Quyết định 1052/QĐ-UBND năm 2012 về Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011-2020

Số hiệu 1052/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/08/2012
Ngày có hiệu lực 08/08/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Nam
Người ký Trần Hồng Nga
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1052/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 08 tháng 8 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THANH NIÊN TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thanh niên ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên;

Căn cứ Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

Xét đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 68/TTr-SNV ngày 26 tháng 7 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2011 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hồng Nga

 

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THANH NIÊN TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1052/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam)

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vai trò, vị trí của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng và đề ra nhiều chủ trương, chính sách để phát huy sức sáng tạo và tiềm năng to lớn của thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển, cống hiến, trưởng thành vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước; thực hiện Nghị Quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa; mặt khác để thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển thanh niên của nhà nước đòi hỏi việc xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và hệ thống giải pháp thực hiện Chiến lược Phát triển thanh niên giai đoạn 2011- 2020 phải phù hợp với điều kiện của địa phương và yêu cầu phát triển thanh niên trong thời kỳ mới;

Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Chương trình phát triển thanh niên Hà Nam giai đoạn 2011-2020 với các nội dung sau:

I. TÌNH HÌNH THANH NIÊN VÀ CÔNG TÁC THANH NIÊN HIỆN NAY

1. Tình hình thanh niên

Tỉnh Hà Nam hiện có hơn 218.000 thanh niên, chiếm gần 25% dân số toàn tỉnh và gần 50% lực lượng lao động. Đây là lực lượng lao động có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói chung và sự phát triển của Hà Nam nói riêng.

Cùng với sự phát triển của đất nước, những năm qua nhìn chung đời sống vật chất, tinh thần thanh niên trong tỉnh từng bước được nâng cao, sức khoẻ và tình trạng thể chất ngày càng được cải thiện. Đại bộ phận thanh niên trong tỉnh tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới của đất nước, có ý chí vươn lên không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, tích cực học tập, rèn luyện chuẩn bị hành trang để lập thân, lập nghiệp, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, có tinh thần xung phong tình nguyện, có ý thức chia sẻ với cộng đồng, với tinh thần tương thân, tương ái đã và đang khơi dậy, trở thành xu hướng chủ đạo lôi cuốn đông đảo thanh niên tỉnh nhà.

Tuy nhiên, thanh niên Hà Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: vấn đề việc làm, điều kiện phát triển về thể chất và tinh thần… Một bộ phận không nhỏ nghề nghiệp không ổn định; trình độ tay nghề cao còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực trẻ còn nhiều hạn chế so với yêu cầu phát triển của xã hội. Điều kiện vui chơi, giải trí lành mạnh để phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần còn hạn chế; tỷ lệ thanh niên vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma tuý có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Một bộ phận khác có lối sống thực dụng, lười lao động, thích hưởng thụ, ngại khó khăn, một số có biểu hiện suy giảm niềm tin, thiếu lý tưởng hoài bão, bàng quan trước diễn biến của tình hình xã hội…

2. Công tác thanh niên

Những năm qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên. Đã có những biện pháp để huy động và tổ chức cho lực lượng thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tăng cường chăm lo giáo dục, bồi dưỡng thanh niên. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương thường xuyên phối hợp với Đoàn Thanh niên thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên trong tỉnh có nhiều chuyển biến về nội dung, hình thức. Phong trào thanh niên ngày càng phát triển, tập hợp thu hút được đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng tại địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong chiến lược phát triển chưa có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và mang tính đột phá, tạo sự chuyển biến tích cực hơn trong nhận thức của các ngành, các cấp trong công tác chăm lo phát triển thanh niên. Vẫn còn có những vấn đề bức xúc trong thanh niên chưa được giải quyết kịp thời. Bộ máy quản lý công tác thanh niên chậm được kiện toàn, một số cán bộ ở các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước chưa làm hết vai trò, trách nhiệm đối với công tác thanh niên. Vì thế chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để chăm lo, bồi dưỡng phát triển và phát huy tiềm năng của thanh niên.

[...]