Quyết định 104/2001/QĐ-TTg về việc thành lập Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
Số hiệu | 104/2001/QĐ-TTg |
Ngày ban hành | 10/07/2001 |
Ngày có hiệu lực | 25/07/2001 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 104/2001/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 104/2001/QĐ-TTG NGÀY 10 THÁNG 7 NĂM 2001 VỀ VIỆC THÀNH LẬP CỤC ĐĂNG KÝ QUỐC GIA GIAO DỊCH BẢO ĐẢM THUỘC BỘ TƯ PHÁP
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;
Để quản lý và thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp để thực hiện việc quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, tổ chức việc đăng ký, cung cấp thông tin về các giao dịch bảo đảm theo thẩm quyền.
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội.
Điều 2. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Xây dựng, tham gia xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm để Bộ Tư pháp trình Chính phủ hoặc Bộ Tư pháp ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm;
2. Trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ đối với công tác đăng ký giao dịch bảo đảm, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định đó; quản lý, hướng dẫn thống nhất việc sử dụng các mẫu đơn, giấy tờ, sổ đăng ký, tổ chức, quản lý Hệ thống dữ liệu quốc gia các giao dịch bảo đảm;
3. Thực hiện việc đăng ký các giao dịch bảo đảm theo thẩm quyền; cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm được lưu giữ trong Hệ thống dữ liệu quốc gia các giao dịch bảo đảm;
4. Chỉ đạo, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng đăng ký cho đội ngũ cán bộ đăng ký giao dịch bảo đảm;
5. Thống kê đăng ký giao dịch bảo đảm, tổng hợp và báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp về công tác đăng ký giao dịch bảo đảm trong toàn quốc;
6. Kiểm tra về tổ chức và hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đăng ký giao dịch bảo đảm theo thẩm quyền;
7. Thực hiện việc hợp tác quốc tế về đăng ký giao dịch bảo đảm theo phân công của Bộ Tư pháp.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; bổ nhiệm lãnh đạo của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.
Điều 4. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm có một số chi nhánh đặt tại địa phương.
Chi nhánh của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm theo thẩm quyền.
Chi nhánh của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm có con dấu và tài khoản riêng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc thành lập Chi nhánh của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, bổ nhiệm lãnh đạo của Chi nhánh.
Điều 5. Bộ Tư pháp phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Quyết định này.
Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm có hiệu quả.
Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ban hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |