ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 06/2021/QĐ-UBND
|
Tiền Giang,
ngày 30 tháng 3 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
SỬA ĐỔI,
BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 04/2015/QĐ-UBND NGÀY 09 THÁNG 02 NĂM 2015
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ÁP DỤNG QUY
TRÌNH THỰC HÀNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỐT TRONG NÔNG NGHIỆP, THỦY SẢN TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH TIỀN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Quyết định số
01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số
chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt
trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
Căn cứ Thông tư số
53/2012/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 10 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp,
thủy sản được hỗ trợ theo Quyết định số
01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số
chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt
trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
Căn cứ Thông tư số
48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 9 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp
với Quy trình thực hành nông nghiệp tốt; Thông tư số 06/2018/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn sửa đổi Thông tư số 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 9
năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
42/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch
và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm
2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình
thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
Căn cứ Thông tư số 75/2019/TT-BTC
ngày 04 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng
kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông;
Căn cứ Nghị quyết số
02/2020/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang quy định nội dung chi, mức hỗ trợ các hoạt động khuyến nông
trên địa bàn tỉnh Tiền Giang;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1116/TTr-SNN&PTNT ngày 09
tháng 3 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa
đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND ngày 09 tháng 02 năm
2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành chính sách hỗ trợ áp dụng Quy
trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản trên địa
bàn tỉnh Tiền Giang.
1. Khoản 1, khoản
2 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Quy trình thực hành sản xuất nông
nghiệp tốt (VietGAP: Vietnamese Good Agricultural Practices, GlobalGAP: Global
Good Agricultural Practice) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
và các tiêu chuẩn GAP khác; tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ được Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận cho áp dụng.
2. Áp dụng quy trình thực hành sản xuất
nông nghiệp tốt là áp dụng một trong các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn sau:
a) Quy trình thực hành sản xuất nông
nghiệp tốt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc GAP khác hoặc
các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận cho áp dụng.
b) Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ:
Tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc tiêu chuẩn Quốc gia về sản xuất
nông nghiệp hữu cơ do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố hoặc Tiêu chuẩn nông
nghiệp hữu cơ khác được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho áp
dụng.
c) Tiêu chuẩn kỹ thuật, Quy chuẩn kỹ
thuật, quy trình, quy phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực
phẩm trong sản xuất, sơ chế do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa
học và Công nghệ ban hành theo Mục A, phụ lục 1 ban hành kèm theo Quyết định
này.”.
2. Khoản 2, khoản
3 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“ 2. Sản phẩm chăn nuôi: heo, bò thịt,
bò sữa, dê thịt, dê sữa, gia cầm, thủy cầm, ong.
3. Sản phẩm thủy sản: cá tra, tôm sú,
tôm thẻ chân trắng, cá rô phi, ếch, lươn, tôm càng xanh, cá thát lát.”.
3. Khoản 4, khoản
7 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“4. Đối với chăn nuôi: Cơ sở phải đáp
ứng các điều kiện đăng ký chăn nuôi theo quy định hiện hành về quản lý hoạt động
chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và ấp
trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.”
“7. Chỉ hỗ trợ áp dụng quy trình thực
hành sản xuất nông nghiệp tốt cho 01 (một) chu kỳ sản xuất của từng loại sản phẩm
nhưng thời gian thực hiện tối đa không quá 12 tháng đối với tiêu chuẩn VietGAP;
không quá thời gian quy định của TCVN (Tiêu chuẩn Quốc gia của Việt Nam) hoặc
quy định của tiêu chuẩn đăng ký áp dụng đối với từng loại sản phẩm sản xuất để
đủ điều kiện chứng nhận đối với tiêu chuẩn hữu cơ, GlobalGAP.
Trong thời gian thực hiện quy trình sản
xuất nếu vì lý do bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh) không thể kết thúc trong
thời hạn nêu trên thì được gia hạn thời gian thực hiện nhưng tối đa không quá 6
tháng đối với chứng nhận VietGAP, không quá 12 tháng đối với chứng nhận hữu cơ,
GlobalGAP tại TCVN hoặc quy định của tiêu chuẩn đăng ký áp dụng.”.
4. Khoản 3, khoản
4 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Hỗ trợ 01 (một) lần kinh phí cho
cơ sở đăng ký tham gia áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt
trong sản xuất, sơ chế. Cụ thể như sau:
a) Đối với sản xuất lúa, rau, quả, nấm
ăn:
- Quy mô cơ sở thực hiện phải đảm bảo
diện tích, sản lượng như sau:
+ Sản xuất lúa: từ 20 ha (hai mươi)
trở lên;
+ Sản xuất quả: từ 10 ha (mười) trở
lên.
