Pháp lệnh Lãnh sự năm 1990 do Hội đồng Nhà nước ban hành

Số hiệu 44B-LCT/HĐNN8
Ngày ban hành 13/11/1990
Ngày có hiệu lực 01/01/1991
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Hội đồng Nhà nước
Người ký Võ Chí Công
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 44B-LCT/HĐNN8

Hà Nội, ngày 13  tháng 11 năm 1990

 

PHÁP LỆNH

CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC SỐ 44B-LCT/HĐNN8 NGÀY 24/11/1990 VỀ LÃNH SỰ

Để phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước, bảo vệ ở nước ngoài quyền và lợi ích của Nhà nước, pháp nhân và công dân Việt Nam;
Căn cứ vào Điều 14 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định tổ chức và hoạt động lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Cơ quan lãnh sự

Cơ quan lãnh sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm Tổng lãnh sự quán và Lãnh sự quán.

Người đứng đầu Tổng lãnh sự quán là một Tổng lãnh sự, người đứng đầu Lãnh sự quán là một Lãnh sự, dưới đây gọi chung là "Lãnh sự".

Điều 2

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan lãnh sự

Cơ quan lãnh sự có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Bảo vệ ở nước ngoài quyền và lợi ích của Nhà nước, pháp nhân và công dân Việt Nam;

2- Góp phần phát triển và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với nước tiếp nhận; tìm hiểu pháp luật, tình hình kinh tế, thương mại, văn hoá, khoa học, kỹ thuật, du lịch và các lĩnh vực khác; phát hiện khả năng, mức độ và chuyên ngành mà Việt Nam có thể hoặc cần hợp tác để giúp các cơ quan, tổ chức hữu quan phát triển quan hệ hợp tác với nước tiếp nhận;

3- Nghiên cứu khả năng phát triển quan hệ lãnh sự giữa Việt Nam với nước tiếp nhận, tìm hiểu quan hệ lãnh sự giữa nước tiếp nhận với các nước khác, đề xuất kiến nghị việc ký kết điều ước quốc tế liên quan đến quan hệ lãnh sự.

Điều 3

Nguyên tắc thực hiện chức năng lãnh sự

1- Lãnh sự thực hiện chức năng lãnh sự theo quy định của Pháp lệnh này. Lãnh sự cũng có thể thực hiện những chức năng khác không trái với pháp luật Việt Nam và được nước tiếp nhận chấp thuận.

2- Lãnh sự bắt đầu thực hiện chức năng khi được nước tiếp nhận chấp thuận.

3- Lãnh sự trực tiếp hoặc uỷ nhiệm cho viên chức lãnh sự khác thực hiện chức năng lãnh sự.

4- Người thực hiện chức năng lãnh sự trong cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam thực hiện chức năng ở nước tiếp nhận theo quy định của Pháp lệnh này.

Điều 4

Thực hiện chức năng lãnh sự liên quan đến nước thứ ba

1- Lãnh sự có thể được Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam uỷ nhiệm thực hiện chức năng lãnh sự ở nước thứ ba nếu được nước đó đồng ý.

2- Lãnh sự có thể thực hiện chức năng lãnh sự do nước thứ ba uỷ nhiệm nếu được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho phép và nước tiếp nhận đồng ý.

Điều 5

Thực hiện chức năng ngoại giao

Lãnh sự có thể được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam uỷ nhiệm thực hiện một số chức năng ngoại giao nếu ở nước tiếp nhận không có cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam và được nước này chấp thuận.

[...]