Quyết định 127/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 127/QĐ-TTg
Ngày ban hành 25/01/2018
Ngày có hiệu lực 25/01/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trịnh Đình Dũng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 127/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH GIA LAI ĐẾN NĂM 2035, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về Quy định một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và Báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Ranh giới lập quy hoạch:

Ranh giới lập Quy hoạch vùng tỉnh Gia Lai bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính tỉnh Gia Lai với diện tích khoảng 15.510,99 km2, bao gồm 17 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Pleiku; thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và các huyện K’Bang, Đak Đoa, Chư Păh, la Grai, Mang Yang, Kông Chro, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Đak Pơ, la Pa, Krông Pa, Phú Thiện, Chư Pưh, ranh giới được xác định như sau:

- Phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên;

- Phía Tây giáp Campuchia;

- Phía Nam giáp tỉnh Đắk Lắk;

- Phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum.

2. Mục tiêu và tính chất

a) Mục tiêu

- Xây dựng và phát triển vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 trở thành trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

- Cụ thể hóa các mục tiêu quy hoạch của Quốc gia, vùng Tây Nguyên, quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội và tích hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh Gia Lai.

- Gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ an ninh quốc phòng, tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc gắn với mục tiêu ổn định đất đai - dân tộc - tôn giáo trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.

- Tổ chức phân vùng chức năng hợp lý để phát huy tối đa tiềm năng lợi thế về vị trí và tài nguyên thiên nhiên, tập trung phát triển các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh như:

+ Nông - Lâm nghiệp: Mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, sản lượng cây lương thực và phát triển chăn nuôi gia súc vùng kinh tế Đông Trường Sơn; phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, chè, cà phê…, gắn với công nghiệp chế biến hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu tại vùng kinh tế Tây Trường Sơn;

+ Phát triển vùng công nghiệp tập trung; duy trì khai thác các công trình thủy điện có hiệu quả cao, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái đặc biệt là bảo vệ rừng và nguồn nước của hệ thống hồ, sông, suối;

+ Phát triển thương mại - dịch vụ tại thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, thị trấn Chư Sê; vùng trao đổi thương mại và kinh tế, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ tại cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.

- Xác định không gian hạ tầng các khu chức năng đặc thù như: Du lịch sinh thái; du lịch văn hóa - lịch sử nhằm tạo điều kiện phát triển du lịch đồng thời bảo tn cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, văn hóa - lịch sử.

- Bổ sung phát triển hợp lý mô hình hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn trên toàn tỉnh, trong đó tập trung phát triển đô thị tại thành phố Pleiku và thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, thị trấn Chư Sê, tạo sự liên kết chặt chẽ thúc đẩy phát triển ổn định lâu dài.

- Định hướng cho việc lập các quy hoạch chuyên ngành, các khu chức năng trên phạm vi toàn tỉnh. Xác định những dự án, chương trình ưu tiên đầu tư tạo động lực phát triển vùng;

- Xác định khoanh vùng các khu vực cấm xây dựng, các vùng bảo tồn.

[...]