Dự thảo Nghị quyết thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 do Quốc hội ban hành

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 22/10/2019
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:          /2019/QH14

Hà Nội, ngày        tháng       năm 2009

DỰ THẢO

 

 

NGHỊ QUYẾT

THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM KHÔNG TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN PHƯỜNG TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI NHIỆM KỲ 2021 - 2026

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Điều 70 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;

Sau khi xem xét Tờ trình số     /TTr-CP ngày     tháng     năm 2019 của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra số       /BC-UBPL14 ngày      tháng      năm 2019 của Ủy ban pháp luật của Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026

Thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tại những phường nơi thực hiện thí điểm, Hội đồng nhân dân phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc, Ủy ban nhân dân phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi Ủy ban nhân dân phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thành lập.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân quận, thị xã nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân phường

Hội đồng nhân dân quận, thị xã nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách phường; điều chỉnh dự toán ngân sách phường trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách phường.

2. Quyết định danh mục các chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn phường; quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C trên địa bàn phường sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, các nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 4 Điều 7 Luật Đầu tư công.

Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân quận, thị xã quyết định việc giao cho Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án quy định tại khoản này phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương.

3. Thông qua chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phường.

4. Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp mình ở phường; giám sát quyết định của Ủy ban nhân dân phường; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân phường; giám sát việc thực hiện ngân sách phường đã được Hội đồng nhân dân quận, thị xã quyết định.

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận, thị xã nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân phường

Ủy ban nhân dân quận, thị xã nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương (bao gồm dự toán thu, chi ngân sách các phường), trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

Căn cứ vào dự toán ngân sách được giao, quyết định cụ thể dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình và ngân sách các phường, điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết, quyết định các chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện ngân sách.

Lập quyết toán thu, chi ngân sách địa phương (bao gồm ngân sách các phường), trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

2. Quyết định số lượng thành viên Ủy ban nhân dân phường và cơ cấu Ủy viên Ủy ban nhân dân phường theo quy định tại các khoản 2, 3 Điều 5 Nghị quyết này.

3. Phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của phường.

4. Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn phường do địa phương quản lý, bao gồm mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm, thời gian, tiến độ, dự kiến kế hoạch bố trí vốn, cơ chế và giải pháp, chính sách thực hiện.

5. Quyết định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống quan liêu, tham nhũng; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn phường.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân phường

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên Ủy ban nhân dân phường.

2. Tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức phường.

[...]