UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
10/2007/QĐ-UBND
|
Lai Châu, ngày 09 tháng 5 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ SOẠN THẢO, TRÌNH
KÝ, PHÁT HÀNH VĂN BẢN CỦA UBND TỈNH
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật Tổ
chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định
số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND;
Căn cứ vào Nghị
định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư lưu trữ;
Căn cứ vào quy
chế làm việc của UBND tỉnh Lai Châu ban hành kèm theo quyết định số
60/2006/QĐ-UBND ngày 18/9/2006 của UBND tỉnh Lai Châu;
Xét đề nghị của
Chánh Văn phòng UBND tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành quy
định trình tự soạn thảo, trình ký, phát hành văn bản của UBND tỉnh kèm theo Quyết
định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn
phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị, Giám đốc các ngành, Trưởng các
Ban thuộc UBND tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Lò Văn Giàng
|
QUY ĐỊNH
TRÌNH TỰ SOẠN THẢO, TRÌNH KÝ, BAN HÀNH CÁC VĂN
BẢN CỦA UBND TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2007 của
UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Các văn bản do UBND tỉnh ban hành nói trong
quy định này là các văn bản quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý kinh tế
được xây dựng trong quá trình chỉ đạo điều hành của UBND, Chủ tịch, các Phó Chủ
tịch UBND tỉnh phù hợp với luật pháp, các quy định của các cơ quan quản lý cấp
trên, thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh bao gồm:
a) Văn bản quy phạm
pháp luật
- Quyết định của
UBND tỉnh.
- Chỉ thị của UBND
tỉnh.
b) Văn bản không
phải văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).
- Chỉ thị của UBND
tỉnh.
- Quyết định của
UBND tỉnh.
- Báo cáo (Báo cáo
định kỳ và báo cáo chuyên đề).
- Tờ trình của
UBND tỉnh.
- Công văn của
UBND tỉnh.
- Thông báo.
- Công điện.
Điều 2.
a) Việc soạn thảo văn bản của UBND tỉnh là trách nhiệm của các Ban,
ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh và Văn phòng UBND theo sự phân công hoặc giao
nhiệm vụ trong chương trình công tác hàng năm của UBND tỉnh hay công văn giao
nhiệm vụ cho các cơ quan có nhiệm vụ soạn thảo.
b) Việc soạn thảo,
thẩm định, trình ký, phát hành văn bản của UBND tỉnh phải tuân theo trình tự
quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND. Nghị định
số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; Nghị định số
110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư lưu trữ. Thông
tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng
Chính phủ về thể thức và kỹ thuật soạn thảo văn bản, quy chế làm việc của UBND
tỉnh và các quy định tại Quyết định này.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Soạn thảo
văn bản
- Căn cứ vào phân
công của UBND tỉnh cơ quan được giao soạn thảo văn phải tiến hành khảo sát thực
trạng các mối quan hệ và các lĩnh vực có liên quan, nghiên cứu chủ trương chính
sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của HĐND tỉnh và các tư liệu có
liên quan để soạn thảo.
- Tuỳ theo thể loại
văn bản và nội dung văn bản cần thể hiện cơ quan soạn thảo văn bản phải tổ chức
lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, địa phương và các cán bộ có liên quan để hoàn
thiện, chỉnh sửa văn bản dự thảo trình cấp có thẩm quyền xem xét trước khi ban
hành.
- Đối với các văn
bản quy phạm pháp luật trước khi trình UBND tỉnh xem xét cơ quan soạn thảo phải
gửi Sở Tư pháp thẩm định và gửi văn bản dự thảo kèm theo văn bản thẩm định của
Sở Tư pháp tới Văn phòng UBND tỉnh.
- Cơ quan Văn
phòng UBND tỉnh là nơi tiếp nhận các văn bản dự thảo của các cơ quan chức năng
trình UBND tỉnh ban hành.
- Thời gian để
hoàn chỉnh văn bản dự thảo được ghi trong quyết định hoặc công văn giao nhiệm vụ
của UBND tỉnh.
