễn nhiệm
hòa giải viên lao động được thực hiện theo quy định Điều 94 Nghị định số
145/2020/NĐ-CP.
Chương IV
THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ CỬ
HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG
Điều 9. Thẩm
quyền cử hòa giải viên lao động
1. Hòa giải viên lao động hoạt
động do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện đề cử thực hiện nhiệm
vụ hòa giải các tranh chấp lao động trên địa bàn quản lý.
2. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội giới thiệu cử hòa giải viên lao động từ các huyện, thành phố trong trường
hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thành phố đề nghị hỗ trợ giải
quyết tranh chấp lao động.
Điều 10.
Trình tự, thủ tục cử hòa giải viên lao động
Trình tự, thủ tục cử hòa giải
viên lao động như sau:
1. Đơn yêu cầu giải quyết tranh
chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề và yêu cầu hỗ trợ phát triển
quan hệ lao động được gửi đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc hòa
giải viên lao động.
Trường hợp Hòa giải viên lao động
trực tiếp nhận đơn yêu cầu từ đối tượng tranh chấp đề nghị giải quyết thì trong
thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận đơn, hòa giải viên lao động phải chuyển cho
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý hòa giải viên lao động để
phân loại xử lý.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm
việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, theo phân cấp quản lý Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phân loại và có văn bản cử hòa giải viên
lao động giải quyết theo quy định.
Trường hợp tiếp nhận đơn từ hòa
giải viên lao động thì trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận đơn, theo phân
cấp quản lý, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ra văn bản cử hòa giải viên
lao động theo quy định.
3. Tùy theo tính chất phức tạp
của vụ việc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có thể cử một hoặc một số
Hòa giải viên lao động cùng tham gia giải quyết.
4. Trường hợp đơn yêu cầu giải
quyết tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề và yêu cầu hỗ trợ
phát triển quan hệ lao động được gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đơn về huyện, thành phố nơi
doanh nghiệp hoặc người lao động thuộc địa bàn quản lý để giải quyết.
Chương V
NGUYÊN TẮC, TRÌNH TỰ, THỦ
TỤC VÀ CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH HÒA GIẢI TRANH CHẤP LAO ĐỘNG
Điều 11.
Nguyên tắc hòa giải tranh chấp lao động
Nguyên tắc hòa giải tranh chấp
lao động thực hiện theo quy định tại Điều 180 Bộ luật Lao động năm 2019.
Điều 12.
Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động
1. Trình tự, thủ tục hòa giải
tranh chấp lao động cá nhân được thực hiện theo Điều 188 Bộ Luật Lao động.
2. Trình tự, thủ tục hòa giải
tranh chấp lao động tập thể về quyền thực hiện theo Điều 192 Bộ luật lao động.
3. Trình tự, thủ tục hòa giải
tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thực hiện theo Điều 196 Bộ luật lao động.
Điều 13.
Các bước tiến hành hoà giải
Việc tiến hành hòa giải được thực
hiện theo các bước sau:
1. Xác định thời hiệu yêu cầu
giải quyết tranh chấp (còn thời hiệu hay đã hết thời hiệu).
2. Tìm hiểu vụ việc các bên
tranh chấp:
a) Xác định rõ tính chất và mức
độ phức tạp của vụ việc, tìm hiểu và làm rõ nội dung tranh chấp, nguyên nhân dẫn
đến tranh chấp.
b) Thu thập các tài liệu, chứng
cứ có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp.
c) Hòa giải viên lao động yêu cầu
các bên có liên quan cung cấp các tài liệu, văn bản, chứng cứ có liên quan đến
tranh chấp; tham khảo thêm ý kiến của đại diện tập thể lao động tại cơ sở và
lãnh đạo đơn vị trực tiếp quản lý người lao động (tổ, đội, phân xưởng, phòng
ban).
