Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 1141/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2023-2025 do tỉnh Hải Dương ban hành

Số hiệu 1141/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/06/2023
Ngày có hiệu lực 14/06/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Lưu Văn Bản
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1141/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 14 tháng 6 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN CÔNG ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2023-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công;

Căn cứ Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công; Thông tư số 20/2017/TT-BCT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Căn cứ Thông tư số 28/2018/TT-BTC ngày 28 tháng 03 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công;

Căn cứ Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021- 2025;

Căn cứ Quyết định số 55/2020/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về việc ban hành quy chế quản lý kinh phí khuyến công tỉnh Hải Dương;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1046/TTr-SCT ngày 06 tháng 6 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2023 – 2025 với nội dung như sau:

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN CÔNG GIAI ĐOẠN 2018-2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

1. Khái quát về kết quả triển khai thực hiện chương trình khuyến công giai đoạn 2018 - 2022

- Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình khuyến công địa phương tỉnh Hải Dương giai đoạn 2018-2022, hoạt động khuyến công đã góp phần quan trọng trong việc động viên, khuyến khích, hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) và huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo chủ trương của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội tích cực, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Mặt khác, Chương trình đã tạo cơ hội tốt cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định, tự cải thiện nâng cao điều kiện sống, giải quyết hiệu quả nguồn lao động tại chỗ, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

- Trong giai đoạn 2018-2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 62 cơ sở CNNT đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm thuộc rất nhiều ngành nghề sản xuất như: chế biến nông sản, chế biến gỗ, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, giày da …; tổ chức 02 cuộc bình chọn và đã công nhận gần 100 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; tham gia các cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và cấp quốc gia do Bộ Công Thương tổ chức; tham gia các Hội chợ, triển lãm hàng CNNT tiêu biểu trong và ngoài tỉnh; tổ chức 03 cuộc bình xét và phong tặng danh hiệu cho 26 nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hải Dương; hướng dẫn, lập hồ sơ, thẩm định và trình Hội đồng cấp Bộ bình xét, phong tặng các danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh.

- Trong giai đoạn 2018-2022, tổng kinh phí đã thực hiện các đề án là: 27,692 tỷ đồng, trong đó: kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh là: 10,865 tỷ đồng; kinh phí đối ứng của các cơ sở là: 16,827 tỷ đồng.

2. Một số tồn tại và nguyên nhân

- Bên cạnh kết quả đạt được, công tác khuyến công vẫn còn một số tồn tại như: tác động của khoa học công nghệ đối với các doanh nghiệp CNNT còn hạn chế; tình trạng đầu tư manh mún và thiếu đồng bộ còn tồn tại hầu hết ở các doanh nghiệp, cơ sở CNNT nên hiệu quả đầu tư chưa cao; chất lượng lao động và đào tạo lao động khu vực nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý các doanh nghiệp, các cơ sở CNNT còn thiếu kiến thức về quản trị, thị trường, quản lý sản xuất nên chưa phát huy và khai thác hết tiềm năng và thế mạnh ở khu vực này. Nhiều nội dung hoạt động khuyến công chưa triển khai được. Nhiều cơ sở CNNT rất mong muốn được hỗ trợ nhưng không đủ các điều kiện theo quy định của Nghị định 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ và Quyết định số 55/2020/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Các cơ sở sản xuất CNNT còn phát triển manh mún, phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nhiều cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình khuyến công theo quy định.

- Nguồn kinh phí khuyến công địa phương tuy đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp và các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh, vì vậy, các cơ sở CNNT được hỗ trợ còn chiếm tỷ lệ thấp.

- Nhiều nội dung khuyến công tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ từ năm 2012 cho đến nay không còn phù hợp nên khó có thể triển khai, vì vậy, nội dung hoạt động khuyến công chưa phong phú, chưa đa dạng.

II. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát

- Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế và góp phần xây dựng nông thôn mới theo mục tiêu, định hướng chương trình khuyến công của Chính phủ và chính sách hỗ trợ của tỉnh.

- Tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều biện pháp về hoạt động khuyến công, tăng số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp; hỗ trợ một số cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH trong sản xuất sản phẩm. Ưu tiên hỗ trợ các mô hình phát triển CNNT theo chuỗi từ sản xuất giống, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu chế biến, chế biến sâu các sản phẩm và tiêu thụ hướng tới xuất khẩu.

- Hoàn thiện quy trình quản lý và nâng cao năng lực tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công các cấp.

2. Mục tiêu cụ thể

[...]