Quyết định 127/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ trong công nghiệp và ngành kinh tế - kỹ thuật khác đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 127/QĐ-TTg
Ngày ban hành 20/01/2011
Ngày có hiệu lực 20/01/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 127/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG BỨC XẠ TRONG CÔNG NGHIỆP VÀ CÁC NGÀNH KINH TẾ - KỸ THUẬT KHÁC ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ trong công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác đến năm 2020 (gọi tắt là Quy hoạch) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM  

1. Phát triển nhanh ứng dụng bức xạ ở các ngành, lĩnh vực có hiệu quả kinh tế cao, đóng góp nhiều cho tổng thu nhập GDP, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu, có hàm lượng công nghệ cao, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

2. Phát triển ứng dụng bức xạ gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với phát triển chung của nền công nghiệp và điều kiện thực tế; theo hướng hiện đại hóa về thiết bị, chuẩn hóa về quy trình công nghệ và tổ chức thực hiện; góp phần nâng cao trình độ công nghệ của Việt Nam; phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

3. Phát triển ứng dụng bức xạ trên cơ sở đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, huy động mọi nguồn lực xã hội, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

4. Phát triển ứng dụng bức xạ đi đôi với hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách; phát triển nhân lực; bảo đảm an toàn cho người lao động, dân cư và môi trường.

II. MỤC TIÊU

1. Mục đích chung

Đẩy mạnh phát triển ứng dụng bức xạ mang tính truyền thống; tăng nhanh năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động ứng dụng bức xạ của Việt Nam; xây dựng tiền đề cho phát triển ứng dụng bức xạ thành một ngành công nghiệp công nghệ cao với 4 lĩnh vực ứng dụng chủ yếu sau đây:

a) Kiểm tra không phá hủy (được viết tắt theo tiếng Anh là NDT): dùng kỹ thuật chụp ảnh phóng xạ để phát hiện khuyết tật, sai hỏng của đối tượng cần kiểm tra.

b) Hệ điều khiển hạt nhân (được viết tắt theo tiếng Anh là NCS): sử dụng như hệ đo độc lập hoặc tích hợp trong hệ thống điều khiển để kiểm soát dây chuyền sản xuất, như đo độ dày, mật độ, độ ẩm, mức đầy và các đặc tính khác.

c) Chiếu xạ công nghiệp (được hiểu là chiếu xạ có quy mô công nghiệp): dùng tia phóng xạ phát ra từ thiết bị bức xạ hoặc hạt được gia tốc từ máy gia tốc để khử trùng, biến tính vật liệu, hoặc phục vụ các mục đích khác trong hoạt động sản xuất, dịch vụ.

d) Kỹ thuật đánh dấu (được hiểu là dùng đồng vị phóng xạ để đánh dấu): theo dõi chất đánh dấu lưu chuyển trong dòng chảy, trong quá trình công nghệ, hoặc trong môi trường giúp phát hiện tính liên thông của dòng chảy, đặc điểm của quá trình công nghệ, đặc điểm của môi trường và các đặc điểm khác.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Kiểm tra không phá hủy

- Tăng nhanh về số lượng và chất lượng ứng dụng NDT, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành cơ khí, xây dựng; đẩy mạnh ứng dụng NDT hỗ trợ cho hoạt động quản lý nhà nước trong việc giám sát, kiểm tra chất lượng, phục vụ việc nghiệm thu công trình và cấp phép cho các sản phẩm, thiết bị trước khi đưa vào sử dụng; đầu tư mở rộng, nâng cấp các cơ sở hiện có, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư vào thị trường NDT; đẩy mạnh các hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực NDT.

- Có ít nhất 1 doanh nghiệp đủ năng lực chiếm phần lớn thị phần cung cấp thiết bị NDT tại Việt Nam, tham gia đấu thầu cạnh tranh các dự án có đấu thầu quốc tế.

- Chỉ tiêu cụ thể:

TT

Mục tiêu

2011 - 2015

2016 - 2020

1

Tỷ lệ tăng doanh thu dịch vụ NDT

(Tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ trên tổng doanh thu)

15%

(5%)

20%

(15%)

2

Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu về dịch vụ NDT trong nước

65%

75%

3

Mức tăng trưởng số cơ sở dịch vụ NDT

10%

11%

4

Tỷ lệ nội địa hóa thiết bị

-

25%

5

Phát triển cơ sở hạ tầng đạt chuẩn quốc tế

- Số cơ sở cung cấp, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị

- Số cơ sở sản xuất, chế tạo thiết bị

- Số phòng thí nghiệm về ứng dụng NDT

 

2

-

1

 

5

1

1

b) Hệ điều khiển hạt nhân

- Ứng dụng kỹ thuật NCS nhằm phục vụ trực tiếp nhu cầu sản xuất và nâng cao hiệu quả hoạt động của công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật như dầu khí, hóa chất, giao thông, xây dựng, thăm dò và khai thác khoáng sản, năng lượng, xử lý chất thải.

- Có ít nhất 1 doanh nghiệp dịch vụ NCS đủ năng lực chiếm phần lớn thị phần cung cấp thiết bị NCS tại Việt Nam, tham gia đấu thầu cạnh tranh các dự án có đấu thầu quốc tế.

- Chỉ tiêu cụ thể:

[...]