Nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư, 1990

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 07/09/1990
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Liên hợp quốc
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ, 1990

(Được thông qua tại Hội nghị lần thứ tám về Phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội của Liên Hợp Quốc, họp tại Havana, Cuba, từ ngày 27/8 đến 7/9/1990).

Xét rằng, trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, các dân tộc trên thế giới khẳng định quyết tâm xây dựng những điều kiện để duy trì công lý và tuyên bố một trong những mục đích của họ là thực hiện hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo,

Xét rằng, Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người đã trang trọng ghi nhận nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, quyền giả định vô tội, quyền được một tòa án độc lập và vô tư xét xử công bằng, công khai và mọi bảo đảm cần thiết để mọi người đều có quyền bào chữa khi bị cáo buộc phạm tội hình sự,

Xét rằng, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã công bố quyền được xét xử không chậm trễ và quyền được một tòa án có thẩm quyền, độc lập và vô tư, được lập ra theo pháp luật xét xử công bằng và công khai,

Xét rằng, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa nhắc lại nghĩa vụ của các quốc gia theo Hiến chương là thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ các quyền và tự do cơ bản của con người trên toàn thế giới,

Xét rằng, Tập hợp các nguyên tắc bảo vệ tất cả những người đang bị giam giữ hay bị cầm tù dưới bất kỳ hình nào quy định rằng một người đang bị giam giữ phải có quyền được giúp đỡ, liên lạc, cũng như được tham khảo ý kiến luật sư.

 Xét rằng, Những quy định tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử đối với tù nhân đặc biệt kiến nghị rằng các tù nhân chưa được xét xử phải được bảo đảm giúp đỡ về pháp lý và tiếp xúc riêng với luật sư,

Xét rằng, quy định về việc bảo vệ những người có thể bị kết án tử hình khẳng định rằng bất kỳ ai bị tình nghi hay bị cáo buộc phạm một tội có thể bị kết án tử hình đều được quyền nhận được sự trợ giúp đầy đủ về pháp lý trong mọi giai đoạn tố tụng, theo điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị,

Xét rằng, Tuyên bố về các nguyên tắc công lý cơ bản đối với nạn nhân của tội phạm và lạm dụng quyền lực đã khuyến nghị các biện pháp cần được thực hiện ở cấp quốc tế và quốc gia để cải thiện điều kiện tiếp cận công lý và xử lý công bằng, phục hồi, bồi thường và hỗ trợ những nạn nhân của tội phạm,

Xét rằng, việc bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người mà mọi người đều có quyền được hưởng, dù đó là những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, hoặc dân sự và chính trị, yêu cầu mọi người phải được tiếp cận một cách có hiệu quả các dịch vụ pháp lý do một tổ chức chuyên môn pháp lý độc lập cung cấp,

Xét rằng, các hiệp hội luật sư chuyên nghiệp có một vai trò sống còn trong việc giữ vững những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, nhằm bảo vệ các hội viên khỏi bị truy bức, hạn chế và xâm phạm trái phép, cung cấp mọi dịch vụ pháp lý cho tất cả những người có nhu cầu và hợp tác với các cơ quan chính phủ và các cơ quan chức năng khác để đẩy mạnh thực hiện mục tiêu công lý và quyền lợi của công chúng.

Những nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư dưới đây, được xây dựng nhằm hỗ trợ các Quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy và bảo đảm vai trò đúng đắn của luật sư, cần được các chính phủ tôn trọng và tham khảo trong khuôn khổ pháp luật và thực tiễn quốc gia và cần được thông báo cho luật sư cũng như những người khác như thẩm phán, công tố viên, thành viên của các cơ quan hành pháp, lập pháp và công chúng nói chung. Những nguyên tắc này cũng cần được áp dụng một cách thích hợp đối với những người thực hiện các chức năng của luật sư nhưng chưa được hưởng quy chế chính thức của luật sư.

TIẾP CẬN LUẬT SƯ VÀ DỊCH VỤ PHÁP LÝ

1. Mọi người đều có quyền yêu cầu sự giúp đỡ của luật sư theo sự lựa chọn của mình nhằm thiết lập và bảo vệ các quyền của mình đó trong mọi giai đoạn của tố tụng hình sự.

2. Các chính phủ phải bảo đảm những thủ tục hữu hiệu và các cơ chế nhanh chóng để việc tiếp cận luật sư có hiệu quả và bình đẳng cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và quyền tài phán của mình mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, như phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc, màu da, nguồn gốc dân tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, thành phần kinh tế và những điều kiện khác.

