Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung chương trình xây dựng pháp luật năm 1993 trong 6 tháng cuối năm 1993 do Quốc hội ban hành

Số hiệu Khôngsố
Ngày ban hành 14/07/1993
Ngày có hiệu lực 14/07/1993
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 1993

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT NĂM 1993 TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM 1993

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 62 và Điều 63 của Luật tổ chức Quốc hội; Nghị quyết của Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ về công tác xây dựng pháp luật năm 1993.
Sau khi nghe Tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 1993 trong 6 tháng đầu năm và dự kiến bổ sung, điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật năm 1993 trong 6 tháng cuối năm, xem xét đề nghị của các tổ chức và cá nhân có quyền trình dự án và kiến nghị về luật và ý kiến của đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ

1. Quốc hội tán thành đánh giá của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 1993 trong 6 tháng đầu năm và nhận thấy công tác xây dựng pháp luật đã được triển khai toàn diện, đồng bộ theo tiến độ đã đề ra, đạt kết quả tương đối và có một số tiến bộ so với những năm trước. Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực cố gắng chung của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các cơ quan trình dự án và các đại biểu Quốc hội trong việc hoàn thành kế hoạch xây dựng các dự án pháp lệnh và chuẩn bị các dự án luật, Quy chế hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội trình quốc hội, Quốc hội biểu dương các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân, trong phạm vi trách nhiệm của mình đã góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện các dự án pháp luật.

Quốc hội lưu ý các cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng như các cơ quan trình dự án luật; pháp lệnh khác phải bảo đảm quy trình xây dựng và chất lượng chuẩn bị các dự án pháp luật; kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, đồng thời thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp luật trong cả nước.

2. Căn cứ vào Nghị quyết Quốc hội về nhiệm vụ năm 1993, Nghị quyết Quốc hội về công tác xây dựng pháp luật năm 1993 và đề nghị của các tổ chức và cá nhân có quyền trình dự án và kiến nghị về luật, pháp lệnh; căn cứ vào tiến độ chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh trong chương trình xây dựng pháp luật năm 1993 và sau khi nghe ý kiến đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết định điều chỉnh, bổ sung chương trình xây dựng pháp luật năm 1993 trong 6 tháng cuối năm như sau :

- Theo đề nghị của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, chuyển việc thông qua chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, Luật doanh nghiệp Nhà nước, Luật phá sản doanh nghiệp, Luật về thẩm quyền và trình tự ban hành văn bản quy phạm Pháp luật, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 3 chuyển sang thông qua tại kỳ họp thứ 4.

- Bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 1993 văn bản pháp luật về tổ chức toà án kinh tế. Giao cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, tổ chức lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc ban hành Luật hay Pháp lệnh về tổ chức Toà án kinh tế để ghi vào chương trình xây dựng pháp luật năm 1993 trong 6 tháng cuối năm và thông báo với đại biểu Quốc hội.

- Bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 1993 dự án pháp lệnh về người có công.

- Chuyển dự án Bộ luật dân sự, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ tư sang chương trình xây dựng pháp luật năm 1994.

Chương trình xây dựng pháp luật năm 1993 trong 6 tháng cuối năm 1993 gồm 8 (hoặc 9) luật và 8 (hoặc 7) pháp lệnh (có danh mục kèm theo). Ngoài ra, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội xem xét, thông qua chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá IX và chương trình xây dựng pháp luật năm 1994.

3.Giao cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội căn cứ vào chương trình xây dựng pháp luật năm 199 trong 6 tháng cuối năm đã được điều chỉnh ,bổ sung và dự kiến nội dung, thời gian tiến hành kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, xem xét điều chỉnh tiến độ xây dựng các dự án, chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến các cấp, các ngành và nhân dân về một số dự án Luật trước khi trình Quốc hội.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khoá IX kỳ họp thứ ba thông qua ngày 14 tháng 7 năm 1993.

CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT NĂM 1993 CỦA QUỐC HỘI TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM (1)

I. CÁC DỰ ÁN LUẬT
(thông qua tại kỳ họp thứ 4):

1. Luật doanh nghiệp Nhà nước

2. Luật phá sản doanh nghiệp

3. Bộ luật lao động

4. Luật ngân sách Nhà nước

5. Luật về thẩm quyền và trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật

6. Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi)

7. Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi)

8. Luật bảo vệ môi trường.

II. CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
(Thông qua tại kỳ họp thứ 4):

1. Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá IX.

2. Chương trình xây dựng pháp luật năm 1994

III. CÁC PHÁP LỆNH:

1. Pháp lệnh về thủ tục công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài.

2. Pháp lệnh hành nghề y, duợc.

3. Pháp lệnh về hôn nhân và gia đình của công dân Việt Nam với nước ngoài.

4. Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ đối với cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam.

5. Pháp lệnh về quy chế hoạt động của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài.

6. Pháp lệnh về quy chế công chức.

7. Pháp lệnh về người có công.

(1) Văn bản về tổ chức Toà án kinh tế, sau khi xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, sẽ ghi bổ sung vào chương trình xây dựng luật hoặc pháp lệnh.

 

 

Nông Đức Mạnh

(Đã ký)

 

7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