Quyết định 13/2006/QĐ-BCN về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp ban hành

Số hiệu 13/2006/QĐ-BCN
Ngày ban hành 23/05/2006
Ngày có hiệu lực 22/06/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ CÔNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/2006/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC KỸ THUẬT AN TOÀN CÔNG NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ và Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp trực thuộc Bộ Công nghiệp, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kỹ thuật an toàn công nghiệp, bao gồm: cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí (trừ các thiết bị, phương tiện khai thác dầu khí trên biển), khai thác khoáng sản, hoá chất (bao gồm cả hoá dược), vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp chế biến khác và môi trường trong ngành công nghiệp theo quy định của pháp luật.

Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp có tư cách pháp nhân; được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và Ngân hàng; kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp, có con dấu riêng để hoạt động và giao dịch theo quy định của pháp luật; có trụ sở chính tại số 54, phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp

1. Xây dựng hoặc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; cơ chế, chính sách về lĩnh vực kỹ thuật an toàn trong ngành công nghiệp trình Bộ trưởng ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.

2. Xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành các quy phạm, tiêu chuẩn, quy trình về kỹ thuật an toàn ngành công nghiệp được quy định tại Điều 1 của Quyết định này.

3. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy phạm, quy trình về kỹ thuật an toàn trong ngành công nghiệp.

4. Tổ chức thực hiện việc đăng ký, kiểm định và cấp giấy chứng nhận về kỹ thuật an toàn trong công nghiệp cho máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành; máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu an toàn đặc thù theo danh mục do Bộ Công nghiệp ban hành.

a) Tổ chức kiểm định chất lượng các thiết bị điện, dụng cụ và sản phẩm điện theo tiêu chuẩn an toàn điện.

b) Kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hoá theo quy định của pháp luật.

5. Thẩm định, trình Bộ trưởng công nhận đơn vị có đủ điều kiện kỹ thuật an toàn để chế tạo, lắp đặt, sửa chữa thiết bị chịu áp lực, thiết bị nâng và khám nghiệm định kỳ chai chứa khí, khí hoá lỏng của các đơn vị thuộc ngành công nghiệp.

6. Chủ trì thẩm định và trình Bộ trưởng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của pháp luật; đầu mối phối hợp liên Bộ tổ chức giám sát, kiểm tra về kỹ thuật an toàn trong sản xuất, bảo quản, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

7. Đầu mối quản lý công tác an toàn bức xạ, phòng cháy và chữa cháy trong ngành công nghiệp.

8. Thẩm định hoặc tham gia thẩm định các giải pháp kỹ thuật an toàn trong các dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công các công trình xây dựng cơ bản của các đơn vị thuộc Bộ Công nghiệp.

9. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tiến hành kiểm tra tìm nguyên nhân các sự cố, tai nạn lao động có liên quan đến kỹ thuật an toàn trong ngành công nghiệp và kiến nghị các giải pháp khắc phục.

10. Về môi trường trong ngành công nghiệp:

a) Kiểm tra và giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường trong ngành công nghiệp;

b) Thực hiện quan trắc, đo kiểm, đánh giá tác động và xử lý môi trường trong ngành công nghiệp;

c) Xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu về bảo vệ môi trường để phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ và cung cấp tài liệu cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị có nhu cầu theo quy định của pháp luật;

d) Tư vấn và chuyển giao công nghệ môi trường cho các cơ quan đơn vị trong ngoài ngành;

đ) Tổ chức hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, tuyên truyền, thông tin về bảo vệ môi trường.

11. Tổ chức đào tạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật an toàn công nghiệp, bảo vệ môi trường cho các đơn vị trong ngành công nghiệp.

12. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kỹ thuật an toàn công nghiệp theo quy định của pháp luật.

[...]