Quyết định 04/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng công trình theo giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 04/2010/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/01/2010
Ngày có hiệu lực 04/02/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Phí Thái Bình
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI  
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 04/2010/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ VIỆC XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THEO GIẤY PHÉP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình; Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng; Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị; Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội; Nghị định số 92/2005/NĐ-CP ngày 12/7/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện và Thanh tra xây dựng phường, xã, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26/3/2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại văn bản số 8648/SXD-QLCP ngày 02/11/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng công trình theo giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 79/2007/QĐ-UB ngày 11/7/2007 ban hành Quy định cấp Giấy phép xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố Hà Nội; Thông báo số 427/TB-UBND ngày 26/12/2007 về việc tạm dừng thực hiện một điểm của Khoản 12 Điều 7 Quy định cấp phép xây dựng các công trình trên địa bàn Thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 79/2007/QĐ-UB ngày 11/7/2007 và Điều 1, Khoản V, Điểm 2, Tiết 2.1 Quyết định số 51/2008/QĐ-UBND ngày 16/12/2008 về việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2009 – 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin Truyền thông; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TTTU, TTHĐND TP;
- Chủ tịch UBND TP;
- Các đ/c PCT UBND TP;
- Văn phòng Chính phủ;
- Website Chính phủ;
- Các Bộ: XD, TP, GTVT, CA, TN&MT, VHTT&DL, TTTT;
- Viện KSND TP, Tòa án ND TP;
- UBMTTQTP, LĐLĐTP;
- Sở Tư pháp;
- Báo HNM, Báo KT&ĐT, Đài PT&THHN;
- CPVP, các PVP, TH, XD (08);
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phí Thái Bình  

 

QUY ĐỊNH

CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THEO GIẤY PHÉP XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND ngày 20/01/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về hoạt động cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng công trình theo giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội;

2. Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội phải thực hiện theo Quy định này và các quy định của Nhà nước và Thành phố có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị (sau đây gọi tắt là quy hoạch chi tiết) tỷ lệ 1/500 được lập cho các khu chức năng trong đô thị và các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu bảo tồn, di sản văn hóa, khu du lịch, nghỉ mát hoặc các khu khác đã được xác định; cải tạo chỉnh trang các khu chức năng hiện trạng của đô thị do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Thành phần hồ sơ đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bao gồm các bản vẽ theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ.

2. Dự án đầu tư xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt: là dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cấp bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư.

3. Di tích lịch sử - văn hóa: là công trình xây dựng, công trình kiến trúc và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

4. Phạm vi bảo vệ đê điều bao gồm đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình phụ trợ và hành lang bảo vệ đê kè, kè bảo vệ đê, cống qua đê theo quy định của Luật Đê điều.

a) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng, 20 mét về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông;

b) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp IV, cấp V theo quy định cụ thể của Ủy ban nhân dân Thành phố nhưng không nhỏ hơn 5 mét tính từ chân đê trở ra về phía sông và phía đồng;

c) Hành lang bảo vệ đê đối với kè bảo vệ đê, cống qua đê được giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng của kè bảo vệ đê, cống qua đê trở ra mỗi phía 50 mét.

5. Công trình tôn giáo: bao gồm chùa, đình, đền, miếu, nhà thờ, thánh đường, thánh thất, tượng thờ, trụ sở; cơ sở đào tạo và công trình sử dụng vào mục đích thờ cúng khác của các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận theo quy định của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

6. Tượng đài, tranh hoành tráng: là các tác phẩm điêu khắc, hội họa có giá trị nghệ thuật độc đáo, được đặt tại các không gian công cộng với mục đích tôn vinh, tưởng niệm các danh nhân, sự kiện lịch sử, văn hoá của Việt Nam hoặc thế giới.

[...]