Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 11/2012/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 11/2012/QĐ-TTg
Ngày ban hành 10/02/2012
Ngày có hiệu lực 30/03/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2012/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (tờ trình số 4296/TTr-BGTVT ngày 20 tháng 7 năm 2011) về Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia và của các địa phương có liên quan.

2. Phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long phải gắn với đặc điểm địa lý của vùng để đảm bảo giao thông thuận tiện giữa các tỉnh trong vùng, với cả nước và quốc tế.

3. Phát triển hệ thống giao thông theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối đồng bộ giữa các phương thức vận tải, đặc biệt là giao thông đường thủy; đầu tư có trọng điểm các công trình quan trọng bức thiết mang tính đột phá đóng vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng đáp ứng yêu cầu là khu vực đi đầu của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Cần Thơ là cửa ngõ chiến lược về đường biển và hàng không, thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập quốc tế, củng cố an ninh quốc phòng và phát triển bền vững.

4. Nâng cao chất lượng vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức dịch vụ logistics.

5. Phát triển bền vững mạng lưới giao thông vùng đảm bảo phù hợp và đồng bộ với mạng lưới giao thông vận tải quốc gia; chú trọng phát triển giao thông nông thôn và mạng lưới giao thông đô thị, đặc biệt là thành phố Cần Thơ.

6. Kết hợp chặt chẽ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với thủy lợi, kiểm soát lũ để thích ứng và chủ động ứng phó có hiệu quả đối với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

7. Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và kinh doanh vận tải.

8. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển giao thông vận tải Vùng.

9. Dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường công tác đảm bảo hành lang an toàn giao thông; kiềm chế tiến tới giảm thiểu tai nạn giao thông.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu đến năm 2020

a) Về vận tải:

Đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý đảm bảo an toàn, tiện lợi, kiềm chế tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường trên cơ sở tổ chức vận tải hợp lý và phát huy lợi thế về vận tải đường thủy của Vùng; từng bước phát triển vận tải công cộng ở các đô thị, vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics. Các chỉ tiêu cụ thể như sau:

Khối lượng vận tải hành khách đạt 450 ÷ 500 triệu lượt hành khách/năm với tốc độ tăng trưởng bình quân 5,1%/năm, trong đó năng lực thông qua các cảng hàng không - sân bay trong vùng khoảng 11,8 triệu hành khách năm 2020. Vận tải hành khách công cộng tại thành phố Cần Thơ đạt tỷ lệ từ 10% ÷ 15% nhu cầu đi lại và tại các thành phố khác trong vùng đạt tỷ lệ từ 5% ÷ 10% nhu cầu đi lại.

Lượng hàng hóa đạt khoảng 100 ÷ 110 triệu tấn/năm với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,1%/năm, trong đó lượng hàng hóa thông qua các cảng biển đến năm 2020 khoảng 58,5 triệu tấn/năm.

b) Về kết cấu hạ tầng giao thông:

Đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống quốc lộ hiện có; từng bước xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc; đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống đường tỉnh và mở mới một số tuyến cần thiết; tiếp tục phát triển giao thông nông thôn, phấn đấu đến năm 2015 đạt 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, các xã cù lao chưa xây dựng được cầu đường bộ phải có bến phà; 100% đường huyện và tối thiểu 70% đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa; đường huyện đạt tối thiểu cấp V đồng bằng, đường xã đạt tối thiểu cấp VI đồng bằng; xóa bỏ hết cầu khỉ.

Tiến hành nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh đi Mỹ Tho, Cần Thơ vào thời điểm phù hợp.

Phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển và luồng vào cảng; ưu tiên đầu tư các cảng biển chính tại khu vực Cần Thơ và Phú Quốc để đáp ứng nhu cầu vận tải của Vùng và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa; nâng cấp và đầu tư có chiều sâu các cảng sông; xây dựng các bến tàu khách phục vụ cho vận tải hành khách và du lịch.

[...]