Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 1120/QĐ-TTg năm 2007 Về việc phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1120/QĐ-TTg
Ngày ban hành 24/08/2007
Ngày có hiệu lực 24/08/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*****


Số: 1120/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG CÔNG TÁC CỦA THỦ TƯỚNG VÀ CÁC PHÓ THỦ TƯỚNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Luật Tổ chức Chính phủ;
Căn cứ Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 23/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2003,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nguyên tắc phân công và quan hệ công tác giữa Thủ tướng và các Phó Thủ tướng.

1. Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nhiệm vụ và quyền hạn mà Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ đã quy định. Lãnh đạo công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp. Trực tiếp chỉ đạo, điều hành các công việc lớn, quan trọng, các vấn đề có tính chiến lược trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng nhiệm vụ của Chính phủ.

Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng chỉ đạo, xử lý thường xuyên các công việc cụ thể thuộc thẩm quyền của Thủ tướng trong từng lĩnh vực công tác của Chính phủ, ngoại trừ các công việc do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo. Phó Thủ tướng được thay mặt Thủ tướng sử dụng quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết các công việc được phân công.

2. Trong phạm vi quyền hạn và nhiệm vụ được giao, các Phó Thủ tướng chủ động giải quyết công việc; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về những quyết định của mình; những vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm phải kịp thời báo cáo Thủ tướng.

Trong thực thi nhiệm vụ nếu có vấn đề liên quan đến lĩnh vực do Phó Thủ tướng khác phụ trách thì các Phó Thủ tướng chủ động phối hợp với nhau để giải quyết. Trường hợp các Phó Thủ tướng có ý kiến khác nhau thì Phó Thủ tướng đang phụ trách giải quyết công việc đó báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

3. Hàng tuần, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng có buổi họp giao ban để phối hợp xử lý công việc. Thủ tướng quyết định các vấn đề đưa ra giao ban. Tại các buổi họp giao ban, Phó Thủ tướng trực tiếp hoặc ủy nhiệm cho Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng chủ trì đề án trình bày các nội dung công việc cần phối hợp xử lý.

4. Theo yêu cầu công việc, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng có các cuộc họp chung để góp ý kiến về nội dung các đề án lớn sẽ trình Chính phủ hoặc các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

5. Trong trường hợp thấy cần thiết, hoặc khi Phó Thủ tướng vắng mặt thì Thủ tướng trực tiếp xử lý công việc đã phân công cho Phó Thủ tướng. Việc phân công công việc cụ thể giữa các Phó Thủ tướng (quy định tại Điều 3 Quyết định này), tùy tình hình thực tế, Thủ tướng sẽ xem xét điều chỉnh để bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ chung của Chính phủ.

Điều 2. Nội dung công việc được phân công và trách nhiệm, quyền hạn của Phó Thủ tướng.

Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng; Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và trước Quốc hội về nhiệm vụ được giao; trong phạm vi lĩnh vực được phân công, Phó Thủ tướng có trách nhiệm và quyền hạn:

1. Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và ngân sách nhà nước; xây dựng cơ chế, chính sách và các dự án luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Kiểm tra, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách; phát hiện xử lý theo thẩm quyền và đề xuất những vấn đề cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Nếu phát hiện các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương ban hành văn bản hoặc làm những việc trái với pháp luật của Nhà nước, quy định của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ thì đình chỉ việc thi hành và chỉ đạo việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

3. Thường xuyên theo dõi và xử lý các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và các vấn đề liên ngành mà giữa các Bộ trưởng không thống nhất được ý kiến.

4. Theo dõi công tác tổ chức và cán bộ, chỉ đạo việc xử lý những vấn đề nội bộ thuộc các cơ quan được Thủ tướng phân công.

5. Thủ tướng Chính phủ phân công một Phó Thủ tướng làm nhiệm vụ Thường trực để giúp Thủ tướng điều phối các hoạt động chung của Chính phủ theo các chương trình công tác của Chính phủ và theo yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng. Phó Thủ tướng Thường trực được Thủ tướng ủy quyền ký văn bản của Chính phủ và giải quyết các công việc do Thủ tướng trực tiếp phụ trách khi Thủ tướng vắng mặt tại trụ sở Chính phủ.

6. Phó Thủ tướng không xử lý các vấn đề không được Thủ tướng phân công và những vấn đề không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Phân công nhiệm vụ cụ thể của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ.

1. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ:

a) Lãnh đạo, quản lý mọi mặt hoạt động của Chính phủ và trực tiếp chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác sau đây:

- Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và dài hạn của cả nước (bao gồm kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng các nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư phát triển)

- Chiến lược, chính sách tài chính, tín dụng, tiền tệ quốc gia;

- Chiến lược và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của các vùng, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tập đoàn kinh tế và các Tổng công ty 91;

- Phương án sử dụng số vượt thu ngân sách nhà nước hàng năm; chi quốc phòng, an ninh, kinh phí Đảng và các khoản chi từ dự phòng ngân sách trung ương;

[...]