Quy định 165-QĐ/TW năm 2013 về lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 165-QĐ/TW
Ngày ban hành 18/02/2013
Ngày có hiệu lực 18/02/2013
Loại văn bản Quy định
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
----------------

Số: 165-QĐ/TW

Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2013

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM HẰNG NĂM ĐỐI VỚI THÀNH VIÊN LÃNH ĐẠO CẤP ỦY VÀ CÁN BỘ LÃNH ĐẠO TRONG CÁC CƠ QUAN ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ CÁC ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

Căn cứ Điều lệ Đảng;

Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XI;

Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (số 12-NQ/TW, ngày 16/1/2012),

Bộ Chính trị quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội như sau:

Chương 1.

NGUYÊN TẮC, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

Điều 1. Nguyên tắc

- Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được thực hiện định kỳ hằng năm, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các cấp trong lấy phiếu tín nhiệm.

- Bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm; nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh việc vận động, lôi kéo hoặc có những hành vi tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm, hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm tổn hại uy tín tập thể và cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

- Kết quả phiếu tín nhiệm đối với cán bộ được công khai trong tập thể lãnh đạo cùng cấp (ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị) và báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý, quyết định đối với chức danh cán bộ đó.

- Phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ. Những đồng chí có tín nhiệm thấp cần xem xét, đưa ra khỏi quy hoạch chức vụ cao hơn và bố trí công tác phù hợp; những đồng chí có tín nhiệm rất thấp hoặc hai năm liền tín nhiệm thấp cần kịp thời cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Điều 2. Phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm

2.1- Phạm vi: Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành hằng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy các cấp và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc.

2.2- Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm gồm:

- Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp.

- Cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc ở cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội (cấp cục và tương đương trở lên ở các ban, bộ, ngành Trung ương; cấp sở, cấp huyện và tương đương trở lên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Chương 2.

NƠI LẤY PHIẾU VÀ ĐỐI TƯỢNG GHI PHIẾU TÍN NHIỆM

Điều 3. Nơi lấy phiếu tín nhiệm

Việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với mỗi chức danh cán bộ tối đa ở hai nơi. Cụ thể là: cấp ủy cùng cấp (đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy) và nơi công tác (nêu tại Điều 5 của Quy định này).

Điều 4. Đối tượng ghi phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy

4.1- Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư

- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

- Đại biểu Quốc hội (nếu thuộc đối tượng theo quy định của Quốc hội).

4.2- Đối với ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp

- Ủy viên ban chấp hành đảng bộ cùng cấp.

[...]