UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 123/2006/QĐ-UBND
|
Vinh, ngày 29 tháng 11 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH
BẢN "QUY CHẾ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN LÀM NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ
NƯỚC TẠI CẢNG BIỂN NGHỆ AN".
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ
AN
Căn cứ Luật
Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị
định số 71/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 của Chính phủ về quản lý cảng biển và
luồng hàng hải;
Căn cứ Quyết
định số 3171/2002/QĐ-BGTVT ngày 03/10/2002 của Bộ Giao thông Vận tải về vùng
nước các cảng biển thuộc địa phận tỉnh Nghệ An và khu vực trách nhiệm của Cảng
vụ Nghệ An;
Xét đề nghị
của Giám đốc Cảng vụ Nghệ An tại Tờ trình số 237/TTr-CV ngày 06 tháng 10 năm
2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này
bản Quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý nhà nước
tại cảng biển Nghệ An.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi
hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 58/2004/QĐ-UB ngày
31/5/2004 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành bản Quy chế phối hợp hoạt động giữa
các cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước tại cảng biển Nghệ An.
Điều 3. Các ông: Chánh Văn phòng UBND
tỉnh; Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Xây dựng, Thuỷ Sản, Tư pháp, Tài
nguyên và Môi trường; Văn hoá - Thông tin; Giám đốc Công an tỉnh; Bộ chỉ huy bộ
đội biên phòng Nghệ An; Giám đốc Cảng vụ Nghệ An; Giám đốc Cục Hải quan Nghệ
An; Trạm kiểm dịch y tế quốc tế Nghệ An; Chi cục kiểm dịch thực vật vùng Vinh;
Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An; Trung tâm thú y vùng Vinh và Thủ trưởng
các Sở ban, ngành, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hồng Trường
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG
GIỮA CÁC CƠ QUAN LÀM NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TẠI CẢNG BIỂN NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 123/2006/QĐ-UBND ngày 29/11/2006 của UBND
tỉnh Nghệ An)
Chương I:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Bản Quy chế này cụ thể hoá các
quy định tại Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 của Chính phủ về quản lý
cảng biển và luồng hàng hải.
Điều 2. Các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý
Nhà nước tại cảng biển Nghệ An thực hiện nhiệm vụ của mình theo nguyên tắc độc
lập, nhưng phải tuân theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm phối hợp
chặt chẽ với nhau khi tiến hành nhiệm vụ của mình nhằm tạo thuận lợi cho doanh
nghiệp cảng, chủ tàu, tàu thuyền và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan hoạt
động an toàn, hiệu quả. Cảng vụ Nghệ An là cơ quan chủ trì phối hợp hoạt động
giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển Nghệ An.
Điều 3. Các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý
Nhà nước tại cảng biển Nghệ An trong quy chế này bao gồm: Cảng vụ Nghệ An; Sở
Tài nguyên và Môi trường Nghệ An; Sở Văn hoá - Thông tin Nghệ An; Chi cục Hải
quan cửa khẩu Nghệ An thuộc Cục hải quan Nghệ An; Đồn biên phòng cửa khẩu cảng
Cửa Lò - Bến Thuỷ; Lực lượng cảnh sát giao thông đường thuỷ, cảnh sát phòng
cháy, chữa cháy Công an tỉnh Nghệ An; Trạm kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Nghệ An;
Chi cục kiểm dịch thực vật vùng Vinh; Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An;
Trung tâm thú y vùng Vinh.
Điều 4.
1. Khu vực trách nhiệm thực hiện chức năng quản
lý Nhà nước tại cảng biển Nghệ An là vùng nước các cảng biển thuộc địa phận
tỉnh Nghệ An và khu vực trách nhiệm của Cảng vụ Nghệ An được quy định tại Quyết
định số 3171/2002/QĐ-BGTVT ngày 03/10/2002 của Bộ giao thông vận tải, gồm:
a) Ranh giới về phía Bắc, phía Đông và phía Đông
- Nam: Được giới hạn bởi các đoạn thẳng nối các điểm có tọa độ sau đây:
A1. 18050, 0
N; 105043,0 E
A2. 18050, 0
N; 105047,0 E
A3. 18048, 0
N; 105048,0 E
A4. 18045, 1
N; 105046,1 E
b) Ranh giới về phía Tây: Từ điểm A1 chạy dọc
theo phía Nam dãy núi xã Nghi Thiết, Huyện Nghi Lộc đến kinh tuyến cách 20 mét
phía Tây cảng Cửa Lò, qua cầu cảng Cửa Lò đến điểm cực Bắc bờ biển thị xã Cửa
Lò, dọc theo bờ biển của Thị xã Cửa Lò đến bờ phía Bắc Cửa Hội.
c) Ranh giới trên sông được giới hạn từ điểm
phía Bắc cửa Hội và điểm A4 chạy dọc theo hai bên bờ sông Lam đến đường thẳng
cắt ngang sông Lam cách hạ lưu cầu Bến Thuỷ 200 mét, trừ đoạn sông Lam thuộc
vùng nước các cảng biển thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh được quy định tại Quyết
định số 2437/2002/QĐ-BGTVT ngày 07/8//2002 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
2. Đối với tàu chuyên dùng vận chuyển xăng dầu,
khí đốt hoá lỏng, vật liệu nổ phải vào cảng chuyên dùng, trường hợp đặc biệt
nếu các tàu trên vào cảng biển Nghệ An phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý
Nhà nước nói ở Điều 3 bản Quy chế này.