3. Tổ chức họp hòa giải:
a) Tại phiên họp hòa giải phải
có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác
tham gia phiên họp hòa giải. Các bên phát biểu và nêu ý kiến, quan điểm của
mình về vụ việc xảy ra.
b) Căn cứ các quy định của pháp
luật lao động, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động
và các quy chế nội bộ khác của doanh nghiệp, hòa giải viên lao động phân tích
những vấn đề đúng/sai trong hành vi của hai bên để gợi ý cho các bên tiến hành
thương lượng, thỏa thuận.
c) Trường hợp các bên thỏa thuận
được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải
thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.
d) Trường hợp các bên không thỏa
thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem
xét. Trường hợp các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động
lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên
tranh chấp và hòa giải viên lao động.
đ) Trường hợp phương án hòa giải
không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ
hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập
biên bản hòa giải không thành. Biên bản hòa giải không thành phải có chữ ký của
bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14.
Hiệu lực thi hành
Quy chế này có hiệu lực từ ngày
ký ban hành.
Điều 15. Tổ
chức thực hiện
1. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội có trách nhiệm
- Tổng hợp kế hoạch tuyển chọn,
bổ nhiệm hòa giải viên lao động của các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
và kế hoạch tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động của Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội để xây dựng thành kế hoạch chung của toàn tỉnh, trình Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
- Thông báo công khai việc tuyển
chọn hòa giải viên lao động trên địa bàn thông qua phương tiện thông tin đại
chúng; tiếp nhận hồ sơ đăng ký, giới thiệu tuyển chọn hòa giải viên lao động của
các ứng viên; thẩm định các hồ sơ dự tuyển, lựa chọn và lập danh sách vị trí bổ
nhiệm của từng hòa giải viên lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội và của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, trình Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, bổ nhiệm; công khai, cập nhật, đăng tải
danh sách họ tên, địa bàn phân công hoạt động, số điện thoại, địa chỉ liên hệ của
hòa giải viên lao động được bổ nhiệm trên phương tiện thông tin đại chúng.
- Quản lý hòa giải viên theo
phân cấp quản lý.
2. Phòng Lao động - Thương
binh và Xã hội các huyện, thành phố có trách nhiệm
- Quý I hằng năm, rà soát nhu cầu
tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động thuộc thẩm quyền quản lý để lập kế
hoạch và báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 31 tháng 3 hằng
năm;
- Phối hợp thông báo công khai
việc tuyển chọn hòa giải viên lao động trên địa bàn các huyện, thành phố; tiếp
nhận hồ sơ đăng ký, giới thiệu tuyển chọn hòa giải viên lao động của các ứng
viên; rà soát người đủ tiêu chuẩn, tổng hợp, báo cáo Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội thẩm định; công khai, cập nhật, đăng tải danh sách họ tên, địa bàn
phân công hoạt động, số điện thoại, địa chỉ liên hệ của hòa giải viên lao động
được bổ nhiệm trên phương tiện thông tin đại chúng.
- Quản lý hòa giải viên theo
phân cấp quản lý.
3. Hòa giải viên lao động có
trách nhiệm
- Tuân thủ quy định của pháp luật
lao động về thẩm quyền, trình tự, thủ tục hòa giải đối với từng loại tranh chấp
lao động; các nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động khi thực hiện hòa giải
tranh chấp lao động.
- Báo cáo tiến độ, tình hình giải
quyết các tranh chấp được phân công và kết quả hoạt động định kỳ, đột xuất với
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; theo yêu cầu của người hoặc cơ quan
khác có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
4. Trách nhiệm của các bên
tranh chấp: Cung cấp tài liệu, chứng cứ, trưng cầu giám định, mời người làm
chứng có liên quan theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Lao động.
5. Quy chế này được triển
khai đến các Hòa giải viên lao động và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trường
hợp các Điều, Khoản, Văn bản viện dẫn trong Quy chế này được sửa đổi, bổ sung,
thay thế, thì sẽ áp dụng những nội dung đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới đó.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, có vướng mắc đề nghị phản ánh về Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết
định./.