Quyết định 05/2019/QĐ-KTNN về hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu đối với lĩnh vực kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách bộ, ngành do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành

Số hiệu 05/2019/QĐ-KTNN
Ngày ban hành 31/12/2019
Ngày có hiệu lực 14/02/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Kiểm toán Nhà nước
Người ký Hồ Đức Phớc
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2019/QĐ-KTNN

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN KIỂM TOÁN DỰA TRÊN ĐÁNH GIÁ RỦI RO VÀ XÁC ĐỊNH TRỌNG YẾU ĐỐI VỚI LĨNH VỰC KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH, BÁO CÁO QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH BỘ, NGÀNH

Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNN ngày 15/7/2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 1662/QĐ-KTNN ngày 03/11/2017 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc ban hành Quy chế soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản pháp luật và văn bản quản lý của Kiểm toán nhà nước;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quyết định Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên trọng yếu, rủi ro đối với lĩnh vực kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách bộ, ngành.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu đối với lĩnh vực kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách bộ, ngành.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội;
- Các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện KSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Công báo;
- Lãnh đạo KTNN;
- Các đơn vị trực thuộc KTNN;
- Lưu: VT, Vụ Chế độ và KSCL kiểm toán (02).

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC




Hồ Đức Phớc

 

HƯỚNG DẪN

PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN KIỂM TOÁN DỰA TRÊN ĐÁNH GIÁ RỦI RO VÀ XÁC ĐỊNH TRỌNG YẾU ĐỐI VỚI LĨNH VỰC KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH, BÁO CÁO QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH BỘ, NGÀNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2019/QĐ-KTNN ngày 31/12/2019 của Tổng Kiểm toán nhà nước)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Hướng dẫn này quy định chính sách xác định trọng yếu và hướng dẫn vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, cơ quan khác ở trung ương bao gồm cả các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là báo cáo ngân sách bộ, ngành, viết tắt là: BCNSBN) do Kiểm toán nhà nước (viết tắt là KTNN) thực hiện.

2. Hướng dẫn này áp dụng khi kiểm toán đối với bBCNSBN đầy đủ hoặc kiểm toán các báo cáo riêng lẻ, các thông tin tài chính của BCNSBN.

3. Trường hợp kiểm toán lồng ghép các lĩnh vực trong cuộc kiểm toán BCNSBN, khi kiểm toán chi tiết dự án đầu tư, doanh nghiệp nhà nước… thì thực hiện kiểm toán theo quy định của Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước (viết tắt là CMKTNN) và các hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán đã được ban hành có liên quan.

Điều 2. Mục đích ban hành

1. Hướng dẫn này nhằm giúp Kiểm toán viên nhà nước (viết tắt là KTVNN) vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán một cách phù hợp khi lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán trong kiểm toán BCNSBN.

2. Hướng dẫn KTVNN đưa ra ý kiến xác nhận về tính trung thực và hợp lý của BCNSBN xét trên các khía cạnh trọng yếu.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

1. Hướng dẫn này áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc KTNN, các đoàn KTNN, các KTVNN và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kiểm toán BCNSBN của KTNN.

2. Đơn vị được kiểm toán, các bên có liên quan và các bên sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về các quy định và hướng dẫn này và các CMKTNN có liên quan để thực hiện trách nhiệm của mình và phối hợp công việc với đoàn KTNN và KTVNN, cũng như khi xử lý các mối quan hệ liên quan đến thông tin đã được kiểm toán.

[...]