Chương II:
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5.
1. Trách nhiệm và quyền hạn của Cảng vụ Nghệ An:
a) Làm thủ tục cho tàu vào hay rời cảng, khi tàu
đang hành trình từ phao số "O" vào cảng hoặc ngược lại.
b) Thi hành các yêu cầu lưu giữ, cầm giữ hoặc
bắt giữ hàng hải hoặc lệnh bắt giữ tàu biển tại cảng biển theo quy định của
pháp luật, các yêu cầu nói trên phải được viết bằng văn bản chậm nhất là 02
tiếng đồng hồ trước khi tàu rời cảng theo kế hoạch đã định.
c) Chủ trì điều hành và phối hợp việc làm thủ
tục cho tàu, thuyền vào hoặc rời cảng khu vực Nghệ An.
d) Cảng vụ Nghệ An có trách nhiệm lập kế hoạch
dự kiến điều động tàu, thuyền vào, rời cảng hàng ngày vào 17 giờ ngày hôm trước
và thông báo cho các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng biết.
e) Đối với tàu xuất, nhập cảnh thì khi nhận được
thông báo và xác báo tàu đến và rời cảng của chủ tàu hoặc đại lý, Cảng vụ Nghệ
An phải thông báo ngay cho các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng
biết để phối hợp.
g) Yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên
ngành khác tại cảng thông báo kịp thời kết quả làm thủ tục và biện pháp giải
quyết những vướng mắc phát sinh; yêu cầu doanh nghiệp cảng, chủ tàu, thuyền và
các cơ quan, tổ chức liên quan khác cung cấp số liệu, thông tin về hoạt động
hàng hải tại cảng biển.
h) Triệu tập và chủ trì các cuộc họp nhằm hiệp
thương giải quyết các vụ việc phát sinh liên quan đến hoạt động của tàu biển
tại cảng. Kiến nghị với UBND tỉnh Nghệ An nhằm giải quyết kịp thời những vướng
mắc phát sinh có liên quan đến quản lý Nhà nước về chuyên ngành tại cảng biển.
k) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng
xây dựng phương án phòng chống cháy, nổ cần thiết cho tàu thuyền hoạt động ở
khu vực trách nhiệm theo các quy định của pháp luật.
Điều 6. Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý
Nhà nước chuyên ngành khác tại Cảng biển Nghệ An:
1. Phối hợp chặt chẽ để giải quyết kịp thời,
đúng pháp luật các thủ tục liên quan đến tàu thuyền, hàng hoá, hành khách và
thuyền viên khi hoạt động tại cảng biển Nghệ An theo quy định tại Nghị định số
71/2006/NĐ-CP.
Thông báo kịp thời cho Cảng vụ Nghệ An biết kết
quả giải quyết thủ tục liên quan đến tàu thuyền, hàng hoá, hành khách và thuyền
viên khi hoạt động tại cảng.
2. Sau khi nhận và xử lý thông tin được Cảng vụ
Nghệ An hoặc chủ tàu cung cấp và khi làm xong thủ tục hoặc trường hợp có vướng
mắc phát sinh, phải báo ngay cho Cảng vụ Nghệ An biết để phối hợp giải quyết
kịp thời.
Điều 7.
1. Trong khu vực trách nhiệm nói ở Điều 4 bản
Quy chế này, cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành muốn tiến hành dừng tàu để
kiểm tra thì phải thông báo ngay cho Cảng vụ Nghệ An để phối hợp và chỉ được
tiến hành kiểm tra sau khi đã hoàn thành thủ tục nhập cảnh, trừ trường hợp tàu
vi phạm pháp luật quả tang hoặc có dấu hiệu liên quan đến tội phạm mà cơ quan
điều tra đang tiến hành điều tra truy bắt. Các cơ quan quản lý liên quan khác
không được phép lên tàu khi chưa có ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành tại
Cảng biển Nghệ An nói ở Điều 3 Quy chế này và chưa được sự đồng ý của Cảng vụ
Nghệ An.
