ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
08/2024/QĐ-UBND
|
Thái Bình, ngày
17 tháng 4 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH ĐỊA ĐIỂM ĐỔ THẢI, NHẬN CHÌM ĐỐI VỚI VẬT CHẤT NẠO VÉT TỪ HỆ THỐNG
GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA, VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN VÀ VÙNG BIỂN CỦA TỈNH THÁI
BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày
15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11
năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng
11 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển
và vùng nước đường thủy nội địa;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01
năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 28/2019/TT-BTNMT ngày
31/12/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo
vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam; Thông tư số
23/2022/TT-BTNMT ngày 26/12/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 28/2019/TT-BTNMT;
Căn cứ Thông tư số 33/2019/TT-BGTVT ngày 06
tháng 9 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về hoạt động nạo
vét trong vùng nước đường thủy nội địa;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường tại Tờ trình số 417/TTr-STNMT ngày 09/8/2023, Công văn số
3193/STNMT-QLMT ngày 31/10/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định địa điểm đổ thải,
nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa,
vùng nước cảng biển và vùng biển của tỉnh Thái Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 4 năm 2024.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên
và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ban, ngành đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các
cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức đoàn thể thuộc tỉnh;
- Như Điều 3;
- Công báo tỉnh;
- Báo Thái Bình;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NNTNMT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lại Văn Hoàn
|
QUY ĐỊNH
ĐỊA
ĐIỂM ĐỔ THẢI, NHẬN CHÌM ĐỐI VỚI VẬT CHẤT NẠO VÉT TỪ HỆ THỐNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG
THỦY NỘI ĐỊA, VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN VÀ VÙNG BIỂN CỦA TỈNH THÁI BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2024/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2024 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định việc xác định địa điểm đổ
thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội
địa, vùng nước cảng biển và vùng biển của tỉnh Thái Bình thuộc thẩm quyền quản
lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 6 Điều 65 Luật Bảo vệ môi
trường năm 2020.
2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hoạt động
liên quan đến địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống
giao thông đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển của tỉnh Thái
Bình.
Điều 2. Nguyên tắc áp dụng
Quyết định này là cơ sở pháp lý để các cơ quan, tổ
chức, cá nhân áp dụng thống nhất trong quá trình quy hoạch, xây dựng, lựa chọn địa
điểm để đổ thải, nhận chìm thực hiện các dự án liên quan đến hoạt động nạo vét
trong vùng nước đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển của tỉnh
Thái Bình; nhằm mục đích hạn chế những tác hại gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm
trật tự an toàn xã hội.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Địa điểm đổ thải, nhận chìm là phạm vi có thể
quy hoạch chứa các vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa,
vùng nước cảng biển và vùng biển của tỉnh Thái Bình.
2. Vật chất nạo vét là vật chất ở thể rắn, lỏng được
nạo vét dưới đáy của vùng nước đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng
biển của tỉnh Thái Bình không thuộc hoạt động nạo vét thu hồi sản phẩm.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Quy định về địa điểm đổ
thải, nhận chìm
1. Điều kiện xác định địa điểm đổ thải, nhận chìm
a) Địa điểm đổ thải, nhận chìm có quy mô đáp ứng
duy trì hoạt động ổn định, an toàn, tuân thủ các quy định của luật pháp có liên
quan, không tạo ra các xung đột về lợi ích và môi trường;
b) Địa điểm đổ thải phải phù hợp với quy hoạch, kế
hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan của Trung ương và địa
phương; được xem xét trên cơ sở các điều kiện về địa chất, thủy văn, không làm
cản trở dòng chảy và thoát lũ, không nằm ở vị trí đầu nguồn nước, đảm bảo tuân
thủ các quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai, bảo
vệ môi trường và quy định về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối
với các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã được cấp phép trên địa
bàn tỉnh.
Khu vực biển được sử dụng để nhận chìm phù hợp với
quy hoạch sử dụng không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng
bền vững tài nguyên vùng bờ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp Quy
hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững
tài nguyên vùng bờ chưa có hoặc đã được phê duyệt nhưng không thể hiện khu vực
biển đề nghị được sử dụng để nhận chìm thì căn cứ vào một trong các quy hoạch
đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt ưu tiên theo thứ tự sau đây:
Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch đơn vị hành
chính- kinh tế đặc biệt; Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Trường
hợp chưa có các quy hoạch nêu trên, thì khu vực biển đề nghị nhận chìm được xem
xét trên cơ sở báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Khu vực nhận
chìm chất nạo vét ở biển được xác định theo quy định kỹ thuật tại Chương III của
Thông tư số 28/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 và Thông tư số 23/2022/TT-BTNMT
ngày 26/12/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
c) Địa điểm đổ thải, nhận chìm có vị trí thuận lợi
để đảm bảo việc thu gom vật chất nạo vét từ vùng nước đường thủy nội địa, vùng
nước cảng biển đáp ứng được các quy định pháp luật về khoảng cách an toàn đến
khu vực dân cư sinh sống tập trung, trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa xã
hội, di tích lịch sử, trung tâm công nghiệp, các nguồn nước, sông, hồ..., không
làm ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân. Nếu thực hiện đổ thải lên khu
đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải được sự đồng thuận
của tổ chức, cá nhân trong khu vực và đúng quy định của pháp luật. Phải đảm bảo
việc đổ thải không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các khu vực nêu
trên.
