BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM - TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1680/QCPH-BHXHVN-TCTHADS
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 05 năm 2015
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP GIỮA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM VÀ TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày
29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14
tháng 11 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
ngày 13 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng
11 năm 2013;
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự
ngày 14 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP
ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 05/2014/NĐ-CP
ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số
61/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực
thuộc Bộ Tư pháp;
Để tăng cường phối hợp giữa Bảo hiểm
xã hội Việt Nam và Tổng cục Thi hành án dân sự trong công tác thi hành án dân sự,
Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng cục Thi hành án dân sự thống nhất ban hành Quy
chế phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng cục Thi hành án dân sự trong
công tác thi hành án dân sự như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc, nội
dung và phương thức phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng cục Thi hành
án dân sự trong công tác thi hành án dân sự liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi chung là bảo hiểm xã hội).
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bảo hiểm
xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bảo hiểm xã hội các huyện, quận,
thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Bảo hiểm xã hội các cấp).
2. Tổng cục Thi hành án dân sự; Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương, Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, quận, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự các cấp).
Điều 3. Mục đích
phối hợp
Tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp của
Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng cục Thi hành án dân sự trong công tác thi hành
án dân sự nói chung và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác thi
hành án dân sự liên quan đến bảo hiểm xã hội nói riêng, nhằm tạo điều kiện và hỗ
trợ các bên thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của
pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp tập thể, cá nhân; bảo đảm lợi ích của
nhà nước, trật tự an toàn, an sinh xã hội.
Điều 4. Nguyên tắc
phối hợp
1. Phù hợp với quy định pháp luật về
bảo hiểm xã hội, pháp luật về thi hành án dân sự và pháp luật khác có liên
quan.
2. Thường xuyên, kịp thời, hiệu quả.
3. Không làm ảnh hưởng đến việc thực
hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động chuyên môn của từng Ngành và
các cơ quan có liên quan.
Điều 5. Phương thức
phối hợp
1. Trao đổi ý kiến hoặc cung cấp
thông tin bằng văn bản theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp. Trường
hợp cấp bách các bên có thể gặp gỡ, trao đổi trực tiếp hoặc qua email, fax.
2. Tổ chức họp liên ngành.
3. Các phương thức khác phù hợp quy định
của pháp luật.
Chương II
NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 6. Phối hợp
trong cung cấp, trao đổi thông tin
1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng cục
Thi hành án dân sự có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến việc thực hiện
Quy chế này theo yêu cầu của mỗi bên; trường hợp từ chối, cơ quan được yêu cầu
trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được
yêu cầu.
2. Định kỳ tháng 3 và tháng 9 hàng
năm Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các cấp phối hợp với
cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp rà soát, tổng hợp kết quả phân loại án và kết
quả thi hành án dân sự liên quan đến bảo hiểm xã hội. Trên cơ sở kết quả tổng hợp,
Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, đánh
giá và có biện pháp giải quyết cụ thể để công tác thi hành án liên quan đến bảo
hiểm xã hội được thuận lợi, hiệu quả, đúng pháp luật.
Điều 7. Phối hợp
trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, thi hành
án dân sự
Trong quá trình thực hiện chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng cục Thi hành án dân sự
thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chính
sách bảo hiểm xã hội, thi hành án dân sự và pháp luật có liên quan để cá nhân,
cơ quan, tổ chức thực hiện, bảo đảm cho công tác thi hành án dân sự liên quan đến
bảo hiểm xã hội đạt hiệu quả cao, hạn chế các vi phạm pháp luật liên quan đến bảo
hiểm xã hội, khắc phục tình trạng nợ đọng,
nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cá nhân, tập
thể; bảo đảm lợi ích của nhà nước.