2. Tất cả các tàu đều tiến hành làm thủ tục tại
địa điểm Văn phòng Cảng vụ Nghệ An và Văn phòng đại diện Cảng vụ Nghệ An tại
Cửa Lò. Trừ trường hợp tàu khách, trường hợp có đủ cơ sở để nghi ngờ tính xác
thực khai báo về kiểm dịch của chủ tàu hoặc trước khi đến Việt Nam tàu đó rời
cảng cuối cùng ở khu vực có dịch bệnh của người, động vật và thực vật hay trong
những hoàn cảnh đặc biệt khác do Giám đốc Cảng vụ Nghệ An quyết định và chịu
trách nhiệm, thì các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành mới được thành lập
đoàn thủ tục do đại diện Cảng vụ Nghệ An làm trưởng đoàn và mỗi cơ quan quản lý
Nhà nước chuyên ngành chỉ được cử 01 người tham gia; riêng đối với tàu khách
thì Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thuỷ và Chi cục Hải quan Nghệ An
có thể cử thêm người tham gia đoàn để giải quyết nhanh thủ tục nhưng số lượng
người phải được Giám đốc Cảng vụ Nghệ An chấp thuận.
3. Trường hợp có vướng mắc phát sinh liên quan
đến chức năng của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành khác đều phải được
trao đổi thống nhất để giải quyết kịp thời, nếu cơ quan nào không thống nhất
thì phải kịp thời báo cho Cảng vụ Nghệ An biết rõ lý do và đề xuất biện pháp
giải quyết theo quy định của pháp luật. Kiến nghị với UBND tỉnh nhằm giải quyết
kịp thời những vướng mắc phát sinh liên quan.
4. Trong trường hợp khi tàu bị nạn, sự cố có yêu
cầu đột xuất và các hoàn cảnh đặc biệt khác thì các cơ quan làm nhiệm vụ quản
lý Nhà nước tại cảng biển Nghệ An thành lập đoàn liên hiệp kiểm tra để làm thủ
tục cho tàu. Cảng vụ Nghệ An chịu trách nhiệm bố trí phương tiện thuỷ cho đoàn
cán bộ đi làm thủ tục trong các trường hợp này.
Điều 8. Công tác kiểm dịch được tiến hành
tại vùng nước cảng biển Nghệ An như sau:
1. Vị trí để tiến hành kiểm dịch ( Kiểm dịch y
tế, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật ) là vị trí đón trả Hoa tiêu.
2. Vùng xông hơi diệt chuột là vùng neo đậu tại
Hòn Ngư; Địa điểm khử trùng để diệt côn trùng thì cơ quan kiểm dịch sẽ bàn bạc
và thống nhất với Cảng vụ Nghệ An để quyết định nơi neo đậu.
Điều 9. Trách nhiệm của Đại lý hàng hải,
Thuyền trưởng hoặc Chủ tàu:
Phải thông báo thời gian tàu đến và rời cảng
theo đúng trình tự quy định tại Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 của
Chính phủ.
Điều 10. Trách nhiệm của Xí nghiệp cảng
biển Nghệ An:
1. Bảo đảm các điều kiện an ninh trật tự tại khu
vực cầu cảng nơi tàu cập cầu bốc dỡ hàng hoá hoặc đón trả hành khách.
2. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan làm
nhiệm vụ quản lý Nhà nước có nhu cầu làm việc thường xuyên tại cảng.
3. Căn cứ yêu cầu quản lý, các cơ quan quản lý
Nhà nước chuyên ngành về Biên phòng, Hải quan tại cảng biển được sử dụng cổng
cảng để phục vụ nhiệm vụ của mình sau khi đã thoả thuận với doanh nghiệp cảng.
Điều 11. Hoạt động thanh tra, kiểm tra
1. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, giám hộ
của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và các cơ quan thẩm quyền khác
đối với tàu thuyền, hàng hoá, hành khách, thuyền viên và những đối tượng khác
khi hoạt động tại cảng biển đều phải thực hiện theo quy định của Nghị định số
71/2006/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Việc giám sát, giám hộ trực tiếp trên tàu
thuyền của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành chỉ được thực hiện trong
các trường hợp sau đây:
a) Tàu thuyền có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ
ràng;
b) Trường hợp cần thiết để đảm bảo an ninh, quốc
phòng, phòng chống dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, trật tự và an toàn xã hội.
3. Nghiêm cấm cán bộ, công chức, nhân viên của
các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và của các cơ quan có thẩm quyền khác
có hành vi cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà và các biểu hiện tiêu cực khác
khi thực thi nhiệm vụ được giao; mọi vi phạm có liên quan đều bị xử lý theo quy
định của pháp luật.
Chương III:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12.
1. Các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước tại
cảng biển Nghệ An phải có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Nghị định số
71/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 của Chính phủ và nội dung của bản Quy chế này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng
mắc thì thông báo cho Cảng vụ Nghệ An để tổng hợp trình UBND tỉnh Nghệ An quyết
định./.