2. Quy định địa điểm đổ thải, nhận chìm
a) Địa điểm đổ thải phải được Ủy ban nhân dân tỉnh
công bố địa điểm đổ chất nạo vét theo quy định tại Điều 47 Nghị định số
159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ hoặc được Ủy ban nhân dân tỉnh bố
trí và chấp thuận bằng văn bản vị trí đổ vật chất nạo vét theo quy định tại khoản
3 Điều 7 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ, có diện
tích đáp ứng nhu cầu đổ thải vật chất nạo vét của từng dự án cụ thể.
b) Địa điểm đổ thải, nhận chìm có vị trí thuận lợi
để đảm bảo việc thu gom vật chất nạo vét từ vùng nước đường thủy nội địa, vùng
nước cảng biển và vùng biển đáp ứng được các quy định pháp luật về khoảng cách
an toàn đến khu vực dân cư sinh sống tập trung, trường học, bệnh viện, trung
tâm văn hóa xã hội, di tích lịch sử, trung tâm công nghiệp, các nguồn nước,
sông, hồ..., không làm ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân. Nếu thực
hiện đổ thải lên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì
phải được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân trong khu vực và đúng quy định của
pháp luật. Phải đảm bảo việc đổ thải không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường
của các khu vực nêu trên.
Chương III
TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA
CÁC BÊN CÓ LIÊN QUAN
Điều 5. Trách nhiệm quản lý nhà
nước về địa điểm đổ thải
1. Sở Giao thông vận tải
a) Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá
nhân có liên quan việc thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý vật chất nạo vét từ
vùng nước đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển đến địa điểm đổ thải.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường,
Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thanh tra, kiểm tra công tác thu gom, xử lý, vận
chuyển vật chất nạo vét từ vùng nước đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và
vùng biển của tỉnh Thái Bình.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên
quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh: Hàng năm
trước ngày 31 tháng 12, dự kiến diện tích, lượng vật chất nạo vét phát sinh từ
vùng nước đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển của năm tiếp theo gửi Ủy ban
nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường để làm căn cứ tính toán, thực hiện
công bố địa điểm đổ thải, nhận chìm chất nạo vét trên bờ và ngoài biển; quản lý
các địa điểm đổ thải, nhận chìm trên địa bàn tỉnh sau khi được phê duyệt.
b) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác
quan trắc và giám sát môi trường đối với các vị trí đổ thải, nhận chìm hàng năm
theo nhiệm vụ được giao.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Phối hợp thẩm định phương án đổ thải đối với các
dự án nạo vét các công trình thủy lợi là tuyến đường thủy nội địa thuộc phạm vi
quản lý của tỉnh Thái Bình cần đổ thải do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu
tư.
b) Phối hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm
định phương án đổ thải đối với các dự án nạo vét là tuyến đường thủy nội địa
thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thái Bình cần đổ thải do Ủy ban nhân dân cấp huyện
quyết định đầu tư.
4. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
a) Phối hợp với chủ đầu tư dự án nạo vét vùng nước
đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và các sở, ngành có liên quan tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh lựa chọn, chấp thuận vị trí để sử dụng làm địa điểm đổ thải,
nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ vùng nước đường thủy nội địa, vùng nước cảng
biển và vùng biển của tỉnh Thái Bình; quản lý các địa điểm đổ thải, nhận chìm
thuộc quyền quản lý.
b) Phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan
có liên quan để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao
thông đường thủy nội địa, hàng hải tại địa phương theo phân cấp.
c) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các tổ
chức, cá nhân thực hiện hoạt động nạo vét trong vùng nước đường thủy nội địa,
vùng nước cảng biển chấp hành các quy định quản lý vật chất nạo vét và các quy
định khác có liên quan; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm quy
định pháp luật về vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý.
d) Tổ chức tuyên truyền các quy định của Ủy ban
nhân dân tỉnh về quản lý vật chất nạo vét từ vùng nước đường thủy nội địa, vùng
nước cảng biển và giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Điều 6. Trách nhiệm của Chủ đầu
tư thực hiện dự án
1. Hoàn thiện thủ tục hành chính về môi trường cho
Dự án theo quy định.
