Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 1186/QĐ-BTP năm 2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Tổ chức cán bộ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 1186/QĐ-BTP
Ngày ban hành 28/06/2023
Ngày có hiệu lực 15/07/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Lê Thành Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1186/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VỤ TỔ CHỨC CÁN BỘ

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Vụ Tổ chức cán bộ là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (sau đây gọi chung là cán bộ), đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, thi đua, khen thưởng của Bộ, ngành Tư pháp theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Vụ Tổ chức cán bộ (sau đây gọi là Vụ) có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Xây dựng, trình Bộ trưởng kế hoạch công tác dài hạn, 05 năm và hàng năm của Vụ; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 05 năm và hàng năm của ngành Tư pháp.

2. Xây dựng, trình Bộ trưởng quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế, cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; tham gia xây dựng, thẩm định, góp ý các dự án, dự thảo văn bản theo phân công của Lãnh đạo Bộ hoặc theo yêu cầu của các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị thuộc các Bộ, ngành khác có liên quan.

3. Tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ.

4. Theo dõi tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ.

5. Rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.

6. Về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm:

a) Tham mưu, đề xuất Bộ trưởng các biện pháp, giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy ngành Tư pháp; thẩm định, trình Bộ trưởng ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các đơn vị thuộc Bộ theo quy định; thẩm định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức thuộc các đơn vị thuộc Bộ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ; hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ;

b) Hướng dẫn việc xây dựng đề án vị trí việc làm trong các đơn vị thuộc Bộ; thẩm định, trình Bộ trưởng phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị thuộc Bộ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.

7. Về quản lý biên chế:

a) Hướng dẫn việc lập kế hoạch biên chế công chức của các đơn vị hành chính và kế hoạch số lượng người làm việc hàng năm của các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên của Bộ Tư pháp theo quy định pháp luật;

b) Tổng hợp, xây dựng kế hoạch biên chế công chức, kế hoạch số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên hàng năm của Bộ Tư pháp để Bộ trưởng xem xét, gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định pháp luật;

c) Trình Bộ trưởng quyết định giao biên chế công chức, số lượng người làm việc đối với các đơn vị thuộc Bộ theo quy định pháp luật.

8. Về quản lý cán bộ:

a) Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ để xây dựng, trình Bộ trưởng quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức; mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với các chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Tư pháp theo quy định pháp luật;

b) Tham mưu, đề xuất Bộ trưởng các giải pháp quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ của Bộ; trình Bộ trưởng phê duyệt số lượng cấp phó của người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ theo quy định pháp luật;

c) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức; bổ nhiệm vào ngạch, nâng ngạch, chuyển ngạch công chức; xét thăng hạng, chuyển chức danh nghề nghiệp viên chức; quy hoạch cán bộ; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, luân chuyển, điều động, biệt phái, miễn nhiệm, từ chức; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho thôi giữ chức vụ kỷ luật; chuyển công tác, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ;

d) Trình Bộ trưởng quyết định việc chọn, cử công chức, viên chức của Bộ đi công tác, học tập ở trong nước và nước ngoài; cho phép công chức, viên chức của Bộ đi nước ngoài về việc riêng; cử cán bộ tham gia các ban chỉ đạo, ban soạn thảo, hội đồng, tổ biên tập và các tổ chức khác theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ;

đ) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện đánh giá cán bộ trong các đơn vị thuộc Bộ theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.

[...]