Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 1291/QĐ-UBND năm 2008 về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng thí điểm nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2007 – 2010” do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 1291/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/10/2008
Ngày có hiệu lực 16/10/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Văn Khôi
Lĩnh vực Bất động sản,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1291/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐẦU TƯ XÂY DỰNG THÍ ĐIỂM NHÀ Ở XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2007 – 2010”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 15/2/2000 của Ban chấp hành TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 – 2010;
Căn cứ Luật Nhà ở được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ IIX thông qua ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở; Thông tư số 05/2006/TT-BXD ngày 1/11/2006 Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 6/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở;
Căn cứ Quyết định số 76/2004/QĐ-TTg ngày 6/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt định hướng phát triển nhà ở đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 105/2007/QĐ-TTg ngày 13/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt định hướng chính sách tài chính nhà ở quốc gia đến năm 2010;
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2804/VPCP-KTN ngày 6/5/2008 giao UBND Thành phố Hà Nội thu ý kiến của các cơ quan liên quan phê duyệt và triển khai Đề án Đầu tư xây dựng thí điểm nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố;
Căn cứ Chương trình 11-Ctr/TU ngày 04/08/2006 của Thành ủy Hà Nội về việc xây dựng phát triển và quản lý đô thị Hà Nội giai đoạn 2006 – 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 06/2006/NQ-HĐND ngày 22/7/2006 của HĐND Thành phố về nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố Hà Nội 6 tháng cuối năm 2006;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1104/TTr-SXD-PTN ngày 17/9/2008 về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng thí điểm nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2007 – 2010”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng thí điểm nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2007 – 2010”;

Điều 2. Giao Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức triển khai thực hiện Đề án, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến độ theo quy định.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện; Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển Thành phố, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ;
- TT Thành Ủy, TT HĐND TP;
- Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo)
- Các PCT UBND Thành phố;
-Các Bộ: XD, TN&MT, KH&ĐT, TC, TP;
- Viện KSND, TAND Thành phố;
- Đoàn đại biểu QH Thành phố HN;
- UBMTTQ TP, Liên đoàn LĐTP;
- Các Báo HNM, KTĐT, Đài THHN;
- VPHĐND Thành phố
- VPUB: Các PVP, các Phòng CV, TH;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khôi

 

ĐỀ ÁN

ĐẦU TƯ XÂY DỰNG THÍ ĐIỂM NHÀ Ở XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2007 – 2010”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1291/QĐ-UBND ngày 16/10/2008 của UBND Thành phố Hà Nội)

Phần 1.

SỰ CẦN THIẾT VÀ NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG CÔNG TÁC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NHÀ Ở XÃ HỘI TRONG THỜI GIAN QUA

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI ĐẦU TƯ:

Giải quyết vấn đề nhà ở cho cán bộ, công chức, công nhân lao động trong các khu công nghiệp và các đối tượng có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thành phố đã và đang áp dụng nhiều giải pháp để tháo gỡ. Việc xây dựng Đề án “Đầu tư xây dựng thí điểm nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2007 – 2010” nhằm góp phần thực hiện Chương trình 11/Ctr/TU ngày 04/08/2006 của Thành ủy Hà Nội về việc xây dựng phát triển và quản lý đô thị Hà Nội giai đoạn 2006 – 2010 đồng thời góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội là một yêu cầu cấp thiết.

II. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VỀ CÔNG TÁC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NHÀ Ở CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ:

Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đã xây dựng và thực hiện Chương trình phát triển nhà ở của Thành phố để giải quyết vấn đề ở cho các đối tượng dân cư trên địa bàn Thành phố. Thời gian qua, công tác phát triển nhà của Thành phố đã có những bước tiến vượt bậc và vững chắc, tạo lập được nhiều quỹ nhà ở để giải quyết các nhu cầu bức xúc về nhà ở của cư dân Thành phố, nhất là nhà ở cho các đối tượng di dân giải phóng mặt bằng, CBCNV có khó khăn về nhà ở, sinh viên, người nghèo với các cơ chế, chính sách đa dạng, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế của Thủ đô.

Trong thời gian qua Thành phố đã bước đầu giải quyết được nhà ở cho một bộ phận các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng và người nghèo …, bên cạnh đó hàng năm Thành phố huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hàng triệu mét vuông nhà ở tạo nên bộ mặt mới cho đô thị. Những khu đô thị mới hình thành đồng bộ hạ tầng đô thị hiện đại, cảnh quan môi trường và các dịch vụ đô thị đã góp phần tạo những bước đầu của công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt góp phần hình thành nếp sống văn hóa văn minh đô thị.