2. Chủ đầu tư, nhà đầu tư công trình nạo vét trong
vùng nước đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển chịu trách nhiệm
tổ chức giám sát công tác thi công, đổ chất nạo vét trong suốt thời gian từ khi
bắt đầu đến khi kết thúc hoạt động nạo vét, bao gồm và không giới hạn bởi các nội
dung sau:
a) Tổ chức giám sát chặt chẽ phương tiện thi công nạo
vét đảm bảo thi công đúng phạm vi, thiết kế công trình;
b) Tổ chức giám sát chặt chẽ phương tiện vận chuyển
đổ chất nạo vét, hành trình của các phương tiện tại vị trí được cơ quan có thẩm
quyền cấp phép phê duyệt;
c) Tổ chức kiểm tra, giám sát lắp đặt, duy trì hoạt
động hệ thống giám sát nạo vét, tổ chức quản lý dữ liệu của hệ thống giám sát nạo
vét và được kết nối với hệ thống giám sát của cơ quan có thẩm quyền để đáp ứng
yêu cầu quản lý, kiểm tra giám sát, tra cứu dữ liệu khi có yêu cầu của cơ quan
có thẩm quyền;
d) Tổ chức giám sát thi công nạo vét bảo đảm các
yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường và các yêu cầu khác theo quy định pháp luật.
3. Yêu cầu đối với hệ thống giám sát nạo vét:
a) Hệ thống giám sát nạo vét lắp đặt trên phương tiện
thi công: Thiết bị AIS để tự động cung cấp thông tin về vị trí thi công của
phương tiện;
b) Hệ thống giám sát nạo vét lắp đặt trên phương tiện
vận chuyển, đổ chất nạo vét gồm: Thiết bị AIS cung cấp thông tin về hành trình
di chuyển của phương tiện; thiết bị ghi hình cung cấp các hình ảnh khoang chứa
chất nạo vét từ khi bắt đầu tiếp nhận chất nạo vét, trong suốt hành trình di
chuyển đến vị trí đổ, bắt đầu đổ cho đến khi kết thúc đổ chất nạo vét tại vị
trí quy định;
c) Hệ thống giám sát nạo vét phải được lắp đặt tại
vị trí phù hợp, cố định trên phương tiện thi công, phương tiện vận chuyển đổ chất
nạo vét, thuận lợi cho việc ghi nhận lưu trữ đầy đủ dữ liệu, hình ảnh, có biện
pháp chống các tác động làm sai lệch dữ liệu (như kẹp chì, niêm phong,...), bảo
đảm điều kiện hoạt động liên tục và ổn định trong suốt thời gian thi công.
4. Phương tiện thi công nạo vét phải đảm bảo các
yêu cầu về bảo vệ môi trường, không làm rơi vãi chất nạo vét trong quá trình
thi công, vận chuyển.
Điều 7. Trách nhiệm của các tổ
chức, cá nhân trong việc vận chuyển, đổ thải, nhận chìm chất thải nạo vét
1. Thực hiện đổ thải, nhận chìm đúng phạm vi, vị
trí được cấp phép.
2. Việc thu gom, vận chuyển vật chất nạo vét phải hạn
chế thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, giao thông, nuôi trồng
thủy, hải sản.
3. Thu gom, vận chuyển đối với vật chất nạo vét có
tạp chất ô nhiễm thực hiện theo đúng quy định hiện hành về quản lý chất thải.
4. Khuyến khích sử dụng kỹ thuật tiên tiến trong
thu gom, vận chuyển vật chất nạo vét; khuyến khích sử dụng kỹ thuật, công nghệ
tách nước, phơi khô vật chất nạo vét trước khi vận chuyển.
Điều 8. Trách nhiệm của các tổ
chức, cá nhân tiếp nhận chất nạo vét
1. Đảm bảo sử dụng đúng mục đích đất đã được cơ
quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.
2. Giám sát việc đổ thải vật chất nạo vét bảo đảm
đúng vị trí, phạm vi đã được cấp phép.
Chương IV.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Căn cứ nội dung Quy định này, các Giám đốc Sở: Tài nguyên và
Môi trường, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng
các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố theo
chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn, thực hiện và kiểm tra việc thực
hiện Quy định này.
Điều 10. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc hoặc Nhà
nước ban hành những quy định khác có liên quan đến các nội dung trong Quy định
này, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải căn cứ chức năng, nhiệm
vụ được giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành và các đơn vị
có liên quan đề xuất nội dung cần điều chỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét
quyết định. Trường hợp các Văn bản dẫn chiếu tại Quy định này được sửa đổi, bổ
sung, thay thế thì thực hiện theo các Văn bản mới được ban hành./.