Quyết định 123/2003/QĐ-TTg phê chuẩn Điều lệ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 123/2003/QĐ-TTg
Ngày ban hành 12/06/2003
Ngày có hiệu lực 16/07/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 123/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 123/2003/QĐ-TTG NGÀY 12 THÁNG 6 NĂM 2003 VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN ĐIỀU LỆ PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét báo cáo kết quả Đại hội Đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ IV ngày 27 và 28 tháng 4 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê chuẩn Điều lệ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam do Đại hội Đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ IV thông qua ngày 27 tháng 4 năm 2003.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 315/TTg ngày 12 tháng 5 năm 1997.

Điều 3. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)


ĐIỀU LỆ

PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
(Đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ IV thông qua ngày 27 tháng 4 năm 2003 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 123/2003/TTg ngày 12 tháng 6 năm 2003)

I. ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (dưới đây có thể gọi tắt là Phòng) là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam nhằm mục đích phát triển, bảo vệ và hỗ trợ các doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - công nghệ giữa Việt Nam với các nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.

Điều 2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là tổ chức độc lập, phi chính phủ, phi lợi nhuận, có tư cách pháp nhân và tự chủ về tài chính.

Điều 3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đặt trụ sở tại Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và có các chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong và ngoài nước.

Điều 4. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hoạt động theo pháp luật Việt Nam và theo Điều lệ này, được sự hỗ trợ và chịu sự giám sát của Nhà nước Việt Nam.

II. CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ

Điều 5. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có những chức năng sau:

1. Đại diện để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động ở Việt Nam trong các quan hệ trong nước và quốc tế;

2. Thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, sự liên kết giữa các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học - công nghệ và các hoạt động kinh doanh khác của các doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài.

Điều 6. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có những nhiệm vụ sau:

1. Tập hợp, nghiên cứu ý kiến của các doanh nghiệp để phản ánh, kiến nghị và tham mưu cho Nhà nước các vấn đề về pháp luật, chính sách kinh tế - xã hội nhằm cải thiện môi trường kinh doanh;

2. Tham gia xây dựng và thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, tham dự các hội nghị, các đoàn đàm phán về kinh tế và thương mại phù hợp với qui định của Nhà nước;

3. Tổ chức các diễn đàn, đối thoại, các cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp, người sử dụng lao động với các cơ quan Nhà nước, với đại diện người lao động và với các tổ chức hữu quan khác ở trong và ngoài nước để trao đổi thông tin và ý kiến về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh;

4. Tiến hành những hoạt động cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người sử dụng lao động trong các quan hệ kinh doanh trong nước và quốc tế;

5. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức và văn hóa kinh doanh, xây dựng quan hệ lao động thuận hòa, bảo vệ môi trường và tham gia các hoạt động xã hội khác phù hợp với mục tiêu của Phòng;

[...]