Quyết định 04/2009/QĐ-UBND về quy chế về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 04/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/02/2009
Ngày có hiệu lực 15/02/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Lê Minh Ánh
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2009/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 05 tháng 02 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC TỈNH QUẢNG NAM

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29/6/2006 và Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;

Căn cứ Quyết định số 02/2008/QĐ-BTP ngày 28/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 62/TTr-STP ngày 22/10/2008 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 116/TTr-SNV ngày 20/01/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành, bãi bỏ Quyết định số 21/1999/QĐ-UB ngày 26/4/1999 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan và Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ (b/c);
- Cục TGPL-Bộ Tư pháp (b/c);
- Cục Kiểm tra VBQPPL-BTP;
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Trung tâm Tin học và Công báo;
- Như Điều 3;
- Phòng Tư pháp các huyện, TP;
- Lưu: VP UBND tỉnh, NC.

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Minh Ánh

 

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04 /2009/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2009 của UBND tỉnh Quảng Nam).

Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Nam (sau đây gọi là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng. Trung tâm chịu sự quản lý nhà nước của Sở Tư pháp, UBND tỉnh Quảng Nam và sự quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật.

Trung tâm có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, giải quyết các vướng mắc, tranh chấp pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm

1. Xây dựng chương trình, kế hoạch trợ giúp pháp lý dài hạn và hằng năm ở địa phương trình Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đó.

2. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý bao gồm:

a) Thực hiện tư vấn pháp luật, cử người tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các hình thức trợ giúp pháp lý khác cho người được trợ giúp pháp lý theo các lĩnh vực trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 34 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là Nghị định số 07/2007/NĐ-CP);

b) Thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động và các hoạt động trợ giúp pháp lý khác quy định tại các Điều 35, 36, 37, 40 và Điều 41 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP; chịu trách nhiệm và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý cho nhân dân;

c) Quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho Chi nhánh; hướng dẫn hoạt động đối với Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý khác;

d) Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là cộng tác viên) của Trung tâm và các Chi nhánh; hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ cho tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

đ) Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và các Chi nhánh;

e) Quản lý, theo dõi, kiểm tra hoạt động trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên và các cán bộ khác của Trung tâm và các Chi nhánh theo thẩm quyền; thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý.

3. Đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ giúp pháp lý phối hợp với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác để xác minh vụ việc trợ giúp pháp lý.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và các Chi nhánh.

[...]