Điều 8. Phối hợp trong chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ có
liên quan đến công tác thi hành án dân sự
1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, trong
thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trao đổi ý kiến của Tổng cục Thi
hành án dân sự hoặc đề nghị của cơ quan thi hành án dân sự các cấp, Bảo hiểm xã
hội Việt Nam chủ động hoặc tổ chức họp để chỉ đạo, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội
các cấp:
a) Phối hợp với cơ quan thi hành án
dân sự trong việc xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài khoản,
thu nhập của người phải thi hành án; áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng
chế thi hành án và các vấn đề khác phát sinh trong quá trình thi hành án liên
quan đến bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; các Nghị định
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự; Thông tư liên
tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN ngày 14 tháng 01 năm 2014 hướng dẫn
việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực
hiện phong tỏa, khấu trừ để thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật khác có
liên quan.
b) Phối hợp với cơ quan thi hành án
dân sự trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình
tổ chức thi hành án liên quan đến bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điểm b Khoản
2 Điều này.
2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, trong
thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trao đổi ý kiến của Bảo hiểm xã hội
Việt Nam hoặc đề nghị của Bảo hiểm xã hội các cấp, Tổng cục Thi hành án dân sự
chủ động hoặc tổ chức họp để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự:
a) Xác minh điều kiện thi hành án; áp
dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của
pháp luật; tập trung tổ chức thi hành dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi
hành, nhất là những vụ án lớn, có giá trị thi hành án cao, tránh trường hợp tẩu
tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
b) Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội
tổ chức họp định kỳ hoặc đột xuất để giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát
sinh trong quá trình thi hành án liên quan đến bảo hiểm xã hội; kịp thời kiểm
tra, rà soát, báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cùng cấp về
những vụ việc có khó khăn, vướng mắc, những vụ việc phức tạp ảnh hưởng đến tình
hình an ninh, chính trị tại địa phương, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách
an sinh xã hội.
c) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, chủ động tìm các giải
pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, nâng cao kết quả thi hành án liên quan đến
bảo hiểm xã hội.
Điều 9. Phối hợp
giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, điều hành
Trong công tác chỉ đạo, điều hành nếu
phát sinh khó khăn, vướng mắc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng cục Thi hành án
dân sự chủ động trao đổi ý kiến hoặc tổ chức họp liên ngành để bàn bạc, thống
nhất, hướng dẫn cơ chế cụ thể để giải quyết. Nếu phát hiện những điểm chưa phù
hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự có liên quan đến
bảo hiểm xã hội hoặc về bảo hiểm xã hội có liên quan đến thi hành án dân sự thì
phản ảnh đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết kịp thời.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách
nhiệm trong chỉ đạo xây dựng chương trình, nội dung phối hợp
Trên cơ sở Quy chế này, Bảo hiểm xã hội
Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các cấp phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự
cùng cấp xây dựng chương trình, nội dung phối hợp trong công tác thi hành án
dân sự liên quan đến bảo hiểm xã hội tại địa phương mình.
Điều 11. Tổ chức
thực hiện Quy chế
1. Hàng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam
chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự xây dựng Báo cáo tổng kết việc
thực hiện Quy chế, trong đó có đánh giá cụ thể tình hình thực hiện Quy chế; những
khó khăn, vướng mắc và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; đề ra phương hướng, nhiệm vụ cần triển
khai thực hiện. Trường hợp cần thiết có thể tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực
hiện Quy chế.
2. Ban Pháp chế Bảo hiểm xã hội Việt
Nam, Vụ Nghiệp vụ 1 Tổng cục Thi hành án dân sự chịu trách nhiệm giúp Tổng Giám
đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức
và đôn đốc thực hiện Quy chế này.
Điều 12. Hiệu lực
thi hành
1. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày
ký.
2. Quá trình thực hiện Quy chế, nếu
có vướng mắc phát sinh thì báo cáo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng
Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự để kịp thời phối hợp giải quyết./.
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Nguyễn Văn Sơn
|
KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
Nguyễn Đình Khương
|
Nơi nhận:
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Các Bộ: Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính;
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Tổng cục Thi hành án dân sự;
- Các đơn vị thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự;
- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Website BHXHVN, TCTHADS;
- Lưu: VT (BHXHVN), (TCTHADS).
|