+ Sản xuất rau: từ 05 ha (năm) trở
lên;
+ Sản xuất nấm ăn: sản lượng đạt 07 tấn/năm/cơ
sở trở lên.
+ Sản xuất rau, quả trong nhà màng,
nhà lưới: từ 2.000 m2 (hai ngàn) trở lên.
- Hỗ trợ không quá 50% chi phí mua giống
tính theo giá thời điểm sản xuất (Đối với cơ sở đã trồng sẵn cây ăn quả lâu năm
thì không hỗ trợ cây giống); hỗ trợ không quá 30% chi phí mua vật tư thiết yếu
phục vụ sản xuất. Tổng kinh phí hỗ trợ không quá 75 triệu đồng/cơ sở.
Riêng đối với sản xuất rau, quả trong
nhà màng, nhà lưới được hỗ trợ thêm 40% kinh phí đầu tư xây dựng nhà màng, nhà
lưới nhưng không quá 50 triệu đồng/ 01 cơ sở (Diện tích mỗi nhà lưới 500 -
1.000 m2).
b) Đối với chăn nuôi heo, bò thịt, bò
sữa, dê thịt, dê sữa, gia cầm, thủy cầm, ong:
- Cơ sở được hỗ trợ phải có quy mô
như sau:
+ Cơ sở chăn nuôi heo: từ 100 con trở
lên.
+ Cơ sở chăn nuôi bò thịt, bò sữa: từ
50 con trở lên.
+ Cơ sở chăn nuôi dê thịt, dê sữa: từ
300 con trở lên.
+ Cơ sở nuôi gia cầm, thủy cầm: từ
5.000 con trở lên.
+ Cơ sở nuôi ong mật: từ 200 thùng trở
lên.
- Hỗ trợ không quá 50% chi phí mua
con giống theo giá tại thời điểm sản xuất; Hỗ trợ không quá 30% chi phí mua vật
tư thiết yếu phục vụ chăn nuôi.
- Tổng kinh phí hỗ trợ đối với từng đối
tượng nuôi như sau:
+ Không quá 50 triệu đồng/ cơ sở nuôi
gia cầm, thủy cầm.
+ Không quá 75 triệu đồng/ cơ sở nuôi
ong, dê thịt, dê sữa.
+ Không quá 100 triệu đồng/ cơ sở
nuôi heo.
+ Không quá 150 triệu đồng/ cơ sở
nuôi bò.
c) Đối với nuôi thủy sản:
- Quy mô cơ sở nuôi:
+ Đối với tôm sú, tôm chân trắng, tôm
càng xanh: có diện tích mặt nước ao nuôi từ 05 ha (năm) trở lên.
+ Đối với cá tra: có sản lượng từ 500
tấn/năm trở lên.
+ Đối với cá rô phi: có sản lượng từ
100 tấn/năm trở lên.
+ Đối với cá thát lát: có sản lượng từ
50 tấn/năm trở lên.
+ Đối với lươn, ếch: có sản lượng từ
10 tấn/năm trở lên.
- Hỗ trợ không quá 50% chi phí mua
con giống theo giá thời điểm sản xuất; Hỗ trợ không quá 30% chi phí mua vật tư
thiết yếu phục vụ nuôi trồng thủy sản.
- Tổng kinh phí hỗ trợ đối với từng đối
tượng nuôi như sau:
+ Không quá 50 triệu đồng/ cơ sở nuôi
lươn, ếch.
+ Không quá 75 triệu đồng/ cơ sở nuôi
cá rô phi, cá thát lát.
+ Không quá 100 triệu đồng/ cơ sở cơ
sở nuôi tôm càng xanh.
+ Không quá 150 triệu đồng/ cơ sở
nuôi tôm sú, thẻ chân trắng.
+ Không quá 200 triệu đồng/ cơ sở
nuôi cá tra.
d) Đối với cơ sở sơ chế sản phẩm nông
nghiệp và thủy sản:
Hỗ trợ chi phí trang thiết bị sơ chế,
bảo quản; hỗ trợ chi phí xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo GMP, SSOP,
HACCP, ISO 22000... tổng kinh phí hỗ trợ không quá 50% chi phí, nhưng không quá
75 triệu đồng/cơ sở.
4. Hỗ trợ 100% kinh phí các lớp đào tạo,
dạy nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất, sơ chế sản phẩm theo quy định của các Quy
chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm đăng ký thực hiện quy trình thực hành sản
xuất nông nghiệp tốt, an toàn: đối tượng hỗ trợ là cán bộ quản lý, cán bộ kỹ
thuật, cán bộ khuyến nông các cấp, người quản lý và lao động của cơ sở đăng ký
áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn.”.