Điều 4. Thẩm định văn bản trước khi trình ký chính thức
Khi nhận được văn
bản dự thảo do cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản gửi đến Văn phòng
UBND tỉnh phải tiến hành kiểm tra các thủ tục trình văn bản và thể thức văn bản.
Hồ sơ trình văn bản
gồm:
a) Đối với văn bản
quy phạm pháp luật:
Cơ quan soạn thảo
phải gửi đủ các văn bản sau đây đến Văn phòng UBND tỉnh.
+ Văn bản dự thảo
đã được chỉnh sửa sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý của các ngành, địa phương,
cá nhân có liên quan (kể cả đĩa mềm ghi văn bản dự thảo).
+ Bản tổng hợp ý
kiến góp ý (qua hội thảo hoặc phiếu trưng cầu ý kiến).
+ Tờ trình ban
hành văn bản.
+ Các tài liệu có
liên quan đến nội dung văn bản dự thảo.
+ Văn bản thẩm định
của Sở Tư pháp tỉnh.
b) Đối với các văn
bản không phải văn bản quy phạm pháp luật hồ sơ trình gồm:
+ Văn bản dự thảo
đã được chỉnh sửa bổ sung (sau khi tiếp thu ý kiến góp ý) kèm theo đĩa mềm chứa
đựng văn bản dự thảo.
+ Tờ trình ban
hành văn bản của cơ quan soạn thảo.
+ Trong trường hợp
theo quy định phải có ý kiến thẩm định của cơ quan chức năng chuyên ngành thì
phải gửi cả văn bản thẩm định đó kèm theo văn bản dự thảo.
c) Đối với các cơ
quan đã nối mạng tin học với Văn phòng UBND tỉnh thì có thể chuyển văn bản dự
thảo đã được tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung cho Văn phòng UBND tỉnh qua mạng tin
học văn phòng diện rộng.
d) Văn phòng UBND
tỉnh nhận văn bản dự thảo để trình ký qua hệ thống bưu điện hoặc nhận trực tiếp
tại bộ phận văn thư (nơi tiếp nhận công văn đến) để đăng ký văn bản đến.
Văn phòng UBND tỉnh
không tiếp nhận các văn bản do cá nhân hoặc cơ quan không được giao nhiệm vụ soạn
thảo văn bản cầm trực tiếp văn bản đến trình ký.
Điều 5. Trình ký chính thức văn bản
- Trong thời gian
5 ngày làm việc sau khi nhận được văn bản dự thảo đã được cơ quan soạn thảo gửi
đến. Văn phòng UBND tỉnh giao cho Chuyên viên phụ trách lĩnh vực kiểm tra về thủ
tục trình văn bản và thể thức văn bản (bao gồm hình thức thể hiện, chỉnh sửa văn
phạm và lỗi chính tả, phát hiện các nội dung trái quy định) để chỉnh sửa lần cuối.
Sau đó lập phiếu trình ký văn bản (kèm theo văn bản dự thảo đã chỉnh sửa) gửi
Chánh Văn phòng xem xét trình Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh xem xét ký
chính thức vào bản chính văn bản (trừ các văn bản phải đưa ra thảo luận trong tập
thể UBND tỉnh). Trường hợp phát hiện những nội dung trái quy định hoặc chưa rõ
cần chỉnh sửa Văn phòng UBND tỉnh phải thảo luận thống nhất với cơ quan được
giao soạn thảo về nội dung chỉnh sửa.
- Chánh Văn phòng
có thể giao cho các Phó Văn phòng trình ký văn bản khi mình đi vắng hoặc ký
trình các văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
- Chủ tịch UBND,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh và người được quyền ký văn bản của UBND tỉnh thực hiện ký
trực tiếp vào văn bản ( bằng chữ ký đã được đăng ký và giới thiệu tới các cơ
quan). Đồng thời ký duyệt vào phiếu trình văn bản của Văn phòng UBND tỉnh.
