NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC
HỖ TRỢ PHÒNG CHỐNG ĐÓI RÉT CHO ĐÀN TRÂU BÒ TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2011 -
2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng
12 năm 2004;
Xét Tờ trình số 2528/TTr-UBND
ngày 25 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc đề nghị Hội
đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ công tác phòng
chống đói rét cho đàn trâu bò tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011 - 2015;
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của
Ban Dân tộc, ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Nghị quyết về việc hỗ trợ phòng chống đói rét
cho đàn trâu bò tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011 - 2015 như sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Thay đổi nhận thức, cách làm trong
phòng chống đói rét cho trâu bò của các cấp chính
quyền và các hộ chăn nuôi, chuyển chăn nuôi trâu bò lệ thuộc
vào tự nhiên sang chăn nuôi chủ động có kiểm soát, hạn chế đến mức
thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
b) Mục tiêu cụ thể
- 500 xóm có trồng ngô lai,
mía hoặc trồng nhiều cỏ được hỗ trợ máy thái
thức ăn, 5000 hộ được hỗ trợ xây bể ủ chua thức ăn;
- 50 xã chưa có tập quán dự
trữ rơm khô được xây dựng mô hình dự trữ rơm và nhân rộng mô hình;
- 1000 mô hình ủ rơm với ure
được thực hiện; cung cấp túi nilon, bạt nhựa cho các hộ chăn nuôi để
nhân rộng mô hình;
- 38.000 hộ nghèo có chăn nuôi
trâu bò được cấp và bán trợ giá thức ăn tinh;
- 90% số hộ chăn nuôi được tập
huấn các biện pháp phòng chống rét cho trâu bò;
- Hỗ trợ sửa chữa hoặc xây
mới 25.000 chuồng nuôi trâu bò, trong đó có 8000 hộ đưa chuồng trâu bò
ra khỏi gầm nhà sàn;
- Hỗ trợ tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng và
tẩy giun, sán cho trâu bò;
- Mỗi năm có ít nhất 1 xã/huyện
khắc phục được tình trạng thả rông trâu bò trong vụ đông - xuân.
2. Chính sách và một số định mức để thực hiện phòng chống
đói rét cho trâu bò.
a) Hỗ trợ máy thái và xây
bể ủ chua
- Hỗ trợ 100% giá mua và
vận chuyển máy thái cỏ.
- Hỗ trợ xây bể ủ chua:
Mức hỗ trợ 400.000 đồng/1m3 bể, mức hỗ trợ tối đa cho một
hộ không quá hai triệu đồng;
b) Định mức xây dựng và
nhân rộng mô hình ủ rơm với ure
-Xây dựng mô hình:
+ Cấp 100% giá mua và vận
chuyển túi ủ (bao gồm túi nilon hoặc túi bạt nhựa);
+ Tập huấn: 20.000 đồng/1
học viên;
+ Chi công tổ chức thực
hiện (công tác phí, tập huấn, kiểm tra, viết báo cáo): 400.000
đồng/mô hình.
- Nhân rộng mô hình: hỗ trợ
máy khâu bao, bạt nhựa để dân tự may túi hoặc hỗ trợ 80% giá mua và
vận chuyển túi ủ.
c) Hỗ trợ thức ăn tinh
Mức hỗ trợ là 15kg/1 trâu,
bò (không áp dụng cho bê, nghé dưới 6 tháng tuổi)/hộ nghèo/năm, mức
hỗ trợ tối đa cho một hộ không quá 30kg (hộ được cấp không quá 2
lần)
Sau 2 lần được cấp, thức ăn
tinh được bán trợ giá cho các hộ nghèo, giá bán bằng 1/3 giá thành
sản xuất và vận chuyển. Số lượng thức ăn bán trợ giá là 15kg/1
trâu, bò/ hộ nghèo/năm, số lượng bán cho một hộ không quá 30kg.
d) Hỗ trợ tiêm phòng vắc
xin lở mồm long móng
Cấp vắc xin lở mồm long
móng và hỗ trợ công tiêm phòng cho các huyện không nằm trong chương
trình phòng chống lở mồm long móng của Quốc gia.
đ) Kiểm tra mẫu và tẩy giun
sán.
- Công lấy mẫu: Số mẫu tối
thiểu 15 mẫu/15hộ/một xóm, mức thanh toán 150.000 đồng;
- Công kiểm tra toàn bộ số mẫu
(tối thiểu 150 mẫu): 300.000 đồng;
- Truyền thông cho cán bộ xã,
các trưởng xóm: 20.000 đồng/người;
- Cấp thuốc tẩy giun, sán:
100% giá mua thuốc;
- Hỗ trợ cán bộ thú y,
khuyến nông xóm cấp phát thuốc tẩy giun, sán và hướng dẫn sử dụng:
50.000 đồng/xóm.
e) Hỗ trợ sửa chữa, xây dựng
chuồng trại.
- Hỗ trợ hộ nghèo và cận
nghèo sửa chữa nền, mái, cột... chuồng nuôi trâu bò, mức hỗ trợ:
1.500.000 đồng/hộ;
- Hỗ trợ hộ nghèo và cận
nghèo chưa có chuồng hoặc chuồng bị hư hỏng không còn sử dụng được hoặc
di chuyển chuồng gia súc ra khỏi gầm nhà sàn : Hỗ trợ 3.000.000
đồng/hộ; hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ 2.000.000
đồng/hộ.
g) Tập
huấn, truyền thông tại xóm: Chi phí tổ chức và truyền thông 130.000
đồng/xóm (chi cho người tổ chức họp và làm công tác truyền thông
80.000 đồng, 30.000 đồng phô tô tài liệu, 20.000 đồng tiền chè nước)
h) Chi phí kiểm tra công tác
phòng chống đói rét tại xóm: Người thực hiện kiểm tra các biện pháp
phòng chống đói rét của các hộ được hỗ trợ 200.000 đồng/1 lần
thống kê đối với xóm có trên 40 hộ chăn nuôi, hỗ trợ 160.000 đồng với
xóm có dưới 40 hộ chăn nuôi.
i) Mỗi huyện hợp đồng lao
động dài hạn với một cán bộ chăn nuôi thú y có trình độ từ trung
cấp trở lên (lương trả theo cấp bậc đào tạo).
k) Hộ chăn nuôi không chủ động
thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống đói rét; dịch bệnh cho trâu
bò (giữ chuồng khô sạch, che chuồng chống rét, dự trữ thức ăn cho vụ
đông - xuân, tiêm phòng...) sẽ không được Nhà nước hỗ trợ khi trâu bò
bị chết vì đói rét, dịch bệnh.
3. Nguồn kinh phí : Từ ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh
phí khác.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai
thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân
dân tỉnh theo quy định.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đại
biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và
các tổ chức thành viên vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện Nghị quyết của
Hội đồng nhân dân tỉnh.
Điều 4. Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Cao Bằng khoá XV, kỳ họp thứ 3 thông qua./.