Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 06/2002/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 06/2002/QĐ-TTg
Ngày ban hành 07/01/2002
Ngày có hiệu lực 22/01/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 1 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 06/2002/QĐ-TTG NGÀY 07 THÁNG 01 NĂM 2002 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (tờ trình số 4434/GTVT-KHĐT ngày 27 tháng 12 năm 2000) và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 5952 BKH/CSHT ngày 04 tháng 9 năm 2001),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu quy hoạch

a) Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020 là cơ sở để đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông đường sắt hợp lý và thống nhất trong cả nước, có quy mô phù hợp với từng vùng lãnh thổ, hình thành những trung tâm kết nối cơ sở hạ tầng, dịch vụ vận tải đường sắt, tạo điều kiện khai thác tiềm năng hiện có và phát triển năng lực của ngành giao thông vận tải đường sắt.

Từng bước xây dựng ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam phát triển đồng bộ và hiện đại cả về các tuyến đường, nhà ga, kho, ke ga, bãi hàng, thông tin, tín hiệu; cơ sở bảo trì, sản xuất phụ kiện, vật liệu phục vụ cơ sở hạ tầng và hệ thống phương tiện vận tải, trang thiết bị xếp dỡ, hệ thống cơ khí đóng mới, lắp ráp, sửa chữa phương tiện vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá và hành khách với chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý, tiện nghi, an toàn, nhanh chóng và hiệu quả.

b) Đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá và hiện đại hoá ngành giao thông vận tải đường sắt trên cơ sở phát huy nội lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm bằng mọi nguồn vốn nhằm phát triển bền vững, tăng cường năng lực của hệ thống quản lý, mở rộng hoạt động cung cấp các dịch vụ, bảo đảm an toàn giao thông, phát huy và nâng cao ưu thế sẵn có về kinh tế kỹ thuật của ngành.

2. Nội dung và quy mô các yếu tố chính của Quy hoạch

a) Giao thông vận tải đường sắt cần chiếm tỷ trọng 25% - 30% về tấn và tấn-km, 20% - 25% về hành khách và hành khách - km trong tổng khối lượng vận tải của toàn ngành giao thông vận tải. Đến năm 2020 có tỷ trọng vận chuyển hành khách đô thị bằng đường sắt đạt ít nhất là 20% khối lượng hành khách tại các thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

b) Duy trì khổ đường sắt hiện tại, gồm các khổ đường 1.000mm, 1.435mm và đường lồng (1.000mm và 1.435mm) để nâng cấp, cải tạo đạt cấp kỹ thuật. Khi xây dựng các đoạn, tuyến đường sắt mới phải phù hợp và kết nối thuận tiện với khổ đường sắt hiện có ở khu vực đó. Riêng đường sắt cao tốc Bắc - Nam xây dựng theo tiêu chuẩn khổ đường 1.435mm.

c) Phát triển phương tiện vận tải đường sắt theo hướng đa dạng với cơ cấu hợp lý, đổi mới sức kéo và sức chở theo hướng hiện đại, giảm chi phí, hạ giá thành, chú trọng phát triển các đoàn tầu tốc độ cao, tầu tự hành, tầu chở container,... áp dụng công nghệ tiên tiến trong vận tải và đóng mới phương tiện nhằm tăng tốc độ chạy tầu để đến năm 2020, tốc độ tầu hàng đạt 80 km/giờ trở lên và tốc độ tầu khách đạt 120 km/giờ trở lên.

d) Những tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định sau khi thống nhất với các cơ quan liên quan và phù hợp các quy định hiện hành.

đ) Đầu tư cơ sở hạ tầng đến năm 2020:

- Giai đoạn đến 2010:

+ Nâng cấp các tuyến đường hiện có vào cấp kỹ thuật quy định và xây dựng mới một số đoạn, tuyến, các đường nhánh nối với cảng, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm trong cả nước và kết nối với các tuyến hiện tại; ưu tiên nâng cao năng lực và hiện đại hoá trục Bắc - Nam, trục Đông - Tây; tiến hành điện khí hoá tuyến Hà Nội - Hải Phòng để làm cơ sở phát triển sức kéo điện cho giai đoạn sau.

+ Đồng thời với việc xây dựng đường sắt đô thị ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phải tiến hành xây dựng mới và đồng bộ các nhà ga, các cơ sở sửa chữa, vận dụng đầu máy - toa xe.

+ Làm mới hệ thống : thông tin cáp quang, tổng đài điện tử số, tín hiệu bán tự động tiến tới tự động, ghi điện khí tập trung, dừng tầu tự động, hệ thống cảnh báo đường ngang tự động... Tham gia thị trường viễn thông chung để tận dụng hết năng lực của ngành đường sắt.

+ Quy hoạch sắp xếp lại để phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, phụ tùng, phụ kiện cơ khí phục vụ sửa chữa, bảo trì và làm mới cơ sở hạ tầng đường sắt.

+ Nâng cấp, làm mới để từng bước hoàn chỉnh hệ thống nhà ga hành khách, ga hàng hoá ở các khu vực trọng điểm; đặc biệt lưu ý các ga hành khách tại trung tâm Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vừa là ga trung tâm của đường sắt vừa là đầu mối trung chuyển, kết nối các loại phương tiện vận tải, đồng thời là trung tâm dịch vụ đa năng.

- Giai đoạn đến 2020:

Hoàn thành việc nâng cấp các tuyến đường sắt để đạt cấp kỹ thuật quốc gia và khu vực, xây dựng thêm một đường để thành đường đôi và điện khí hoá các tuyến Hà Nội -Vinh, Sài Gòn - Nha Trang, tiếp tục xây dựng các tuyến đường sắt mới để tạo thành mạng đường sắt đồng bộ, hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn hiện đại. Trên trục Bắc - Nam, ngoài tuyến đường sắt Thống Nhất hiện có cần xây dựng thêm một tuyến đường đôi riêng biệt chạy tầu khách cao tốc Bắc - Nam khổ đường 1.435mm để giảm thời gian chạy tàu từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh xuống dưới 10 giờ và có khả năng kết nối với đường sắt liên vận quốc tế. Tiếp tục xây dựng đường sắt vành đai, nội đô các thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác để tạo thành mạng lưới giao thông đô thị hoàn chỉnh và đồng bộ.

Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng đường sắt đến năm 2020: 98.051 tỷ VNĐ.

Trong đó: Giai đoạn từ 2001-2010: 23.530 tỷ VNĐ.

Giai đoạn từ 2010 - 2020 : 74.521 tỷ VNĐ.

(Danh mục các công trình đầu tư giai đoạn 2001 - 2020 theo phụ lục kèm theo Quyết định này).

[...]