- Các ý kiến giải
quyết công việc được Chủ tịch, các Phó Chủ tịch bút phê ở các văn bản xin ý kiến
hoặc trình của các ngành, các huyện thị phải được thể hiện nội dung đó bằng một
văn bản cụ thể để trình ký. Văn thư không được đóng dấu vào chữ ký của Chủ tịch,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt ở góc hoặc cuối văn bản trình xin ý kiến.
Điều 6. Thẩm quyền ký văn bản của UBND tỉnh.
- Chủ tịch UBND tỉnh
thay mặt UBND tỉnh ký các văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh (thuộc thẩm
quyền chung của UBND) Chủ tịch UBND có thể uỷ quyền cho Phó Chủ tịch UBND ký
khi đi công tác vắng mặt.
- Các văn bản khác
do Chủ tịch UBND tỉnh ký hoặc uỷ quyền cho các Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực
ký thay Chủ tịch (Theo quy chế làm việc của UBND tỉnh).
- Chánh Văn phòng
UBND tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh giao ký thừa lệnh các công văn thông thường,
thông báo, giấy mời họp và bản sao các văn bản chính.
- Người ký thay,
ký thừa lệnh phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về các văn bản được
giao ký thay, ký thừa lệnh đồng thời phải báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những văn
bản mình đã ký thay Chủ tịch khi Chủ tịch đi vắng.
Điều 7. In và phát
hành văn bản
Văn bản sau khi được
người có thẩm quyền ký chính thức phải được in và phát hành tới nơi nhận. Việc
in và phát hành văn bản được thực hiện như sau:
a) Đối với văn bản
quy phạm pháp luật.
Việc in, nhân bản
và phát hành văn bản QPPL do Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm
b) Đối với các văn
bản không phải là văn bản QPPL việc in và nhân bản do cơ quan được giao soạn thảo
văn bản chịu trách nhiệm. Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm phát hành văn bản.
Việc gửi văn bản đến
nơi nhận theo quy định hiện hành và theo chế độ bảo mật (nếu là văn bản được
xác định các độ mật). Không gửi văn bản đến nơi không có liên quan đến việc
thực hiện hoặc giải quyết các nội dung văn bản đề cập.
Các văn bản qui phạm
pháp luật phải đăng trên Báo Lai Châu và gửi tới Trung tâm Công báo tỉnh để
biên tập vào Công báo tỉnh hàng tháng.
Điều 8. Lưu văn bản
Tất cả các văn bản
của UBND tỉnh ban hành đều phải thực hiện lưu trữ và bảo quản theo quy định hiện
hành của Pháp lệnh Lưu trữ Quốc gia.
Văn phòng UBND tỉnh
chịu trách nhiệm tổ chức việc lưu trữ các bản chính của văn bản kèm theo phiếu
trình ký văn bản, chịu trách nhiệm bảo quản tại kho lưu trữ của văn phòng để phục
vụ tra cứu sử dụng khi cần thiết.
Điều 9. Rà soát, bổ sung, sửa đổi văn bản của UBND tỉnh.
Hàng năm theo định
kỳ Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp và cơ quan có
liên quan tổ chức rà soát các văn bản của UBND tỉnh đã ban hành, đối chiếu với
các quy định mới nhất để báo cáo với UBND tỉnh về các nội dung cần sửa đổi bổ
sung cho phù hợp với Luật và các quy định hiện hành của Nhà nước hoặc đề xuất với
UBND tỉnh ra quyết định các văn bản hết hiệu lực thi hành.
Việc sửa đổi, bổ
sung văn bản của UBND theo quy trình như soạn thảo văn bản mới.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi
hành quy trình soạn thảo, thẩm định, trình ký, in ấn, phát hành văn bản của
UBND tỉnh tuân theo các quy định của pháp luật và các quy định tại Quyết định
này.
Giám đốc Sở Tư
pháp và Chánh Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm kiểm tra đôn đốc thực hiện
các quy định tại Quyết định này./.