5. Bãi bỏ khoản 5
Điều 6.
6. Khoản 5 Điều
10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“5. Sở Công Thương căn cứ kế hoạch hàng
năm nghiên cứu, đề xuất chính sách và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ
xúc tiến thương mại về phân phối, tiêu thụ sản phẩm đạt tiêu chuẩn quy trình thực
hành sản xuất nông nghiệp tốt và vận động tuyên truyền người tiêu dùng sử dụng
sản phẩm đạt tiêu chuẩn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.”.
Điều 2.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố, thị xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ
ngày 10 tháng 4 năm 2021.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL);
- TT.Tỉnh ủy; TT.HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- UBND tỉnh: CT và các PCT;
- Sở: KHCN, KHĐT, CT, TNMT;
- Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh tỉnh TG;
- Các tổ chức đoàn thể tỉnh;
- Chi cục Quản lý Chất lượng NLS&TS;
- VP UBND tỉnh: CVP và các PCVP;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, P.KT (Ngân).
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Văn Trọng
|
PHỤ LỤC
DANH MỤC
CÁC TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT, QUY CHUẨN KỸ THUẬT, QUY TRÌNH, QUY PHẠM VỀ TIÊU CHUẨN
SẢN XUẤT QUY TRÌNH THỰC HÀNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỐT, AN TOÀN
(Kèm theo Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND
ngày 30/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
A. Tiêu chuẩn kỹ thuật, Quy chuẩn
kỹ thuật, quy trình, quy phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực
phẩm trong sản xuất, sơ chế do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa
học và Công nghệ ban hành:
1. Đối với sản xuất
rau, quả, lúa:
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN
11892-1:2017 về Thực hành nông nghiệp tốt (VIETGAP) - Phần 1: Trồng trọt.
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN
11041-1:2017 về Nông nghiệp hữu cơ - Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế
biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN
11041-2:2017 về Nông nghiệp hữu cơ - Phần 2: Trồng trọt hữu cơ.
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN
11041-5:2018 về Nông nghiệp hữu cơ - Phần 5: Gạo hữu cơ.
2. Đối với chăn nuôi:
- Quyết định số 4653/QĐ-BNN-CN ngày
10/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban
hành quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP).
- Quyết định số 2509/QĐ-BNN-CN ngày
22/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành
Quy chế chứng nhận và Quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi lợn, gà
an toàn trong nông hộ.
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN
11041-1:2017 về Nông nghiệp hữu cơ - Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế
biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN
11041-3:2017 Nông nghiệp hữu cơ - Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ.
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-7:2018
Nông nghiệp hữu cơ - Phần 7: Sữa hữu cơ.
3. Đối với nuôi thủy sản:
- Quyết định số 3824/QĐ-BNN-TCTS ngày
06/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy phạm
thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP).
- Quyết định số 4669/QĐ-BNN-TCTS ngày
28/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn áp
dụng VietGAP đối với nuôi thương phẩm cá tra.
- Quyết định số 4835/QĐ-BNN-TCTS ngày
24/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn áp
dụng VietGAP cho nuôi thương phẩm tôm chân trắng và tôm sú.
- Quyết định số 1233/QĐ-BNN-TCTS ngày
11/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn áp
dụng VietGAP cho cá rô phi thương phẩm.
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN
11041-1:2017 về Nông nghiệp hữu cơ - Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế
biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN
11041-8:2018 Nông nghiệp hữu cơ - Phần 8: Tôm hữu cơ.
4. Các Tiêu chuẩn kỹ thuật, Quy chuẩn
kỹ thuật, Thông tư, Quyết định khác quy định nội dung thực hiện theo tiêu chuẩn
VietGAP có liên quan.
B. Sản phẩm an toàn là một trong
các loại sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp với
các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm sản xuất sau:
1. Thông tư số 48/2012/TT-BNNPTNT
ngày 26 tháng 9 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về
chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp
với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
2. Thông tư số 02/2012/TT-BNNPTNT
ngày 09/01/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất nước
mắm, sản phẩm thủy sản dạng mắm và thủy sản khô dùng làm thực phẩm.
3. Thông tư số 07/2013/TT-BNNPTNT
ngày 22/01/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia đối với rau, quả, chè búp tươi đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực
phẩm trong quá trình sản xuất, sơ chế.
4. Văn bản hợp nhất số
06/2014/VBHN-BNNPTNT ngày 14/02/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm
trong sản xuất thủy sản.
5. Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT
ngày 01/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y.
6. Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT
ngày 25/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định
việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy
sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
7. Sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù
hợp với áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) hoặc GAP
khác hoặc các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm được Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận cho áp dụng.