Quyết định 05/2008/QĐ-UBND về quy chế quản lý khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 05/2008/QĐ-UBND
Ngày ban hành 21/01/2008
Ngày có hiệu lực 31/01/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Trung Tín
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 05/2008/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN RỪNG NGẬP MẶN CẦN GIỜ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Quyết định của Tổng Giám đốc UNESCO Paris về việc công nhận “Rừng ngập mặn Cần Giờ - Việt Nam” trở thành Khu Dự trữ sinh quyển nằm trong mạng lưới dự trữ sinh quyển Thế giới;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1745/TTr-SNN-TCCB ngày 10 tháng 12 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin, Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở Nội vụ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Tín

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN RỪNG NGẬP MẶN CẦN GIỜ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định về cơ chế quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ căn cứ trên hệ thống luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các công ước quốc tế mà Chính phủ đã phê chuẩn tham gia. Quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhằm mục đích bảo tồn và phát triển bền vững Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động trong phạm vi Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Điều 2. Mục tiêu quản lý

1. Phát huy tốt 3 chức năng của Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ:

- Chức năng bảo tồn: đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng di truyền, loài, hệ sinh thái và cảnh quan.

- Chức năng phát triển: thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững về sinh thái cũng như các giá trị văn hóa truyền thống.

- Chức năng hỗ trợ: tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu, giám sát, giáo dục và trao đổi thông tin giữa các địa phương, trong nước và quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững.

2. Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ có diện tích là 75.740ha, quản lý Khu Dự trữ là sự điều phối dựa trên các mối quan hệ hành chính và ngoài hệ thống hành chính nhằm tạo nên mối liên kết và hợp tác trong các lĩnh vực: bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa, phát triển bền vững, kêu gọi đầu tư và trợ giúp các hoạt động nghiên cứu, giám sát nguồn lợi và phát triển kinh tế xã hội, du lịch sinh thái, giáo dục và đào tạo… Các hoạt động này sẽ được triển khai dựa trên sự phân vùng chức năng của các Khu Dự trữ sinh quyển, cụ thể như sau:

- Vùng lõi: khu vực dành riêng cho bảo tồn đa dạng sinh học, giám sát các hệ sinh thái, cho phép các hoạt động nghiên cứu, giáo dục có thể triển khai nếu không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của khu vực. Diện tích vùng lõi 4.721ha gồm các tiểu khu 3, 4b, 6, 11, 12 và 13.

- Vùng đệm: bao quanh vùng lõi, vùng đệm góp phần hạn chế tác động của con người giúp cho việc bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng lõi. Các hoạt động phát triển kinh tế, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu, giáo dục, đào tạo…được triển khai. Nâng cao mức sống người dân vùng đệm là yếu tố quan trọng bảo đảm cho sự thành công của công tác bảo tồn ở vùng lõi. Diện tích vùng đệm 37.339ha gồm các tiểu khu 1, 2, 4a, 5, 7, 8, 9, 10, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23 và 24; cộng với diện tích mặt nước 3.800ha.

- Vùng chuyển tiếp: Các mô hình phát triển kinh tế, hợp tác để phát triển được cổ vũ với sự tham gia của cán bộ quản lý, các cơ sở kinh tế, các tổ chức đoàn thể, tôn giáo, văn hóa, xã hội, các nhà khoa học, tuyên truyền giáo dục… Diện tích vùng chuyển tiếp 29.310ha gồm các khu vực còn lại của huyện Cần Giờ và thảm cỏ biển dọc theo ven biển Cần Giờ; cộng với diện tích mặt nước 570ha.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý

[...]