Quyết định 1152/QĐ-UBND năm 2019 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa

Số hiệu 1152/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/04/2019
Ngày có hiệu lực 02/04/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Đình Xứng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1152/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 02 tháng 4 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VIỆN NÔNG NGHIỆP THANH HÓA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 664/QĐ-TTg ngày 30/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Viện Nông nghiệp Thanh Hóa;

Căn cứ Quyết định số 1100/2017/QĐ-UBND ngày 12/4/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy định về phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 137/TTr-SNV ngày 15/3/2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.

1. Tên gọi: Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.

Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh: Thanh Hoa Agriculture Institute.

2. Vị trí, chức năng:

2.1. Viện Nông nghiệp Thanh Hóa là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập, trực thuộc UBND tỉnh, thực hiện chức năng nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tư vấn về chiến lược phát triển và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

2.2. Viện Nông nghiệp Thanh Hóa hoạt động theo cơ chế tự chủ, bảo đảm chi thường xuyên từ năm 2021.

2.3. Viện Nông nghiệp Thanh Hóa có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc và Ngân hàng thương mại theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2.4. Trụ sở chính của Viện đặt tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn:

3.1. Xây dựng chương trình, dự án, kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào nông nghiệp dài hạn, 5 năm và hàng năm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

3.2. Thực hiện nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ thuộc các lĩnh vực:

a) Nghiên cứu chọn, tạo, sản xuất các loại giống cây trồng nông nghiệp, cây trồng lâm nghiệp, giống vật nuôi, giống thủy sản, giống nấm, vi sinh vật có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản.

b) Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và công nghệ sinh học; công nghệ tiên tiến trong thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và chăn nuôi.

c) Nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu về các loại bệnh trên cây trồng, vật nuôi; nghiên cứu về dịch tễ học và đề xuất các biện pháp phòng trị; nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường đến dịch bệnh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; thử nghiệm các hóa dược, vắcxin trên cây trồng, vật nuôi.

3.3. Lưu giữ, bảo tồn, phát triển và nhân thuần giống cây trồng nông nghiệp, cây lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng và các chủng vi sinh vật, nấm có giá trị kinh tế cao. Tham gia thực hiện dự trữ giống và vật tư nông nghiệp theo phân công của UBND tỉnh và quy định của pháp luật.

3.4. Tuyển chọn, khảo nghiệm và sản xuất thử giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, giống nấm và giống vi sinh vật.

3.5. Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các quy trình kỹ thuật, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản. Nghiên cứu, quan trắc, đánh giá tác động môi trường, biến đổi khí hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; xây dựng, đề xuất các chương trình kiểm soát, giám sát môi trường trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng, cung cấp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ phòng ngừa, cảnh báo dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp.

3.6. Nghiên cứu xác lập các quy định, quy chuẩn an toàn trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với xu thế phát triển hội nhập và điều kiện sản xuất nông nghiệp của tỉnh; phân tích, xét nghiệm, đánh giá các chỉ tiêu liên quan đến sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi; kiểm định, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng giống cây trồng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, các vật tư, sản phẩm nông nghiệp khác, an toàn thực phẩm phục vụ công tác quản lý nhà nước và nhu cầu của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

3.7. Nghiên cứu, đánh giá hệ thống chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, các mô hình hợp tác trong nông nghiệp, các vấn đề về kinh tế, xã hội, môi trường liên quan đến phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh.

3.8. Hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản; đào tạo, liên kết đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật. Tổ chức xuất bản Tạp chí, Bản tin nông nghiệp và phát triển nông thôn, các tài liệu và sách báo chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật.

[...]