3. Các chính phủ cần bảo đảm cung cấp đầy đủ kinh phí và những nguồn lực khác cho các dịch vụ pháp lý dành cho người nghèo và nếu cần thiết cho những người bị thiệt thòi khác. Các hiệp hội chuyên môn của luật sư phải phối hợp trong việc tổ chức cung cấp những dịch vụ, phương tiện và các nguồn lực khác.

4. Các chính phủ và hiệp hội chuyên môn của luật sư phải thúc đẩy những chương trình nhằm thông báo cho công chúng biết về những quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật và vai trò quan trọng của luật sư trong việc bảo vệ các tự do cơ bản của họ. Cần phải chú ý đặc biệt hơn trong việc giúp đỡ người nghèo và những người bị thiệt thòi khác, để họ có thể khẳng định các quyền của họ và kêu gọi sự giúp đỡ của luật sư khi cần thiết.

NHỮNG BẢO VỆ ĐẶC BIỆT TRONG CÁC VẤN ĐỀ TƯ PHÁP HÌNH SỰ

5. Các chính phủ phải bảo đảm rằng, mọi người đều được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo ngay lập tức về quyền được một luật sư trợ giúp theo sự lựa chọn của họ, ngay khi bị bắt hay bị giam giữ hoặc khi bị cáo buộc phạm tội hình sự.

6. Bất cứ ai trong hoàn cảnh trên mà không có luật sư riêng, thì trong mọi trường hợp công lý đòi hỏi như vậy, đều có quyền có một luật sư có kinh nghiệm và năng lực phù hợp với tính chất của tội phạm đã quy kết cho họ để hỗ trợ pháp lý một cách hiệu quả, và miễn phí nếu họ không có đủ khả năng chi trả những dịch vụ như vậy.

7. Các chính phủ còn phải bảo đảm rằng, tất cả những người bị bắt hay bị giam, dù có bị cáo buộc phạm tội hình sự hay không, đều phải được nhanh chóng tiếp cận luật sư và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không chậm quá 48 giờ kể từ khi bị bắt hay bị giam.

8. Tất cả những người bị bắt, giam hay cầm tù phải được tạo ra các cơ hội, thời gian và phương tiện đầy đủ để luật sư đến thăm, và được trao đổi hay tư vấn hoàn toàn riêng với luật sư không chậm trễ, không bị theo dõi hay kiểm duyệt. Những cuộc tiếp xúc hay tư vấn như vậy, có thể được tiến hành trong tầm nhìn, nhưng không trong tầm nghe của các nhân viên thi hành luật pháp.

CÁC TIÊU CHUẨN CHUYÊN MÔN VÀ ĐÀO TẠO

9. Các chính phủ, những hiệp hội chuyên môn của luật sư và các cơ sở giáo dục phải bảo đảm rằng luật sư được giáo dục và đào tạo thích hợp, có ý thức về lý tưởng và nhiệm vụ mang tính đạo đức của người luật sư, về các quyền con người và những quyền tự do cơ bản được pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế công nhận.

10. Các chính phủ, những hiệp hội chuyên môn của luật sư và các cơ sở giáo dục phải bảo đảm rằng, không có sự phân biệt đối xử đối với một người trong việc tham gia vào hay tiếp tục hành nghề luật sư vì lý do chủng tộc, màu da, giới tính, nguồn gốc dân tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, ngoại trừ yêu cầu luật sư phải là công dân của một quốc gia có liên quan không bị coi là phân biệt đối xử.

11. Ở những quốc gia có các nhóm, cộng đồng hay khu vực mà dịch vụ pháp lý không đáp ứng được nhu cầu của họ, đặc biệt ở những nơi mà các nhóm như vậy có nền tảng văn hóa, truyền thống hay ngôn ngữ khác biệt hay đã là nạn nhân của nạn phân biệt đối xử trước đây, thì các chính phủ, những hiệp hội chuyên môn của luật sư và các cơ sở giáo dục cần có các biện pháp đặc biệt để tạo cơ hội cho các ứng cử viên của những nhóm này tham gia vào nghề luật và cần đảm bảo rằng họ được đào tạo phù hợp với những nhu cầu của nhóm họ.

CÁC NHIỆM VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM

12. Với tư cách là thành tố quan trọng trong thực hành tư pháp, luật sư phải luôn luôn gìn giữ danh dự và phẩm giá trong nghề nghiệp của họ.

13. Nhiệm vụ của luật sư đối với khách hàng của họ:

[...]