Cụ thể Thành phố đã đầu tư xây dựng nhà ở cho các đối tượng gồm:

Giải quyết nhà ở phục vụ cho cán bộ lão thành Cách mạng, thương binh liệt sỹ: Đã hỗ trợ 2.133/2.610 cụ cải thiện nhà ở theo Quyết định 20/2000/QĐ-TTg ngày 3 tháng 2 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người hoạt động Cách mạng trước Cách mạng Tháng 8. Đang triển khai dự án trên khu đất 5,2 ha tại Yên Hòa để xây dựng biệt thự cho các đối tượng lão thành Cách mạng. Xây dựng 200 căn hộ (tại Tương Mai, hồ Việt Xô) để phân cho các đối tượng thương binh liệt sỹ.

Xây dựng nhà ở cho người nghèo: hỗ trợ 5 triệu/1 hộ nghèo có đất tại các Huyện ngoại thành để cải tạo nơi ở. Đến nay, Thành phố đã cơ bản xóa bỏ nhà dột nát của các hộ nghèo. Đã xây dựng thí điểm 90 căn hộ nhà chung cư 6 tầng tại Nghĩa Đô – Dịch Vọng cho các hộ nghèo tại 9 quận nội thành có bình quân diện tích nhỏ hơn 2,5m2/người thuê mua nhà trả góp trong thời hạn 20 năm.

Xây dựng nhà ở cho sinh viên thuê: Đã thí điểm xây dựng trên diện tích 1.99 ha tại khu chung cư cho sinh viên thuê với diện tích sàn 42.789 m2 với giá 100.000 đồng/1 sinh viên/tháng.

Xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên, người có thu nhập thấp: Thành phố quy định các dự án phát triển nhà ở phải dành 50% quỹ nhà ở chung cư bán cho cán bộ công nhân viên trên địa bàn Thành phố trên 3000 trường hợp.

III. MỘT SỐ TỒN TẠI VÀ NHU CẦU VỀ NHÀ Ở XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ:

1. Tồn tại

Kết quả đầu tư xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo mới dùng ở mức độ mô hình thí điểm, Hà Nội vẫn còn thiếu nhà ở nghiêm trọng, nhất là đối với người nghèo, người thu nhập thấp, công chức, viên chức. Trong giai đoạn (2000 – 2007) Thành phố xây dựng mới trên 8,5 triệu m2 nhà ở nâng diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người từ 6 m2 năm 2000 lên 7.5 m2 năm 2005, nhưng chủ yếu đáp ứng nhu cầu nhà ở thị trường, còn nhà ở cho người thu nhập thấp, người có khó khăn về nhà ở đang là vấn đề bức xúc. Mặc dù trong những năm còn cơ chế bao cấp, Nhà nước đã có cố gắng rất lớn xây dựng thêm hàng triệu mét vuông nhà ở, nhưng cũng chỉ mới giải quyết được một phần nhu cầu. Theo số liệu điều tra sơ bộ nhà ở của cán bộ, công chức, viên chức: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội là rất thiếu quỹ nhà ở, vẫn còn hàng ngàn hộ phải sống trong điều kiện chỗ ở không đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu. Trên địa bàn Thành phố có khoảng 30% số cán bộ công nhân viên Nhà nước được phân phối nhà ở, trong đó có 19% nhà chung cư được xây dựng từ trước năm 1990, 31,4% đã xây dựng được nhà riêng, tỷ lệ hộ các gia đình trẻ chưa có nhà ở (phải ở ghép hộ, ở tạm) chiếm tỷ lệ lớn, có 4% thuê nhà ở tạm, nhà cấp 4 của tư nhân để ở. Theo đánh giá chung trên địa bàn Thành phố có khoảng 15 – 20% hộ gia đình thực sự gặp khó khăn về nhà ở. Hầu hết tại các khu công nghiệp đều thiếu nhà ở cho công nhân vì số lượng lao động tăng nhanh nhưng trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp chưa tính tới yêu cầu về chỗ ở cho công nhân. Theo tính toán với mức thu nhập bình quân hiện nay, để mua được căn hộ chung cư trung bình (giá 7 – 9 triệu đồng/m2) thì đối với hộ gia đình CBCNV có mức thu nhập trung bình khoảng 4-6 triệu đồng/hộ/tháng thì cũng không đủ khả năng để mua nhà ở theo giá thị trường. Chính vì vậy, việc mong muốn mua được nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức là hết sức xa vời.

[...]