Quyết định 12/2011/QĐ-UBND Quy chế thi đua khen thưởng tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 12/2011/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/09/2011
Ngày có hiệu lực 23/09/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Nguyễn Hữu Hoài
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2011/QĐ- UBND

Quảng Bình, ngày 13 tháng 9 năm 2011

 

BAN HÀNH QUY CHẾ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ - CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ; Thông tư số 02/2011/TT - BNV ngày 24 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 42/2010/NĐ - CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 752/TTr -SNV, ngày 25 tháng 7 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Thi đua, Khen thưởng tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Quyết định số 24/2007/QĐ - UBND, ngày 04/12/2007 của UBND tỉnh Quảng Bình v/v ban hành Quy chế Thi đua, Khen thưởng tỉnh Quảng Bình hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ; các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị cấp tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như­ Điều 3;
- Bộ Nội vụ;
- Ban Thi đua - Khen thưởng TW;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Ban Th­ường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Báo QB, Đài PT - TH Quảng Bình;
- Trung tâm Công báo tỉnh; Website tỉnh;
- Lưu VT.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hoài

 

QUY CHẾ

THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TỈNH QUẢNG BÌNH
 (Ban hành kèm theo Quyết định số: 12/2011/QĐ - UBND ngày 13 tháng 9 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Nội dung thi đua, tổ chức phong trào thi đua, tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua; các hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền quyết định trao tặng; thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng; tổ chức trao thưởng; mức tiền thưởng và các quyền lợi của cá nhân, tập thể được khen thưởng; việc xử lý các trường hợp vi phạm về công tác thi đua, khen thưởng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Công dân Việt Nam, các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc các thành phần kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn tỉnh, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài, cơ quan tổ chức nước ngoài và các tổ chức quốc tế ở Việt Nam tham gia các phong trào thi đua của tỉnh đạt được thành tích tiêu biểu, xuất sắc hoặc có những đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình được khen thưởng theo Quy chế này.

Điều 3. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng

1. Nguyên tắc thi đua:

Nguyên tắc thi đua được thực hiện theo quy định khoản 1 Điều 6 của Luật Thi đua, Khen thưởng và Điều 3 Nghị định số 42/2010/NĐ - CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 42/2010/NĐ - CP), cụ thể:

Thi đua dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác, công khai, đảm bảo tinh thần đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển. Việc xét tặng các danh hiệu thi đua phải căn cứ vào phong trào thi đua; mọi cá nhân, tập thể tham gia phong trào thi đua phải có đăng ký giao ước thi đua; xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu thi đua; không đăng ký thi đua sẽ không được xem xét, công nhận các danh hiệu thi đua.

2. Nguyên tắc khen thưởng:

Nguyên tắc khen thưởng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật Thi đua, Khen thưởng và Điều 4 Nghị định số 42/2010/NĐ - CP, cụ thể:

Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời. Thành tích đề nghị khen thưởng phải rõ ràng, cụ thể, đạt được ở mức độ nào thì khen thưởng ở mức độ đó; khen thưởng đột xuất, khen thưởng công lao cống hiến lâu dài không nhất thiết theo trình tự từ mức khen thấp đến mức khen cao; không cộng dồn thành tích đã khen của lần trước để nâng mức khen lần sau; không nhất thiết khen lần sau phải khen cao hơn lần trước. Mỗi hình thức khen thưởng được tặng thưởng nhiều lần cho một đối tượng nhưng khen thưởng lần sau phải có thành tích cao hơn khen thưởng lần trước.

Chú trọng khen thưởng các đơn vị trong điều kiện thực hiện nhiệm vụ khó khăn nhưng đã năng động, sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thành tích có phạm vi ảnh hưởng lớn, nhân rộng được điển hình tiên tiến. Khen thưởng tập thể nhỏ và cá nhân là chính, trước hết các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trực tiếp quản lý các tập thể nhỏ, cá nhân xem xét quyết định khen thưởng kịp thời với các hình thức biểu dương, công nhận danh hiệu thi đua, giấy khen, thưởng vật chất thích hợp. Những trường hợp đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu thì đề nghị cấp trên khen thưởng.

[...]