Quyết định 110/QĐ-UBND năm 2022 về Đề án “Tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2025"

Số hiệu 110/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/01/2022
Ngày có hiệu lực 24/01/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Ô Pích
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 110/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 24 tháng 01 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2025”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/ 2019;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17/11/2010;

Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông;

Căn cứ Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản;

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 45/TTr-TNMT ngày 20/01/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2025”.

Điều 2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu giúp UBND tỉnh đôn đốc các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ LĐVP, TKCT, TH, KTN;
+ Cổng thông tin điện tử tỉnh;
+ Lưu: VT, TN.Toàn

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Ô Pích

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 110/QĐ-UBND ngày 24/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

Tỉnh Bắc Giang có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng, gồm nhiều loại khoáng sản như: than, đồng, vàng, cát, sỏi, đất sét gạch, đất san lấp,… Đặc biệt, một số loại khoáng sản có tiềm năng như than trữ lượng tài nguyên khoảng trên 100 triệu tấn, cùng một số loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất san lấp, sét gạch ngói).

Để khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, phát huy lợi thế về tài nguyên khoáng sản của tỉnh, đồng thời đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, trong giai đoạn 2010-2020, UBND tỉnh đã ban hành một số đề án, chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Sau hơn 10 năm thực hiện, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường; hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đã từng bước được chấn chỉnh, dần đi vào nề nếp, khai thác khoáng sản đã gắn với bảo vệ môi trường, công tác đấu giá quyền thăm dò và khai thác khoáng sản được triển khai và thực hiện đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự quy định, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hoạt động khoáng sản trái phép cơ bản đã được ngăn chặn, công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản được giữ vững và ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: vẫn còn tái diễn tình trạng khai thác khoáng sản (cát sỏi, đất san lấp...) sai phép, trái phép chưa được xử lý dứt điểm; một số dự án khai thác khoáng sản còn chậm đi vào hoạt động, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước (về thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường) còn chưa đầy đủ, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của một số đơn vị còn chậm và chưa đầy đủ…

[...]