Quyết định 110-HĐBT năm 1985 về việc tổ chức lại một bước công tác đào tạo của ngành Đại học do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 110-HĐBT
Ngày ban hành 08/04/1985
Ngày có hiệu lực 23/04/1985
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Nguyên Giáp
Lĩnh vực Giáo dục

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 110-HĐBT

Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 1985

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 110-HĐBT NGÀY 8 THÁNG 4 NĂM 1985 VỀ VIỆC TỔ CHỨC LẠI MỘT BƯỚC CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CỦA NGÀNH ĐẠI HỌC

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Thực hiện Nghị quyết số 73-HĐBT ngày 12-7-1983 của Hội đồng Bộ trưởng về công tác giáo dục trong những năm trước mắt;
Căn cứ cuộc họp của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng ngày 15-10-1984 về việc tổ chức lại một bước công tác đào tạo của ngành đại học do đồng chí Bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp trình bày,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp cùng với Uỷ ban Kế hoạch nhà nước, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và các cơ quan có liên quan xây dựng qui hoạch và kế hoạch dài hạn về phát triển ngành đại học và sau đại học phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trên cơ sở đó quy hoạch một mạng lưới trường đại học trên địa bàn cả nước và từng vùng, có kết hợp chặt chẽ với mạng lưới trường Trung học phổ thông, trường trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề. Trước mắt cần tiến hành một số việc sau đây:

Điều 2.- Hình thành một số trường đại học trọng điểm và chuyên ngành trọng điểm.

1. Trường đại học trọng điểm cho cả nước:

a. Củng cố trường đại học Tổng hợp Hà Nội để có cơ cấu hoàn chỉnh về các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, có đội ngũ cán bộ giảng dạy giỏi, có thiết bị đồng bộ và hiện đại thực hiện được chức năng đào tạo cán bộ có trình độ cao cho các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân, cho khoa học, giáo dục và văn hoá. Phải tích cực chuẩn bị đầy đủ để khi có điều kiện sẽ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để trường sớm phát huy vai trò trọng điểm.

b. Trường Đại học Kinh tế kế hoạch Hà Nội, sau này lấy tên là trường Đại học Kinh tế quốc dân, là trường trọng điểm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ kinh tế.

c. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là trường trọng điểm của các ngành kỹ thuật, đào tạo cán bộ cho những ngành công nghiệp quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa.

d. Trường Đại học Hô-xê-mác-ti và trường Đại học Cần Thơ có các ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản (dưới đây gọi chung là nông nghiệp) là hai trường trọng điểm cho các ngành khoa học nông nghiệp.

đ. Trường đại học Y khoa Hà Nội là trường trọng điểm của ngành y.

e. Trường đại học Sư phạm Hà Nội là trường trọng điểm của ngành sư phạm.

2. Các trường trọng điểm cho vùng:

Từng bước xây dựng trường đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Nông nghiệp IV và trường Đại học Y dược (sau này là Viện Đại học Y) thành phố Hồ Chí Minh thành những trường trọng điểm của khu vực phía Nam.

3. Xây dựng một số chuyên ngành trọng điểm, chuyên ngành mũi nhọn trong các trường đại học trọng điểm và các trường đại học ở các vùng. Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp cùng với Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước xác định các chuyên ngành nói trên.

Điều 3.- Để phát huy tác dụng của các trường đại học trên địa bàn cả nước và trong từng vùng, cần có sự phân bố hợp lý các trường đại học hiện có. Ngoài các trường cao đẳng sư phạm và trường cao đẳng y tế đã được phân bố trên địa bàn tỉnh hoặc liên tỉnh, các trường đại học và cao đẳng khác được hình thành tại các trung tâm đại học lớn như sau:

1. Các trường đại học và cao đẳng ở Hà Nội và khu vực lân cận gồm đủ các ngành đào tạo và có nhiều trường trọng điểm phục vụ cho nhu cầu cả nước và các tỉnh phía Bắc.

2. Các trường đại học và cao đẳng ở thành phố Hồ Chí Minh gồm đủ các ngành đào tạo phục vụ chủ yếu cho các tỉnh phía Nam và một phần cho nhu cầu cả nước.

3. Các trường đại học và cao đẳng ở Huế và Đà Nẵng gồm đủ các ngành đào tạo phục vụ chủ yếu cho nhu cầu các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

4. ở Thái Nguyên, trên cơ sở các trường đại học hiện có cần mở thêm một số chuyên ngành đào tạo (về khoa học nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội) phục vụ chủ yếu cho nhu cầu các tỉnh trung du và miền núi Bắc bộ.

5. Đối với vùng Tây Nguyên, cần từng bước bổ sung các ngành đào tạo cần thiết (về khoa học nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội) tại trường Đại học Tây Nguyên và trường Đại học Đà Lạt để phục vụ cho nhu cầu của vùng.

6. ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tích cực kiện toàn trường Đại học Cần Thơ có nhiều chuyên ngành đào tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Điều 4.- Để nhanh chóng ổn định các trường đại học, khai thác có hiệu quả các cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, huy động được lực lượng giáo viên giỏi vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và làm tốt công tác nghiên cứu khoa học, cần xây dựng và sắp xếp lại các trường đại học làm nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho nhiều ngành chuyên môn.

1. Các trường Đại học Tổng hợp có nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho nhu cầu nghiên cứu khoa học, giảng dạy đại học chuyên nghiệp và trường phổ thông trung học và cán bộ phục vụ trong một số ngành sản xuất chủ yếu của nền KTQD. Đối với các trường Đại học Tổng hợp trọng điểm cần mở đủ các ngành đào tạo, củng cố các ngành khoa học xã hội và chuyên ngành tiếng nước ngoài, xây dựng bộ môn giáo dục học.

2. Xây dựng trường Đại học Cần Thơ thành trường có nhiều ngành đào tạo, không tách khoa sư phạm, y, nông nghiệp thành các trường riêng biệt. Thực hiện sự liên kết chặt chẽ giữa trường đại học Cần Thơ với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, các Viện nghiên cứu khoa học khác ở trong vùng.

3. Nhanh chóng xây dựng trường Đại học Tây Nguyên thành trường nhiều ngành không tách các khoa y, nông nghiệp, lâm nghiệp thành những trường đại học riêng biệt. Củng cố trường Đại học Đà Lạt. Thực hiện sự liên kết chặt chẽ giữa trường Đại học Tây Nguyên và Đại học Đà Lạt với các Viện nghiên cứu khoa học trong vùng.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